Người dân mong ĐBQH đôn đốc giải quyết khiếu nại

(PLO)- Theo đại biểu, vẫn còn tình trạng một số nơi chưa thực hiện có hiệu quả quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo, kết luận nội dung tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-11, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023. Đây là nội dung mà theo Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương, được tổng hợp trên cơ sở kết quả công tác dân nguyện và công tác giám sát của Ủy ban Thường vụ QH theo định kỳ.

Người dân mong ĐBQH đôn đốc giải quyết khiếu nại
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong báo cáo về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023 tại phiên thảo luận. Ảnh: QH

Còn tình trạng ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân định kỳ

Gợi ý các vấn đề trong phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương nói theo báo cáo thì công tác tiếp công dân đã làm cho tình hình xã hội tốt hơn, địa phương có chuyển biến nhưng bộ, ngành chuyển biến chưa nhiều và cần phải làm rõ việc này. Cạnh đó, khiếu kiện đông người cũng tăng lên.

Đại biểu (ĐB) Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) đề nghị làm rõ vì sao số lượt, số người, số vụ và số đoàn đông người tăng cao ở trụ sở tiếp công dân của các bộ, ngành ở Trung ương. Ông cũng đề nghị Chính phủ rà soát, bổ sung các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo.

Đơn thư tăng mạnh

Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2023, tổng số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính các cấp là hơn 7.000 (tăng 15,5% so với năm 2022). Lý do theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong là người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền cũng đồng thời gửi đến những cơ quan không thuộc thẩm quyền giải quyết. Do đó, số đơn tiếp nhận của các bộ, ngành tăng cao.

Ngoài ra, qua giải quyết tố cáo các cơ quan hành chính nhà nước đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 19,6 tỉ đồng, 0,8 ha đất; trả lại cho các tổ chức, cá nhân 5,2 tỉ đồng. Kiến nghị xử lý 475 người, trong đó có 432 cán bộ, công chức. Chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 37 vụ, 32 đối tượng (trong đó có 16 cán bộ, công chức).

Ông Sang đồng ý việc các vụ khiếu nại, tố cáo đã giải quyết đúng thẩm quyền, trình tự, quy định của pháp luật thì cần ban hành văn bản “không thụ lý hồ sơ”, giải thích, tuyên truyền cho người dân hiểu để họ chấp hành.

“Cần hạn chế việc ban hành văn bản chuyển về địa phương đề nghị xem xét giải quyết. Bởi điều này sẽ dẫn đến tình trạng người dân tiếp tục yêu cầu giải quyết, tạo áp lực đối với địa phương và vụ việc lại tiếp tục kéo dài” - ông Sang nói.

ĐB Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) thì cho rằng những hạn chế, tồn tại trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý đơn thư… là do một số thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt, thiếu sâu sát để có biện pháp hữu hiệu trong việc giải quyết vụ việc đông người, phức tạp kéo dài.

“Vẫn còn tình trạng người đứng đầu ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân định kỳ. Một số nơi chưa tổ chức thực hiện có hiệu quả quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo, kết luận nội dung tố cáo đã có hiệu lực pháp luật” - bà Mẫn nêu.

Đừng để ĐBQH thành “bưu tá”

Một trong những vấn đề được ĐBQH nêu là công tác tiếp dân, xử lý đơn thư của ĐBQH.

ĐB Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) cho hay các ĐBQH ở địa phương mới chỉ dừng lại ở việc chuyển đơn thư và nhận trả lời đơn thư. Vì nhiều lý do, có trường hợp ĐB chuyển đơn đến các cơ quan không có thẩm quyền giải quyết. Các văn bản trả lời ĐBQH thì thường vắn tắt, mang tính chất thông báo chứ không có giải trình rõ ràng quy trình giải quyết nên cũng không có cơ sở đánh giá, nắm bắt toàn diện vụ việc.

p4-pham-thi-kieu.jpg
Đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông). Ảnh: QH

Cùng với đó, tài liệu liên quan đến các vụ việc ĐBQH cũng không được cung cấp nên ĐBQH và đoàn ĐBQH không theo dõi được việc trả lời có đúng trọng tâm, trọng điểm khiếu nại, tố cáo của người dân hay không.

“Khi đó, việc người dân gửi đơn nhiều lần, liên tục là đương nhiên” - bà Kiều nói và cho rằng hiện nay chưa có chế tài đủ mạnh đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị không phúc đáp đơn cho đoàn ĐBQH.

Mặt khác, các ĐBQH ở địa phương đa số là kiêm nhiệm, bộ phận tham mưu, giúp việc mỏng… nên khó có thể thực hiện tiếp công dân, chưa kể còn phụ thuộc vào kế hoạch của địa phương.

“ĐBQH cũng không có chức năng giải quyết trực tiếp vụ việc, muốn tổ chức thì phải phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị có liên quan, mà điều này phụ thuộc vào thời gian bố trí công tác của các cơ quan, đơn vị” - bà Kiều nêu.

ĐB Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) thì cho rằng đa số công dân khi gửi đơn tới các cơ quan của QH, Ủy ban Thường vụ QH, các đoàn ĐBQH… đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết xem xét, trả lời, tuy nhiên họ thấy chưa thỏa đáng.

Theo bà Chung, không phải người dân gửi đơn với mong muốn nhờ ĐB làm công tác “bưu tá” mà là mong muốn QH, các đoàn ĐBQH, các ĐBQH đôn đốc, giám sát, theo dõi việc giải quyết đã đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật hay chưa.

Cách nào nâng cao chất lượng tiếp dân của đại biểu Quốc hội?

ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) đề nghị cần rà soát quy định, cơ chế để ĐBQH, đoàn ĐBQH xử lý đơn thư của người dân. Bà cũng nói đến việc tâm tư của người dân khi họ tin tưởng ĐBQH, đoàn ĐBQH có quyền kiến nghị xem xét lại các vấn đề. Bởi vậy, bà đề nghị có cơ chế bảo đảm cho ĐBQH, đoàn ĐBQH tiếp công dân, xử lý đơn thư tốt hơn.

“Quy định pháp luật cụ thể cũng là điều kiện để công dân chia sẻ, đồng thuận với việc xử lý đơn thư của ĐBQH, đoàn ĐBQH” - bà Hương nói.

ĐB Kiều cho rằng cần nhanh chóng thiết lập quy định về trường hợp người có thẩm quyền tự mình rà soát, sửa đổi quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện có sai sót.

Theo bà, việc này phù hợp với việc nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là trong các vụ việc hành chính hiện nay là nguyên tắc sửa sai, văn hóa xin lỗi, nhận lỗi của người có trách nhiệm.

ĐB Chung thì đề nghị Ủy ban Thường vụ QH tập huấn, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng cho ĐB dân cử và cán bộ, công chức tham mưu, giúp việc của các đoàn ĐBQH về nội dung này trong thời gian tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm