Nghỉ học kéo dài, các trường xoay xở vượt khó

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để tránh tình trạng lây lan của dịch, học sinh (HS) trên cả nước đã được cho nghỉ học đến hết tháng 2. Điều này gây không ít khó khăn cho các trường, nhất là trường tư thục trong việc chi trả thu nhập cho giáo viên (GV), công nhân viên.

Thu nhập giảm sút

Một giáo viên ở Đà Lạt cho biết, hai tuần trước nhà trường cho HS nghỉ vì dịch COVID-19, GV cơ hữu sẽ được trừ vào ngày phép, lương vẫn tính như bình thường. Còn với GV hợp đồng, thử việc thì không được tính lương; ngày nào được đề nghị đến trường làm việc thì sẽ tính lương ngày đó.

Tuy nhiên, “kể từ tuần này, ngày 17-2, GV được giao dạy online thay vì nghỉ như hai tuần trước nhưng chưa biết nhà trường sẽ tính lương, chi phí ra sao” - giáo viên này nói. 

Một số trường tư thục ở Hà Nội cho GV nghỉ thì không tính lương vì quỹ dự phòng không có. Như hiệu trưởng của một trường mầm non tư thục cho biết, do học phí của HS đóng theo từng tháng nên khi HS nghỉ đồng nghĩa với không đóng học phí. Vì vậy, GV cũng chỉ được hưởng 20% lương, coi như tượng trưng.

Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn quận 10, TP.HCM cũng chia sẻ: Về nguyên tắc, học trò không đi học thì không thu được tiền dịch vụ. Vậy lực lượng hợp đồng lao động liên quan đến phục vụ bán trú lấy tiền đâu trả. “Nghỉ một tháng, trường tôi có thể gánh được vì có dự phòng phí để chi trả. Nhưng nếu tình hình HS nghỉ đến hết tháng 3 thì chưa biết tính sao. Do đó, qua tuần trường sẽ liên hệ với Phòng Tài chính để được hướng dẫn thêm” - vị này nói.

Đề cập đến vấn đề trên, trưởng Phòng GD&ĐT một quận trên địa bàn TP.HCM bổ sung: “Tình hình hiện nay các trường công gặp không ít khó khăn trong vấn đề chi trả cho các bộ phận ký hợp đồng lao động. Theo Nghị định 128 tinh giản biên chế, đối tượng bảo vệ, phục vụ phải hợp đồng. Đối với những vị trí việc làm này, các trường đang lấy từ nguồn dự phòng khoảng 20% để trả nhưng nếu tình hình kéo dài thì khó có thể đủ”.

Học sinh Trường THCS - THPT Đào Duy Anh (TP.HCM)  ôn bài tại nhà trong thời gian nghỉ học tránh dịch. Ảnh: NTCC

Cũng theo vị này, dịch bệnh khiến HS nghỉ học cũng là một trở ngại đối với các trường tư. Qua nắm bắt tình hình, hiện có nhiều trường tư trên địa bàn than hết tiền để trả lương cho GV, bảo vệ, phục vụ và quản sinh vì không có nguồn thu. Tùy tình hình, có trường sử dụng nguồn vốn dự phòng để có thể trả tiền bảo hiểm, còn tiền lương GV không kham nổi. Nhưng cũng có trường không còn kinh phí để chi trả. Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự hỗ trợ từ phía chính quyền TP.

Về vấn đề này, đại diện một trường tư trên địa bàn quận 6, TP.HCM cho biết trường đang gặp khó để duy trì hoạt động. Tiền ăn, tiền quản lý nhà trường không thu, trong khi đó tiền học phí cũng khó có thể thu toàn bộ. Vậy nên lương của GV chỉ trả mức hỗ trợ chứ không trả 100% lương như bình thường. Còn đối với bảo mẫu, bảo vệ… trường cố gắng hỗ trợ 50% lương. Trường vẫn cố gắng chi trả phần nào chứ không thể cắt vì không học nhưng GV vẫn phải trực, dọn dẹp vệ sinh, ra bài cho HS, đến trường, bảo vệ vẫn làm việc. Trường vẫn hoạt động vì phụ huynh vào trường hỏi thăm, nắm bắt tình hình.

Cố gắng xoay xở

Trước tình hình trên, nhiều trường đã cố gắng tìm mọi cách xoay xở nhằm duy trì hoạt động của trường để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Ông Hoàng Minh Huy, Chủ tịch HĐQT Trường THCS - THPT Hai Bà Trưng, quận Tân Bình, TP.HCM, nói: “Mặc dù không thu được học phí nhưng trường sẽ cố gắng xoay xở để trả ít nhất 50% lương cho cán bộ, GV với nhân viên để họ duy trì cuộc sống trong 1-2 tháng. Chúng tôi phải tự lực cánh sinh bởi đây là tình hình bất khả kháng. Hy vọng mỗi người cùng chia sẻ một chút để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này” - ông Huy nhấn mạnh.

Trong khi đó, vị đại diện trường tư trên địa bàn quận 6, TP.HCM cũng bày tỏ: “Giờ kiến nghị lên ngành giáo dục để được hỗ trợ cũng khó. Bởi mỗi trường một cảnh, không biết sẽ hỗ trợ trường đó như thế nào cho hợp lý. Do đó, để có thể giải quyết phần nào, hiện trường đang họp bàn lấy ý kiến phụ huynh, nhờ phụ huynh hỗ trợ mức nào đó về học phí. Có thể khoảng 40%-50% để trường duy trì mặt bằng, điện nước với hỗ trợ chi phí cho đội ngũ công nhân viên, GV, bảo mẫu, bảo vệ, lao công” - vị này nhấn mạnh.

Người lao động vẫn được trả lương trong thời gian ngừng việc


Luật sư MAI THẢO

Theo quy định của Bộ luật Lao động 2012, đối với trường hợp ngừng việc vì nguyên nhân khách quan như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, dịch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, tiền lương ngừng việc sẽ do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Cụ thể, trong trường hợp này, việc GV (kể cả GV làm việc theo hợp đồng lao động của viên chức, GV thực hiện công tác giáo dục theo hợp đồng lao động ký với trường học hoặc công nhân viên trường học) nghỉ là theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Theo quy định, trường học, các đơn vị sự nghiệp giáo dục vẫn thực hiện thanh toán lương cho GV, nhân viên nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. (Vùng I: 4.420.000 đồng/tháng, vùng II: 3.920.000 đồng/tháng, vùng III: 3.430.000 đồng/tháng, vùng IV 3.070.000 đồng/tháng), đồng nghĩa với việc thu nhập đó không còn căn cứ theo hợp đồng lao động.

Riêng với GV là viên chức thì vẫn được hưởng các khoản phụ cấp như phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp lưu động, phụ cấp khu vực… theo quy định của Luật Viên chức 2010, Luật Giáo dục 2005 (sắp thay thế bởi Luật Giáo dục 2019) và Bộ luật Lao động 2012.

Tuy nhiên, thời gian người lao động ngừng việc cũng gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho người sử dụng lao động. Vậy để đảm bảo dung hòa lợi ích các bên, ai là người thanh toán lương trong thời gian ngừng việc?

Theo quy định, trước tiên người sử dụng lao động vẫn là người thanh toán lương cho người lao động. Bên cạnh đó, Luật Ngân sách nhà nước 2015 quy định nguồn dự phòng ngân sách nhà nước được sử dụng trong những trường hợp chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói; nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cần thiết khác.

Xem xét quy định này, trong trường hợp thiệt hại do dịch bệnh, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan phối hợp có thể cân nhắc trình Thủ tướng để xem xét, quyết định việc sử dụng nguồn ngân sách dự phòng trung ương trong công tác khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra.

Luật sư MAI THẢO, Đoàn Luật sư TP Hà Nội 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới