Ngoài việc liên tục nổ súng vào lực lượng truy bắt, gã giang hồ còn lấy bình gas ném ra định bắn cho nổ nhưng không thực hiện được. Chưa kể chúng còn nổ súng gây thương tích cho người dân khi lẩn trốn vào nhà của nạn nhân để cố thủ...
Theo thông tin thì nhóm giang hồ này rất cộm cán ở Bình Dương. Tại sao lại cứ để cho chúng tồn tại như thế mà không có biện pháp kiểm tra, giám sát, ngăn chặn ngay từ đầu chứ để xảy ra rồi mới vây bắt thì cũng rất tốt rồi nhưng thấy nguy hiểm quá. Lỡ mà đạn lạc gây thêm thương vong nữa thì đáng tiếc vô cùng.
Lâu nay tôi cũng dị ứng với từ anh này là “xã hội đen”, anh này là “giang hồ”, có chuyện gì thì gọi “giang hồ, xã hội đen” đến xử. Nghe riết rồi thấy bình thường với suy nghĩ trong xã hội phải có đen, có đỏ. Dẫu rằng chưa thể xóa ngay được nhưng cũng không thể chấp nhận để một thế lực ngoài pháp luật tồn tại ngang nhiên như vậy. Người dân lo lắm. Tôi từng chứng kiến một việc ngay xóm mình, anh nọ thiếu tiền, anh kia đòi không trả. Anh chủ nợ tuyên bố kêu giang hồ đến xử. Y như rằng mấy hôm sau có gần chục anh xăm trổ đầy mình đến nhà con nợ hỏi thăm. Hành xử kiểu đó thì làm sao người dân yên tâm cho được.
Tôi nghĩ các cơ quan chức năng xưa nay có nhiều biện pháp nghiệp vụ tốt để nắm thông tin, quản lý chặt những phần tử xấu. Với tình hình hiện nay, công tác này càng phải được đẩy mạnh hơn, phải “chặt tay, chặt chân”, không để cho những kẻ này có cơ hội gây tội ác hoặc hò hét, ra oai, thể hiện mình là giang hồ cộm cán. Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng này thì phải quy trách nhiệm cho lãnh đạo công an cũng như vị chủ tịch ủy ban nơi đó. Còn điều dĩ nhiên là khi bắt được những tay giang hồ, xã hội đen vi phạm pháp luật thì phải có biện pháp xử lý tương ứng. Người dân rất cần sự an toàn. Cơ quan chức năng cần phải đảm bảo điều này cho họ.
TRẦN VĂN NGỜI, quận 3, TP.HCM