Người dân bất lực trước nỗi khổ karaoke

(PLO)- Bạn đọc bày tỏ sự bất lực trước nỗi khổ karaoke, loa kẹo kéo,... đồng thời đề nghị cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay hơn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Pháp Luật TP.HCM có bài viết: “Gần Tết, khổ vì bị karaoke “tra tấn””phản ánh tình trạng hát karaoke, bật nhạc tập thể dục buổi sáng, hát hò ở quán nhậu... tiếp tục diễn ra trên địa bàn TP.HCM, đặc biệt là cận Tết Nguyên đán.

Theo đó, cổng thông tin 1022 cho biết tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tăng cao, cụ thể từ ngày 1-10 đến 27-12-2023, cổng đã tiếp nhận tổng cộng 4.052 phản ánh về lĩnh vực tiếng ồn đô thị. Trong đó, nhiều nhất về phản ánh liên quan đến tiếng ồn kinh doanh.

Thông tin này đã nhận về nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Nỗi khổ không của riêng ai

“Nỗi khổ karaoke là vấn nạn chung của toàn xã hội, đặc biệt là dịp cuối năm càng trầm trọng hơn. Tiệc tùng, sinh nhật, tất niên,... đủ lý do để hát, nhiều khi ca hát cũng là cách để giải tỏa căng thẳng, tuy nhiên phải hát đúng lúc đúng chỗ. Tôi thấy có nhiều vụ ăn uống, nhậu nhẹt xong xảy ra ẩu đả vì dành mic hát hò, rất nguy hiểm. Thiết nghĩ cần có chế tài mạnh và cụ thể hơn mới đủ sức răn đe vấn nạn này” – bạn đọc Thủy Bình.

“Ngày trước, thời còn sinh viên tôi ở phòng trọ, cứ 4,5 giờ chiều là các phòng trọ thi nhau hát, nếu góp ý hoặc báo chủ nhà thì những vị “ca sĩ” này chửi bới, hăm dọa, thậm chí quây loa hướng về phòng tôi để trả đũa. Sau này khi có tiền mua nhà riêng để ở thì xung quanh toàn quán nhậu, mỗi quán một thể loại nhạc, một giọng ca,... hoạt động từ sáng đến đêm. Ôi không biết bao giờ cho hết nỗi khổ karaoke. Không xử lý dứt điểm thì kéo dài mãi thôi” – bạn đọc Khánh Tùng.

“Gần nhà tôi cũng có một hộ dân hát karaoke bất kể ngày đêm, tôi đã gọi báo chính quyền rất nhiều lần tuy nhiên đều nhận được câu trả lời là khó xử lý, “chỉ xử lý tiếng ồn sau 22 giờ”. Đến lực lượng chức năng còn bó tay thì người dân phải sống sao đây? Tôi bất lực đến mức thỏa hiệp với nỗi khổ karaoke, cầu cứu ai nữa, nếu ồn quá thì đóng cửa hoặc đi ra ngoài, tự giải thoát cho bản thân” – bạn đọc Lê Anh.

Không thể chịu thua với nỗi khổ này

“Phải cấm triệt để chuyện hát hò karaoke ở nơi công cộng như cấm hút thuốc. Chỉ cho phép hát ở không gian riêng, kín đáo và cách âm. Cấm luôn các quán xá, trung tâm đặt loa mở nhạc, mời chào inh ỏi, ồn ào ở các tuyến phố lớn, ngã tư. Xin đừng biến văn nghệ thành tội ác, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của người dân. Tôi nghe “hét” karaoke đến mức ghét âm nhạc, ám ảnh kinh hoàng” – bạn đọc Trần Thiện.

“Từ phương diện của một người dân, tôi mong pháp luật thật mạnh tay xử lý như ở các nước phát triển. Âm thanh từ loa kẹo kéo, hát hò,... tác động đến hệ thần kinh, tim mạch và phá vỡ không gian sống của những nạn nhân bất đắc dĩ. Gọi cho chính quyền thì ừ ừ rồi cũng không thấy ai đến xử lý, hoặc khuyên cần hòa đồng với hàng xóm. Rồi người dân kêu ai bây giờ? Cả xã hội không lẽ bất lực trước nỗi khổ karaoke” – bạn đọc Huy Hoàng.

“Trước đây tôi phải bán nhà đi chỗ khác cũng vì nỗi khổ karaoke này, dù đất nhà tôi nằm ở vị trí mặt đường, kinh doanh rất tốt. Tôi mong rằng cơ quan chức năng tìm ra cách giải quyết để người dân yên tâm sinh sống, làm ăn. Tại sao lại để những công dân hiền lành chịu sự tra tấn của kẻ vô ý thức?” – bạn đọc Trương Hiếu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm