Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 17-7 có đăng tin “Công an bỏ lại ô tô, đưa người đi cấp cứu”, phản ánh sau một vụ va quẹt giao thông giữa ô tô và xe máy, một cán bộ công an tỉnh Gia Lai đã nhanh chóng xuống xe đưa người bị nạn đi cấp cứu. Một số bạn đọc cảm kích trước hành xử này.
Chiều 18-7, đại diện CSGT Công an TP Pleiku (Gia Lai) cho biết do không ai bị thương nặng và cả hai phương tiện hầu như không hư hỏng gì trong vụ tai nạn nên công an đã để hai bên thương lượng.
Chứng kiến toàn bộ vụ va quẹt giao thông, bà Nguyễn Thị Sen (75 tuổi, trú phường Diên Hồng, TP Pleiku) nói: “Tui thấy rõ ràng là ông đi xe máy quẹt vào ô tô của công an. Dù lúc đó chưa xác định được ai đúng, ai sai nhưng hình ảnh ông công an nhanh chóng xuống xe đưa người bị nạn đi cấp cứu là hành động đúng mực, thể hiện trách nhiệm giữa con người với nhau. Ai chứng kiến cảnh đó cũng thấy ấm lòng”.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến người đàn ông ngất xỉu, người công an đang đưa nạn nhân đi cấp cứu. Ảnh: L.Q.LOAN
Trao đổi với người viết qua điện thoại, ông Nguyễn Ngọc Phúc (46 tuổi, trú hẻm 69 Nguyễn Trung Trực, phường Hội Phú, TP Pleiku), người bị nạn trong vụ việc trên, cho biết ông làm nghề điện nước. Thời điểm trên trời đang có dấu hiệu mưa to, ông đang vội rời chỗ làm chạy về nhà ăn cơm thì va quẹt phải ô tô của công an.
Theo ông Phúc, tai nạn là điều không ai mong muốn song ông cảm thấy rất may mắn vì gặp được một cán bộ đàng hoàng, chứ không thì có lẽ sẽ mệt mỏi không chừng. “Vị cán bộ đó đã lo lắng thuốc thang cho tôi, căn dặn các bác sĩ phải kiểm tra kỹ càng khắp người tôi. Khi các bác sĩ thông báo thương tích của tôi không vấn đề gì, chỉ bị xây xát da thì ông này mới yên tâm đến Công an TP Pleiku lấy xe ra giao lại cho tôi. Xe ổng bị hư biển số, tróc sơn nên mới nặng chứ chiếc xe cà tàng của tôi chẳng bị gì cả. Ngay buổi chiều hôm đó, vì sức khỏe ổn định nên tôi đã xuất viện tiếp tục đi làm, như vậy là đã may mắn lắm rồi” - ông Phúc nói.
Chúng tôi đã liên lạc với Công an tỉnh Gia Lai để được gặp vị cán bộ có lối ứng xử đẹp khi tham gia giao thông nêu trên. Tuy nhiên, Trung tá Trần Ngọc Anh, Trưởng phòng Tham mưu, cho biết vị công an trong vụ va quẹt trên cho rằng dù mình không có lỗi nhưng đưa người đi cấp cứu là lẽ thường tình, nhiều đồng nghiệp vẫn thường làm như vậy, sự việc không có gì to tát nên từ chối gặp báo chí và cũng đề nghị không được tiết lộ tên, tuổi.
Về hình ảnh vị cán bộ công an đã bỏ xe tại hiện trường, ẵm người bị nạn đưa đi cấp cứu, Trung tá Anh nêu quan điểm: “Người bình thường khi thấy người gặp nạn thì phải có trách nhiệm, đó là chưa kể luật pháp cũng có quy định vấn đề này. Huống chi đó là công an, là công bộc của dân, lại công tác ở nơi tuyên truyền về lối ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông thì chuyện đó quá đỗi bình thường” - vị trưởng phòng nói.
Trong hai vụ việc cự cãi gây xôn xao dư luận gần đây, cách ứng xử bình tĩnh, bản lĩnh và kiên quyết của các chiến sĩ CSGT đã nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ của người dân. • Nói thật có nhiều vụ việc khiến tôi không có cảm tình với CSGT. Tuy nhiên, trong vụ này, cả tình và lý tôi đều tin CSGT đã làm đúng, làm tốt trách nhiệm của mình. CSGT nên nhớ khi mình làm đúng sẽ được công luận đồng tình ủng hộ. QUANG VINH • Rất đồng tình thái độ của đồng chí CSGT này. Không phân biệt người đó là ai, mọi người phải tuân thủ pháp luật. Đề nghị cấp trên khen thưởng cho người CSGT đã xử lý tình huống này. THANH BÌNH • Tôi rất hoan nghênh tinh thần của chiến sĩ CSGT đã cứng rắn đương đầu với vị tướng về hưu. Phải cứng rắn, dũng cảm và kiên quyết như vậy dù đối tượng trước mặt có xưng là con ông cháu cha cỡ nào đi nữa, vi phạm là vi phạm. CSGT xử lý đúng và nghiêm như vậy mới đẹp trong lòng dân. NGUYỄN HOÀNG NGÂN Vụ việc bà TTTD vi phạm luật giao thông tại giao lộ Ung Văn Khiêm - Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) nhưng vẫn nắm áo, chỉ mặt xúc phạm CSGT ngày 17-7: • Hình ảnh xấu xí và thách thức của một phụ nữ làm nổi bật một hình ảnh khôn khéo, bản lĩnh của một chiến sĩ CSGT. HUỲNH DUNG • Đề nghị xử lý nghiêm những hành vi coi thường pháp luật, chiến sĩ CSGT này đã được đào tạo rất tốt mới chịu đựng được những hành động thái quá như vậy. TRẦN QUANG • CSGT nào cũng biết kiềm chế để xử lý đúng mực như thế này sẽ khiến người dân nể phục và ủng hộ. Đó không chỉ là đạo đức nghề nghiệp mà còn là bản lĩnh đã được rèn luyện vững vàng. TRƯƠNG THANH BÌNH |
CSGT được tập huấn kỹ năng giao tiếp Đầu tháng 4 vừa qua, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) đã tổ chức lớp tập huấn “Nâng cao văn hóa ứng xử, kỹ năng giao tiếp đối với cán bộ, chiến sĩ”. Nội dung tập huấn là văn hóa ứng xử, kỹ năng giao tiếp của cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và tiếp xúc với nhân dân, nhất là các vấn đề liên quan thủ tục xử phạt hành chính, đăng ký xe. Theo Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng PC67, từ năm 2007 đến nay việc xây dựng ứng xử văn hóa, kỹ năng giao tiếp cho cán bộ, chiến sĩ CSGT đã rất được quan tâm. Người dân TP không hài lòng về CSGT có thể gọi số (069) 387521 để phản ánh. |