Người dân đến khám COVID-19 tăng đột biến

(PLO)- Tất cả bệnh nhân được xác định mắc COVID-19 rất ít người không tiêm vaccine, đa số đã tiêm 2 đến 3 mũi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những tuần gần đây, mỗi ngày Hà Nội ghi nhận trung bình 140-160 ca bệnh. Tuy nhiên, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca có xu hướng tăng trở lại, đặc biệt là ngày 1-7 ghi nhận 298 ca.

Ths. BSCK II Nguyễn Thu Hường – Trưởng đơn nguyên chống dịch, Trưởng Khoa Bệnh Nghề nghiệp, bệnh viện (BV) Thanh Nhàn (Hà Nội) cho biết: "Hai tuần trở lại đây BV ghi nhận số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 đến khám tại phòng khám COVID-19 tăng, đặc biệt ngày 5-7 tăng đột biến, có tới 20 bệnh nhân khám COVID-19 so với những tuần trước trung bình 1 tuần chỉ 4-5 ca".

Thạc sĩ, Bác sĩ CK II Nguyễn Thu Hường – Trưởng đơn nguyên chống dịch, Trưởng Khoa Bệnh Nghề nghiệp, bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội). Ảnh: NHƯ LOAN

Thạc sĩ, Bác sĩ CK II Nguyễn Thu Hường – Trưởng đơn nguyên chống dịch, Trưởng Khoa Bệnh Nghề nghiệp, bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội). Ảnh: NHƯ LOAN

Theo BS Hường, đến khám tại phòng khám COVID-19 có đủ đối tượng từ trẻ em tới người già… Tất cả bệnh nhân được xác định mắc COVID-19, rất ít người không tiêm vaccine, đa số đã tiêm 2 đến 3 mũi. Các triệu chứng mắc COVID-19 nhẹ hơn nhiều so với trước.

Tuy nhiên các bệnh nhân lại có bệnh lý nền nên nhập viện vì bệnh lý nền kèm theo chứ không phải mắc COVID-19 triệu chứng nặng.

“Với biến chủng mới, đặc biệt là BA.5 đã được ghi nhận xâm nhập vào Việt Nam. Theo hiểu biết của chúng tôi thì biến chủng mới có khả năng lây lan rất mạnh. Tại thời điểm này chúng tôi khuyến cáo theo Bộ Y tế là nên tiêm vaccine mũi 3, mũi 4.

Thực tế, các bệnh nhân mắc COVID-19 đã tiêm mũi 1, mũi 2 và tiêm mũi tăng cường mũi 3, mũi 4 thì dấu hiệu nặng giảm rất nhiều, bệnh nhân cũng không có biến chứng nặng tiến triển và gần như không ghi nhận ca tử vong” – BS Hường cho hay.

TS.BS Trần Văn Giang - Phó Trưởng khoa Vi-rút, Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. cho biết 1 đến 2 tháng trước, mỗi ngày khoa chỉ tiếp nhận 1 đến 2 ca mắc COVID-19 từ nhóm có nguy cơ như người cao tuổi, có bệnh nền chạy thận, suy gan, ung thư. Tuy nhiên, hai tuần trở lại đây, số ca đang có xu hướng tăng lên, mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 7-10 bệnh nhân. Do số ca bệnh nặng tăng gấp đôi, bệnh viện đã phải thêm giường điều trị.

Cạnh đó, số bệnh nhân COVID-19 diễn tiến nặng và nguy kịch do Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận cũng tăng. Nếu thời gian trước khoa chỉ nhận 1-2 bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch thì hiện tiếp nhận 4-5 bệnh nhân, thậm chí 7 bệnh nhân/ngày.

Các bệnh nhân COVID-19 có bệnh lý nền kèm theo nên cần nhập viện điều trị. Ảnh: NHƯ LOAN

Các bệnh nhân COVID-19 có bệnh lý nền kèm theo nên cần nhập viện điều trị. Ảnh: NHƯ LOAN

Nhấn mạnh vai trò của vaccine phòng COVID-19, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cảnh báo nếu người dân chủ quan trong tiêm mũi vaccine nhắc lại và không chú trọng các biện pháp phòng chống, dịch bệnh có nguy cơ rất cao bùng phát trở lại, trong bối cảnh biến chủng BA.5.

Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy hiệu quả của vaccine COVID-19 giảm dần theo thời gian, khoảng 6 tháng sau khi tiêm. Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và CDC Hoa Kỳ đã khuyến cáo tiêm mũi 3, 4 để phòng chống dịch. Nhiều nước đã tiêm mũi 3, 4 cho người lớn và trẻ vị thành niên.

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo thông tin WHO thì biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10-13%. Hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, nghĩa là những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5.

“Chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ các mũi tiêm nhắc để vừa ngăn chặn dịch, vừa tránh được lây lan cho những người có nguy cơ cao như những người trên 50 tuổi trở lên, những người có mức độ suy giảm miễn dịch ở thể vừa và thể nặng” – GS Lân nói.

Ông cũng cho biết thêm, tiêm vaccine COVID-19 là yêu cầu phòng chống dịch nên người dân cần đi tiêm phòng. Trong bối cảnh biến thể mới lây lan nhanh, việc giảm bớt lây nhiễm, giảm nhập viện tử vong thì sẽ giảm đi được gánh nặng cho xã hội và đặc biệt các cán bộ y tế cảm thấy hạnh phúc khi tất cả người dân đi tiêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm