Trong vụ Xuyên Việt Oil, VKSND Tối cao truy tố 15 bị can về các tội: Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; đưa hối lộ; nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Trong đó, bà Mai Thị Hồng Hạnh (sinh năm 1979, cựu giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil) bị truy tố tội đưa hối lộ và tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Cáo buộc xác định bà Hạnh vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng quỹ Bình ổn giá xăng giá dầu (quỹ BOG) và tiền thuế bảo vệ môi trường, gây thất thoát tài sản Nhà nước với số tiền 1.463 tỉ đồng.
Ngoài ra, bà Hạnh thực hiện 22 lần đưa hối lộ, tổng số tiền hơn 31 tỉ đồng cho 8 cá nhân ở Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Tỉnh ủy Bến Tre… Trong số những người nhận hối lộ có Đặng Công Khôi - cục phó Cục Quản lý giá Bộ Tài chính.
Theo quy định pháp luật, Cục Quản lý giá Bộ Tài chính là cơ quan nhà nước có chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về theo dõi, kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong việc trích lập, sử dụng, quản lý Quỹ BOG.
Theo Quyết định bổ nhiệm của Bộ Tài chính, Đặng Công Khôi là cục phó Cục Quản lý giá Bộ Tài chính có nhiệm vụ, quyền hạn kiểm tra, giám sát Quỹ BOG tại các doanh nghiệp là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong đó có Công ty Xuyên Việt Oil. Từ tháng 7-2017, ông Khôi trực tiếp phụ trách, chỉ đạo Phòng Giá hàng tư liệu sản xuất, đơn vị có chức năng, theo dõi, kiểm tra, giám sát Quỹ BOG.
Từ tháng 10-2017 đến đầu năm 2023, Công ty Xuyên Việt Oil không thực hiện gửi sao kê tài khoản Quỹ BOG đến Cục Quản lý giá theo quy định. Bà Trần Thị Mỹ Dung (lãnh đạo Phòng Giá hàng tư liệu sản xuất) và ông Vũ Quang Hà (chuyên viên phụ trách theo dõi Quỹ BOG) có báo cáo việc này với ông Khôi.
Tuy nhiên, ông Khôi không chỉ đạo áp dụng biện pháp xử lý kịp thời, không nhắc nhở Công ty Xuyên Việt Oil chấp hành đúng quy định pháp luật. Qua đó, gián tiếp tạo điều kiện cho Mai Thị Hồng Hạnh chiếm dụng, sử dụng trái phép số tiền phải trích nộp vào quỹ BOG.
Quá trình công tác, ông Khôi đã 2 lần làm trưởng đoàn kiểm tra thực tế tình hình trích lập, sử dụng Quỹ BOG tại Công ty Xuyên Việt Oil.
Lần thứ nhất là vào năm 2019, theo Quyết định số 378/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, ông Khôi được phân công làm trưởng đoàn kiểm tra tại Công ty Xuyên Việt Oil.
Qua kiểm tra, ông Khôi đã phát hiện Công ty Xuyên Việt Oil không thực hiện nộp tiền vào Quỹ BOG nhưng không kiến nghị, đề xuất xử lý theo quy định. Lần này, bà Hạnh có đưa tiền hối lộ nhưng ông Khôi không nhận.
Lần thứ 2 là năm 2021, theo Quyết định số 184/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, ông Khôi tiếp tục làm trưởng đoàn kiểm tra và phát hiện Công ty Xuyên Việt Oil vẫn không thực hiện nộp Quỹ. Ông Khôi yêu cầu công ty thực hiện việc nộp tiền.
Do vậy, bà Hạnh bàn bạc với bị can Đinh Tiến Dũng (kế toán trưởng công ty) để chi hối lộ cho ông Khôi. Sau đó, Đinh Tiến Dũng gặp nhân viên kế toán công ty nhận 50.000 USD.
Sáng 26-3-2021, Dũng đến gặp ông Khôi tại Nhà khách Quốc hội và đưa số tiền 20.000 USD. Còn 30.000 USD, Dũng mang về trả lại cho Hạnh.
Theo cáo buộc, lời khai của Đặng Công Khôi, Đinh Tiến Dũng, Mai Thị Hồng Hạnh thống nhất về thời gian, địa điểm, số tiền, số lần, mệnh giá tiền, lý do đưa và nhận hối lộ. Do đó, có căn cứ xác định trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát Quỹ BOG tại Công ty Xuyên Việt Oil, ông Khôi đã nhận hối lộ 20.000 USD, tương đương 459 triệu đồng. Còn ông Dũng giúp sức cho bà Hạnh đưa hối lộ.
Các bị can đều nhận thức việc làm của mình là vi phạm pháp luật và có thái độ thành khẩn khai báo. Trong đó, ông Khôi đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền đã nhận.