Nóng trong tuần

Người dân các huyện muốn gì khi lên quận?

Tuần qua, thông tin năm huyện ngoại thành gồm Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi có thể sẽ lên quận hoặc TP trong tương lai đã khiến người dân các huyện rất quan tâm. Đa phần người dân các huyện đều mong muốn nếu lên quận hoặc TP, chất lượng cuộc sống của họ sẽ được nâng lên.

Khu đất 1.100 m2 của cha mẹ ông Lương Quốc Thành không thể tách thửa cho con vì vướng quy hoạch. Ảnh: VIỆT HOA

Người dân hai bờ kênh Cây Khô, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè từ lâu nay muốn qua sông đều phải lụy đò. Ảnh: VIỆT HOA

Ước mơ về cây cầu nối hai bờ kênh

Con kênh Cây Khô chia đôi xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè thành hai bờ tây và bờ đông. Bờ tây của con kênh khá biệt lập với hệ thống giao thông rất hạn chế, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn. Cả xã có một trường mầm non, một trường tiểu học và một trường trung học thì đều nằm bên phía bờ nam, trên con đường Đào Sư Tích. Vì vậy, người dân bờ tây mỗi ngày hai lần phải đưa con qua đò để đến trường.

Suốt 20 năm nay, bà Nguyễn Thị Mai Vui, ở phía bờ tây mỗi ngày đều phải qua bến đò Bảy Bé để đưa các con đến trường. Bà Vui cho biết mỗi ngày, từ 5 giờ sáng bà đã phải dậy nấu cơm, chuẩn bị cùng các con ra chờ sẵn ở bến đò để đi học, nếu trễ hơn thì sẽ bị kẹt đò. “Con gái đầu của tôi năm nay học lớp 12, suốt 12 năm tôi đều phải đưa con qua bên bờ đông đi học. Hết con gái lớn, nay đến con gái nhỏ tôi cũng đã đưa cháu qua đây học tám năm nay” - bà Vui nói.

Cùng với bến đò Bảy Bé, tại xã Phước Lộc còn có bến đò Phước Lộc để người dân đi lại. Đây cũng chính là phương tiện giao thông duy nhất để người dân hai bên bờ kênh qua lại. Theo bà Vui, việc đi đò không an toàn cho người lưu thông, nhất là học sinh hiếu động, rất dễ xảy ra tai nạn sông nước.

Bà Vui cũng như 14.000 dân của xã Phước Lộc hàng chục năm nay mơ về cây cầu nối liền hai bờ sông để giao thông liền một dải, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Đồng thời chấm dứt cảnh “qua sông lụy đò” như bao lâu nay.

Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, cho biết hiện nay, để tạo điều kiện học tập cho con em người dân phía bờ tây, mới đây huyện Nhà Bè đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng một trường mầm non nơi đây. Cùng với đó, một trường tiểu học cũng đang được xây dựng và sẽ hoàn thành trong thời gian tới để phục vụ cho người dân. Tính tổng cộng trên địa bàn xã có hai trường mầm non, hai trường tiểu học và một trường trung học.

Năm 2015, Sở GTVT đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu bắc qua kênh Cây Khô với chiều dài gần 500 m, rộng 12,5 m với hai làn ô tô, hai làn xe thô sơ và tổng kinh phí khoảng 1.500 tỉ đồng. Chủ đầu tư là Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình của huyện Nhà Bè.

Mục tiêu của cây cầu này sẽ kết nối các tuyến đường trục phía nam TP là đường Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng với các đường Nguyễn Bình nối dài, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương… Đồng thời giảm áp lực giao thông cho trục đường Nguyễn Hữu Thọ.

Chủ tịch xã Phước Lộc cho biết việc xây dựng cây cầu này sẽ góp phần từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông khu vực phía nam theo quy hoạch. Cây cầu này nếu hoàn thiện cũng sẽ tạo động lực phát triển các khu dân cư, khu đô thị xung quanh. Cùng với đó, sẽ xóa các bến đò ngang và phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, hiện cây cầu này vẫn chưa đầu tư xây dựng xong vì đang vướng bồi thường giải phóng mặt bằng.

Trò chuyện với PV trên chuyến đò ngang Bảy Bé về thông tin huyện Nhà Bè đang trong lộ trình lên quận, rất nhiều người dân phấn khởi, mong sẽ được đầu tư nhiều hơn, nhất là giao thông, cầu đường.

Mong sớm rà soát, điều chỉnh quy hoạch

Gia đình ông Lương Quốc Thành ngụ 126/6 Nguyễn Văn Tạo, ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, đã sinh sống từ nhiều đời nay trên mảnh đất hơn 1.100 m2. Gần 20 năm trước, nhà, đất của gia đình ông Thành bị đưa vào quy hoạch khu đô thị Hiệp Phước. Từ đó đến nay, gia đình ông không thể làm gì với mảnh đất cả ngàn mét vuông này ngoài căn nhà cấp bốn đã xây từ hơn 30 năm nay.

Ba mẹ ông Thành sống nơi đây từ khi tóc còn xanh, ba con còn nhỏ. Đến nay các con ông, trong đó ông Thành đều đã lớn và lập gia đình, tổng cộng gồm 11 người cả con và cháu. Tóc ông bà nay cũng đã bạc trắng nhưng nhà, đất của ông vẫn không thể làm gì. Ông Thành đã lập gia đình, ra ở riêng nhưng cũng phải ở trọ trong khi ba mẹ ông có cả ngàn mét vuông đất nhưng không thể tách ra để chia cho con vì vướng quy hoạch.

“Nghe thông tin huyện Nhà Bè nằm trong diện lên quận, tôi rất mong Nhà nước sẽ xem xét rà soát, điều chỉnh quy hoạch để người dân bớt khổ” - ông Thành nói.

Cũng nghe thông tin huyện Bình Chánh nằm trong lộ trình chuyển đổi lên quận hoặc TP trong tương lai, ông Nguyễn Thọ, ấp 3, xã Vĩnh Lộc A rất quan tâm. Gần 15 năm nay, gia đình ông sống trên mảnh đất có diện tích 112 m2 mua bán giấy tay.

Ông Thọ cho biết 15 năm trước, điều kiện kinh tế khó khăn, ông mua được mảnh đất nêu trên với giá hơn 100 triệu đồng là đất nông nghiệp. Đất mua bằng giấy tay, nhà xây dựng không phép do không phù hợp quy hoạch. Lúc ông mới về, khu vực nhà ông chỉ mới có một số căn nhà thưa thớt. Sau hơn chục năm, nơi đây đã trở thành khu dân cư đông đúc, nhà, đất của người dân đang ở đều trong tình trạng không được Nhà nước thừa nhận hợp pháp.

“Hiện nay khu vực tôi ở vẫn đang quy hoạch là đất nông nghiệp dự trữ nhưng dân đã ở khá dày đặc. Tất cả đều xây dựng không phép từ chục năm trước. Nhà tôi ngay đường Kinh Trung Ương, chỉ cách đường Nữ Dân Công chưa tới 1 km, là những trục đường lớn ở xã Vĩnh Lộc A. Người dân cũng không còn sản xuất nông nghiệp nữa. Tôi rất mong chính quyền xem xét điều chỉnh quy hoạch phù hợp để người dân ổn định cuộc sống” - ông Thọ nói. 

 

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều người dân bày tỏ TP.HCM cần có lộ trình cụ thể, các thông tin lên quận hoặc TP phải được thông tin rõ ràng để tránh tình trạng giới đầu tư bất động sản thổi giá nhà, đất “trên trời”. Khi đó, người dân có nhu cầu mua nhà thật sẽ rất khó khăn khi mua nhà.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm