Người đàn bà tặng hơn 5.000 lượng vàng cho cách mạng

Ở tuổi 97, bà Hoàng Thị Minh Hồ vẫn giữ nét đẹp của người phụ nữ Hà Nội gốc: Gương mặt phúc hậu, nước da trắng, giọng nói ấm áp và thái độ điềm đạm. Trong ngôi nhà số 34 Hoàng Diệu (Hà Nội), nơi bà sống cùng hai con trai, hai chiếc huân chương độc lập hạng nhất được đặt nơi trang trọng nhất. Bà cho hay, đó là phần thưởng cao quý mà nhà nước dành tặng người chồng quá cố Trịnh Văn Bô và bà vì những đóng góp to lớn cho cách mạng.

Giữ giọng chậm rãi, bà Hồ kể, ngôi nhà số 48 Hàng Ngang của bà trước kia là tiệm vải Phúc Lợi, thuộc loại lớn nhất Hà Nội thời bấy giờ. Có điều kiện dư dả, hai ông bà thường xuyên làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo. Thấy vậy, cán bộ Việt Minh đã đến nhà vận động ông bà đi theo cách mạng. Việt Minh khó khăn, không có tiền ra báo, bà đã ủng hộ 8 vạn rưỡi tiền Đông Dương. Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang cũng được chọn làm trụ sở hoạt động của cách mạng.

Bà Hồ cho biết, thân sinh ra bà là cụ Hoàng Đạo Phương và Nguyễn Thị Lợi cũng như thân sinh của chồng bà, cụ Trịnh Phúc Lợi, đều là những nhà Nho yêu nước, từng tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục. Tất cả đều đỗ đạt mà không ai làm quan. Cụ Phương khi gần 80 tuổi đã gọi các con lại nói rằng: "Ta đã già mà chưa làm trọn việc nước, sau này con nào có điều kiện giúp nước thì hãy làm thay ta".

"Lời căn dặn của cha tôi luôn khắc ghi trong lòng. Và khi có điều kiện là tôi giúp nước ngay mà không hề suy nghĩ", bà Hồ tâm sự.

Người đàn bà tặng hơn 5.000 lượng vàng cho cách mạng ảnh 1

97 tuổi , bà Hồ vẫn còn minh mẫn. Ảnh: Hoàng Thùy.

Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang được xây theo kiểu nhà ống cổ, gồm 4 tầng. Tầng một là cửa hàng vải Phúc Lợi nổi tiếng khắp vùng. Khách đến mua đông đúc, xung quanh lại tấp nập người qua lại nên được chọn làm nơi ở cho Bác Hồ cùng những nhà lãnh đạo cách mạng từ chiến khu trở về.

Bà Hồ nhớ, vào một buổi tối cuối tháng 8 năm 1945, ông Nguyễn Lương Bằng đến nhà bảo vợ chồng bà thu xếp một phòng đón cán bộ cách mạng đến ở. Ông bà dọn một phòng tầng 3 tươm tất để đón khách. Tuy nhiên, người khách mới đến lại dọn xuống tầng 2 để ở cùng mọi người cho tiện.

"Ấn tượng đầu tiên của tôi về người khách mới là sự giản dị. Ông cụ hơi gầy, vầng trán cao, râu dài, tóc bạc. Cụ mặc áo nâu, quần soóc nâu, đội mũ dạ, đi dép cao su hiệu con hổ trắng, tay cầm can. Để đảm bảo bí mật, chúng tôi nói với gia nhân rằng họ là người nhà ở dưới quê lên chơi và tất cả đều không được lên tầng 2 làm phiền", bà Hồ nhớ lại.

33 ngày Bác ở nhà bà (từ 24/8 đến 27/9), bà đều trực tiếp chỉ đạo nhà bếp nấu ăn phục vụ Người. Sau đó, hai vợ chồng bà thay nhau bê lên. Vào 9h hằng ngày, bà thường bê cháo và hoa quả lên cho Bác. Một hôm bà đang định quay gót thì Bác hỏi "Cô tên gì?". Sau khi bà trả lời, Bác lại nói "Cô còn trẻ mà đã có cơ đồ sự nghiệp, có chồng con, tiền bạc. Cô chẳng có gì khổ cả".

Nghe vậy bà Hồ khẳng khái nói: "Cháu vẫn có một điều khổ, đó là nỗi nhục mất nước". Bác cười: "Vậy thì kiên trì và nhẫn nại nhé!".

Người đàn bà tặng hơn 5.000 lượng vàng cho cách mạng ảnh 2

Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, nơi Bác Hồ viết bản tuyên ngôn độc lập, nay đã trở thành một di tích lịch sử, là điểm đến của nhiều khách tham quan. Ảnh: Hoàng Thùy.

"Ông cụ chăm chỉ lắm. Ngày nào cũng làm việc tới đêm khuya và thức dậy rất sớm để tập thể dục. Cụ cứ ngồi bên bàn làm việc, gõ lách cách. Có khi lại họp bàn với các đồng chí ở bên phòng lớn suốt đêm", bà Hồ kể.

Thấy sự kính cẩn mà cán bộ dành cho "ông cụ", bà thắc mắc với ông Lê Đức Thọ, Trần Đăng Ninh nhưng họ chỉ cười không nói gì. Một lần ông bà đón hai vị khách nước ngoài đến thăm "ông cụ". Rồi cụ đưa cho hai vị khách xem một bản thảo, một trong hai người nói rằng đoạn đầu quen quen. Cụ cười nói: "Đó là câu từ ở trong bản tuyên ngôn độc lập của nước bạn".

"Mãi sau này tôi mới biết bản thảo đấy chính là bản tuyên ngôn độc lập mà Người viết hàng đêm bên chiếc máy chữ", bà Hồ cho hay.

Bà Hồ bảo giờ phút mà bà không bao giờ quên được là buổi sáng 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình. Sáng hôm ấy, bà chuẩn bị tươm tất đến dự mít tinh, ông Bô đi cùng với Ủy ban hành chính Nhà nước. Khi đang xếp hàng ở Phan Đình Phùng, sau lời giới thiệu cụ Hồ Chí Minh lên đọc Tuyên ngôn độc lập, nghe giọng nói quen thuộc của "ông cụ", bà khóc òa sung sướng. Người khách bấy lâu ở trong nhà bà, được bà tận tâm chăm sóc chính là Bác Hồ kính yêu, là cụ Nguyễn Ái Quốc mà bà được đọc trên báo.

Sau ngày Quốc khánh, ban ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc ở phủ, tối vẫn về nhà bà Hồ để ở. Bác vẫn gần gũi, chân thành như "ông cụ ở quê lên chơi" ngày nào. Thời gian này, Bác nhờ ông bà Bô chuẩn bị một bữa tiệc chiêu đãi tướng quân Tưởng. Đồng thời, để cho chúng rút 20 vạn quân khỏi nước ta, Bác đã nhờ ông bà chuẩn bị tiền lót tay.

"Để có 200 vạn cho Tiêu Vân, 300 vạn cho Lư Hán và 500 vạn cho Ứng Khâm, tôi đã phải bán phá giá những xấp vải có trong nhà, vì dân kinh doanh đâu để nhiều tiền trong nhà", bà Hồ cười nói.

Người đàn bà tặng hơn 5.000 lượng vàng cho cách mạng ảnh 3

Từ trái sang gồm nhà tư sản Hoà Tường, ông Trịnh Văn Bô, bà Hoàng Thị Minh Hồ, mẹ ông Trịnh Văn Bô, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà điền chủ Nguyễn Hữu Tiệp trước thềm Nhà hát Lớn tại Tuần lễ vàng 1945. (Ảnh tư liệu).

Gần như toàn bộ số tiền mà ông bà thu được từ việc kinh doanh vải đều dùng cho hoạt động cách mạng. Từ tháng 3/1945 đến hết tháng 5/1946, mọi chi tiêu, ăn mặc, tiếp khách của nhà nước đều do bà Hồ đài thọ. Những cán bộ ở tỉnh về không có quần áo tốt mặc, bà đã không ngần ngại lấy vải trong nhà, bảo thợ của gia đình may tặng. Chính vì những đóng góp ấy, sau này người Pháp đã ví bà là Bộ trưởng Tài chính của Việt Minh.

Nạn đói năm 1945, người tha hương khắp nơi đổ về Hà Nội. Ông bà Hồ đã xuất kho cứu đói khắp nơi. Khi Bác Hồ phát động “Tuần lễ vàng”, gia đình bà ủng hộ 117 lạng. Tổng cộng từ khi được giác ngộ, gia đình ông bà đã ủng hộ cách mạng 5.147 lạng vàng. Ngoài ra, bà thường xuyên đến các bạn hàng vận động ủng hộ tiền, vàng giúp đất nước.

Trong đêm kết thúc “Tuần lễ vàng”, bà Hồ không chút băn khoăn bỏ tiền mua đấu giá bức ảnh Bác Hồ với giá 10 vạn đồng. Sau này bà đã tặng lại UBND thành phố Hà Nội. Tổng số tiền trong đêm đấu giá là 1,58 triệu đồng Đông Dương. Đây là số tiền rất lớn trong điều kiện ngân khố nước ta chỉ 1,2 triệu tiền Đông Dương (toàn giấy 1 đồng, 5 hào, 2 hào, 1 hào), nhưng số thì rách, số thì cũ nát không tiêu được. Ngân khố quốc gia gần như trống rỗng.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, hai ông bà đã bỏ nhà lên chiến khu, từ bỏ cuộc sống sang giàu, ăn no mặc đẹp. Bà cho rằng, chỉ có nước nhà độc lập thì mình mới hết nhục. Vì thế những ngày ở rừng rú, ăn cơm vắt với măng rừng, bà vẫn cảm thấy hạnh húc.

Con cái bà sau này không ai nối nghiệp làm kinh doanh, nhưng ai cũng trưởng thành, là những viên chức nhà nước. Nghĩ đến những năm tháng hoạt động cách mạng, bà cười hiền hậu và nói: "Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn dốc toàn bộ tiền bạc cho cách mạng. Tôi không hối hận vì những việc mình làm vì đó là trách nhiệm của một người dân trong thời kỳ đất nước khó khăn".

Theo Hoàng Thùy (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm