Ngư dân đang ngụp lặn với đống nợ khi vay đóng tàu theo Nghị định 67

(PLO)- Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) nêu tình trạng của ngư dân địa phương khi đề cập tới vấn đề giải quyết nợ vay đóng tàu theo Nghị định 67.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 20-11, tiếp tục đợt 2 kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Nêu ý kiến, đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) đề cập tới vấn đề giải quyết nợ vay đóng tàu theo Nghị định 67. Theo ông, đây là việc kéo dài ở Quảng Nam, không biết bao nhiêu lần cử tri đã kiến nghị.

“Ngư dân thoi thóp, ngụp lặn trong đống nợ. Ngân hàng thương mại cho vay theo chỉ đạo, nay là “nợ khó đòi”, trở thành gánh nặng nhưng đến nay, Chính phủ vẫn chưa tập trung giải quyết”- ông Phước cho hay.

db-duong-van-phuoc-2812-3778.jpeg
Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam).

Theo đại biểu Dương Văn Phước, vấn đề này Đoàn ĐBQH Quảng Nam đã kiến nghị đưa vào Nghị quyết năm 2023 nhưng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình rằng đây là việc của Chính phủ, Chính phủ phải có kế hoạch triển khai thực hiện.

“Nhưng người dân chờ mãi không biết đến bao giờ”- ông Phước bình luận.

“Tôi cũng hay nói với anh em ở trong Bộ rằng chúng ta không chỉ trả lời kiến nghị cử tri cho xong bởi vì không thấy được vấn đề thì đó chính là vấn đề lớn nhất và ngành nông nghiệp còn quá nhiều vấn đề bên cạnh thành tựu là trụ đỡ, là điểm sáng”- Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nói trước Quốc hội.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp sau đó lần lượt đề cập đến các nội dung đại biểu nêu tại phiên thảo luận, trong đó có vấn đề về chính sách đóng tàu theo Nghị định 67 mà ĐB Phước vừa đề cập. Ông Hoan cho biết Bộ NN&PTNT đã hoàn thành dự thảo sửa đổi Nghị định 67 và trình Chính phủ.

Theo ông Lê Minh Hoan, giao dịch ngân hàng với các chủ tàu là giao dịch kinh tế- dân sự, hiện giờ phát sinh các vấn đề. “Chúng tôi rất cảm xúc khi bắt gặp hình ảnh các ngư dân ngày xưa được vinh danh, giờ phải ra khỏi nhà do ngân hàng siết nợ”- ông Hoan nói và cho hay khi ông đi tiếp xúc, khảo sát ở địa phương, địa phương nói không phải toàn bộ các chủ tàu đều không trả nợ được. Nhưng cũng không ai trả nợ khi có những chủ tàu không trả nợ, tức là người này dắt dây người kia, người ta đang chờ đợi nhau.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hoan cũng thừa nhận thực tế có những chủ tàu lâm vào cảnh nợ nần, gia cảnh vô cùng khó khăn.

Câu chuyện sửa đổi Nghị định 67, chúng tôi chỉ hướng tới một điều, khi chủ tàu không còn khả năng có thể chuyển tàu cho người khác. Lúc đó đề nghị Ngân hàng tái cấu trúc nợ”- ông Hoan nói thêm.

BT-Le-Minh-Hoan.jpeg
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng đề cập tới một vấn đề đang khá vướng mắc hiện nay là tài sản thế chấp đóng tàu theo Nghị định 67 với khoản vay Ngân hàng chênh lệch nhau rất nhiều. Khi Ngân hàng phát mãi những chiếc tàu đó, giá trị tàu không được như ban đầu.

“Người dân yêu cầu, xưa tôi đóng tàu bao nhiêu, nay Ngân hàng phải ghi nhận như vậy. Nhưng Ngân hàng phải định giá theo giá trị thực của con tàu ở thời điểm hiện tại”- ông Hoan đề nghị đại biểu Phước “đi đầu”, cùng với Ngân hàng ở địa phương ngồi giải quyết từng trường hợp vì theo ông “không thể có một chính sách phủ trùm”.

Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng lo ngại việc những đối tượng thực sự không tiếp cận được chương trình. “Cũng có thể xảy ra tình huống lợi dụng chính sách vì ngay việc bình chọn đối tượng tham gia vào Nghị định 67 để đóng tàu theo chủ trương đó chúng ta đã có những vấn đề không rõ ràng, minh bạch ở thời điểm đó rồi”- ông Hoan nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm