Linh vật mèo cổng chính đường hoa Nguyễn Huệ tết Quý Mão 2023. Ảnh: HOÀNG GIANG

Người dân TP.HCM đón tết Quý Mão 2023 ấm áp, an vui

(PLO)- Trải qua hai năm ảnh hưởng đại dịch COVID-19, người dân cả nước đón tết Quý Mão 2023 trong không khí ấm áp, an vui…

Các hoạt động văn hóa, giải trí diễn ra trong dịp tết Quý Mão 2023 rất sôi động, nhộn nhịp hơn bao giờ hết để phục vụ người dân.

20 năm đường hoa Nguyễn Huệ

Với chủ đề “TP.HCM - Xuân an vui, xuân thịnh vượng”, đường hoa Nguyễn Huệ tết Quý Mão 2023 được chia thành hai chương gồm “Xuân an vui” và “Xuân thịnh vượng”.

Đáng chú ý, tết Quý Mão 2023 đánh dấu 20 năm đường hoa Nguyễn Huệ. Do đó, trên diện tích hơn 240 m2 sau lưng cổng chào đường hoa 2023, người dân sẽ có dịp chiêm ngưỡng lại toàn bộ 20 linh vật từng xuất hiện tại vị trí cổng chào đường hoa trong hai thập niên.

Qua 20 năm đường hoa, tổng cộng có tám linh vật đã đến, đã đi và quay lại gồm: Thân, dậu, tuất, hợi, tý, sửu, dần và mão. Các linh vật tại đại cảnh “Vùng ký ức” được thể hiện ở mức tương đồng đến 80% so với nguyên bản năm xưa. Đường hoa được tổ chức lần đầu tiên vào tết Giáp Thân 2004, đây là năm duy nhất Đường hoa không có hình ảnh linh vật. Đến năm Bính Tuất 2006 mới có linh vật là hình ảnh đàn chó đá.

Đường hoa Nguyễn Huệ tết Quý Mão 2023 đang trong quá trình hoàn thiện. Ảnh: HOÀNG GIANG
Đường hoa Nguyễn Huệ tết Quý Mão 2023 đang trong quá trình hoàn thiện.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Các linh vật mèo tại cổng chính không chỉ mang nét biểu cảm đáng yêu của mèo, mà còn thể hiện những cử động đặc trưng như vươn tay, đẩy bát… 70 hình ảnh linh vật mèo với nhiều sắc thái, biểu cảm khác nhau.

Điểm nhấn của đường hoa năm nay là sự thay đổi tiểu cảnh hoa tại khu vực tượng đài Bác Hồ phía trước tòa nhà UBND TP. Thay cho 36 chậu mai như mọi năm, năm nay 68 cội mai vàng đến từ làng mai Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TP.HCM) sẽ tăng thêm vẻ đẹp rực rỡ cho khu vực tôn nghiêm này.

Trong khi đó, giới trẻ và du khách nhỏ tuổi sẽ thích thú với vũ điệu màu sắc ngay vị trí mở đầu đại cảnh “Thành phố năng động”. Trên chiều dài gần 17 m, khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng vũ điệu đầy màu sắc của cầu vồng, biến hóa đa dạng không trùng lắp từ màu sắc và hình họa.

Hai chú mèo to lớn đậm màu xanh thực vật sẽ chào đón khách tham quan ngay đầu đại cảnh “Đô thị thông minh”. “Thành phố công nghệ” là đại cảnh mang lại hiệu ứng thị giác nhờ hệ trần là các vòng khung sắt tròn sơn màu giả tre xếp thành nhiều lớp, bao phủ diện tích lên đến hơn 230 m2 chiếm trọn bề rộng đường hoa. Đường hoa sẽ mở cửa phục vụ thêm một ngày so với các năm trước, từ 19 giờ ngày 19 đến 21 giờ ngày 26-1 (28 tháng Chạp đến mùng 5 tết).

Xuân an vui, Xuân thịnh vượng

Cùng với Xuân an vui, Xuân thịnh vượng, năm nay Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng tết Quý Mão 2023 chọn chủ đề Xuân phồn vinh, tái hiện sự trù phú của đất trời, giao thoa đa dạng của nền văn hóa cũng như mang lời chúc về một năm mới an lành, sung túc và hạnh phúc gửi đến dân cư khu vực nam TP và người dân TP.HCM.

Khác với những năm trước, Hội hoa xuân tết Quý Mão diễn ra sớm hơn hai ngày, từ ngày 15 đến 25-1 (24 tháng Chạp đến mùng 4 tết) tại khu Hồ Bán Nguyệt, Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM, gồm khu Đường xuân và khu chợ hoa tết.

Người dân chụp ảnh tại Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng. Ảnh: HOÀNG GIANG
Người dân chụp ảnh tại Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Riêng khu Chợ hoa tết mở cửa từ ngày 14 đến 21-1 (tức ngày 23 đến 30 tháng Chạp) với khoảng 145 gian hàng của các nhà vườn ở TP.HCM, Bến Tre, Đồng Tháp…

Khu Đường xuân với ba chủ điểm trang trí Phú - Mỹ - Hưng. Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng dần trở thành địa điểm du xuân quen thuộc của người dân TP và các khu lân cận. Đây cũng là một sự kiện cộng đồng ý nghĩa, mở đầu chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Phú Mỹ Hưng vào năm 2023.

Sân khấu TP.HCM sôi động dịp tết Quý Mão

Sân khấu tại TP.HCM diễn ra từ mùng 1 đến mùng 8 tháng Giêng âm lịch. Cụ thể:

Sân khấu Hoàng Thái Thanh với vở diễn mới Trái tim oan khuất, Bông hồng cài áo, Nửa đời ngơ ngác, Bạch Hải Đường, Mùi của hạnh phúc, Rau răm ở lại. Sân khấu kịch Phú Nhuận: Người vợ ma, Khuya rồi…! Đừng giỡn mặt, Ám ảnh kinh hoàng, Điềm báo

Sân khấu IDÉCAF sẽ dựng lại hai vở Thuốc đắng dã tậtCưới vợ cho ai?. Nhà hát Thanh Niên hai vở Em em chị chị và vở náo kịch Bất ngờ chưa bà già?. Sân khấu Thế Giới Trẻ ba vở mới Nghiệp quật, Ở đây ai tỉnh? Cầu vừa đủ xài.

Sân khấu Trương Hùng Minh hai vở Đụng vôphỏng tay Loạn thế chi vương. Sân khấu nhỏ 5B Đại náoLong Cung, Tía ơi chồng con đâu?...“Ông bầu” Gia Bảo mang đến vở Hoa Mộc Lan, Sân khấu Vũ Luân với vở cải lương hài dân gian Quan Hợi làng Te, Văn võ kỳ duyên (Sân khấu Chí Linh - Vân ), Ngọc Kỳ Lân, Mạnh Lệ Quân (Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long), Bạch Xà đáo địa ngục môn (Sân khấu Lê Nguyễn Trường Giang) và Ngai vàng và tội ác (Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang). Đoàn Minh Tơ sẽ diễn vở cải lương tuồng cổ đề tài lịch sử Tô Hiến Thành xử án.

Đặc biệt, hai vở Kiếp tằm của Sân khấu Sen ViệtĐối diện với lương tâm (Tuyệt tình ca) của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.

Nghệ sĩ Hoài Linh trong vở Đụng vô là phỏng tay. Ảnh: VĂN HÀ

Nghệ sĩ Hoài Linh trong vở Đụng vô là phỏng tay. Ảnh: VĂN HÀ

Đường sách với không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Với chủ đề “TP.HCM - Xuân an vui, xuân thịnh vượng”, Lễ hội đường sách tết Quý Mão 2023 diễn ra trên tuyến đường Lê Lợi (từ Nguyễn Huệ đến bùng binh Quách Thị Trang, quận 1, TP.HCM).

Đường sách dự kiến mở cửa phục vụ khách tham quan trong tám ngày, từ 17 giờ ngày 19 đến 22 giờ ngày 26-1 (28 tháng Chạp đến hết mùng 5 tết).

Đoạn từ Nguyễn Huệ đến Pasteur triển lãm tư liệu, hình ảnh, các xuất bản phẩm về Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với chủ đề “Đảng - Bác Hồ với mùa xuân”. Triển lãm hình ảnh tư liệu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng nhân dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 – 20-8-2023). Triển lãm báo xuân Quý Mão - năm 2023, cùng nhiều hình ảnh, tư liệu gắn với các dấu mốc lịch sử khác, trưng bày nghệ thuật sách với các cuốn sách quý, có giá trị và các cuốn sách có bìa sách đẹp, ý nghĩa…

Phim Việt, truyền hình và hoạt hình sôi động tết

Ba dự án phim tết chính thức được công bố sẽ ra rạp vào mùng 1 tết Quý Mão là Chị chị em em 2 (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng), Nhà bà Nữ (đạo diễn Trấn Thành), Siêu lừa gặp siêu lầy (đạo diễn Võ Thanh Hòa). Mỗi tác phẩm đều có một nội dung riêng để thu hút khán giả đến rạp.

Độ quái của Trấn Thành liệu có giúp Nhà bà nữ vượt qua được Bố già ?

Độ quái của Trấn Thành liệu có giúp Nhà bà nữ vượt qua được Bố già ?

Ngoài ra, dự án điện ảnh Võ sinh đại chiến của đạo diễn Bá Cường sẽ chính thức được phát hành trên nền tảng Netflix vào ngày 23-1 (mùng 2 tết).

Nếu như phim chiếu rạp dịp tết này khá ảm đạm thì phim truyền hình lại sôi động hơn bao giờ hết.

Theo đó, nhiều dự án phim truyền hình sẽ được chiếu trong dịp tết Quý Mão 2023 như Lộc Xuân 2, hẹn với yêu thương, Ăn tết miệt vườn, Về nhà là tết, Bà chủ vắng nhà, Hồn Trương Bốn - cốt hàng thịt; Tết ngọt tết thơm; Trốn tết - tết tìm.

Còn với phim hoạt hình, các dự án đổ bộ phòng vé dịp tết khá đa dạng về thể loại. Theo đó, các phim như Shin cậu bé bút chì: Truyền thuyết nhẫn thuật Ninja, Xác ướp: Cuộc phiêu lưu đến London (Mummies), Pororo: Cuộc phiêu lưu đến dinh thự Rồng, Mèo béo siêu đẳng (The Amazing Maurice), Mèo đi hia: Điều ước cuối cùng.

Các tỉnh, thành khác đón tết ra sao?

Du khách nước ngoài trải nghiệm đi cà kheo

Du khách nước ngoài trải nghiệm đi cà kheo

Hà Nội: Chùa Hương khai hội

Tại phố cổ Hà Nội sẽ diễn ra chương trình với chủ đề Tết Việt - Tết phố 2023. Chương trình kéo dài tới ngày 28-1 (tức mùng 7 tết). Đến với Đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc), khách tham quan sẽ được thưởng lãm không gian tết cũng như giới thiệu con giáp của năm Quý Mão, dựng cây nêu, ông đồ viết thư pháp, giới thiệu các dòng tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ…

Đoàn rước lễ đón Tết Nguyên đán của CLB Đình làng Việt đi qua các tuyến phố cổ. Anh: Thời nay
Đoàn rước lễ đón Tết Nguyên đán của CLB Đình làng Việt đi qua các tuyến phố cổ. Anh: Thời nay

Tại Ngôi nhà di sản (87 Mã Mây), ban tổ chức (BTC) sẽ sắp đặt và giới thiệu không gian sinh hoạt, đón tết của một gia đình Hà Nội xưa.

Từ ngày 1 đến 31-1 (mùng 10 tháng Giêng âm lịch), tại Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam(Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) diễn ra các hoạt động tháng 1 với chủ đề “Hội xuân” nhằm giới thiệu không khí đón xuân đầu năm cùng các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán dịp đầu năm mới.

Điểm nhấn của “Hội xuân” là không gian chợ phiên ngày tết với chương trình “Món ngon vùng miền - chào xuân 2023” và chương trình giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”. Bên cạnh đó là các hoạt động giới thiệu không khí ngày xuân của các dân tộc phía Bắc qua các tiết mục dân ca dân vũ, trò chơi dân gian, sản vật truyền thống, những món ăn ngày xuân.

Đây là dịp để các cộng đồng dân tộc anh em tại “Ngôi nhà chung”, đặc biệt là các dân tộc phía Bắc cùng nhau hân hoan chung vui cất lên những lời ca tiếng hát, trò chơi dân gian đặc sắc cho những ngày mở đầu của một năm mới.

Chương trình “Hội xuân” có sự tham gia của khoảng 100 đồng bào của 15 dân tộc (Nùng, Tày, H,Mông, Dao, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Raglai, Gia Rai, Cơ Tu, Ê Đê, Khmer) nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại đây.

Ngày 27-1 (mùng 6 tết), Lễ hội chùa Hương năm 2023 sẽ chính thức khai hội. Lễ hội diễn ra từ ngày 23-1 đến 23-4, với chủ đề “Lễ hội chùa Hương an toàn - văn minh - thân thiện”.

Lễ hội chùa Hương năm 2023 được tổ chức quy mô cấp huyện gắn với tôn vinh, quảng bá giá trị di tích quốc gia đặc biệt di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn.

Thừa Thiên - Huế sẽ bắn pháo hoa tại 4 điểm chào tết Quý Mão 2023

Thừa Thiên - Huế sẽ bắn pháo hoa tầm cao tại 3 điểm và 1 điểm tầm thấp để chào đón năm mới Quý Mão 2023.

Điểm tổ chức bắn pháo hoa tầm cao sẽ diễn ra tại 3 điểm gồm huyện Phong Điền, huyện Phú Lộc, TP Huế. Số lượng bắn tại TP Huế là 1.000 quả, huyện Phong Điền 500 quả, huyện Phú Lộc 500 quả.

Bên cạnh đó, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp phía trên Cột Cờ trong chương trình văn nghệ chào năm năm mới Quý Mão lúc 22 giờ ngày 21-1 (30-12 âm lịch).

Tham quan các làng nghề nức tiếng ở cố đô cũng là một lựa chọn độc đáo cho du khách khi đến Huế. Trong ảnh: Một du khách chụp ảnh lưu niệm tại làng nghề Thủy Xuân

Tham quan các làng nghề nức tiếng ở cố đô cũng là một lựa chọn độc đáo cho du khách khi đến Huế. Trong ảnh: Một du khách chụp ảnh lưu niệm tại làng nghề Thủy Xuân

Ngoài ra, địa phương còn tổ chức rất nhiều hoạt động chào đón năm mới với chủ để "Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Quý Mão”, cụ thể như: Chương trình văn nghệ chào năm mới tại Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong, Chương trình văn nghệ chào năm mới Quý Mão tại Quảng trường Cột Cờ - Ngọ Môn.

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế sẽ tổ chức mở cửa miễn vé đón nhân dân tham quan di tích từ ngày 22 đến hết ngày 24-1 (mùng 1 đến mùng 3 Tết Nguyên đán); tổ chức các chương trình lễ đổi gác, biểu diễn đại nhạc, tiểu nhạc, ca Huế, các trò chơi cung đình, biểu diễn lân sư rồng, võ thuật...

Các hoạt động trên được duy trì ở các tuyến đường đi bộ và công viên từ Bia Quốc học đến Công viên 3/2. Chương trình do UBND TP Huế chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động chào xuân Quý Mão thực hiện.

TP Đà Nẵng: Nhiều chương trình văn hóa đặc sắc

UBND TP Đà Nẵng tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tại ba địa điểm là trên cầu Nguyễn Văn Trỗi, khu đất thuộc dự án Phương Trang (quận Liên Chiểu) và khu trung tâm hành chính huyện Hòa Vang. Cũng trong đêm giao thừa, Nhà hát Trưng Vương phối hợp Phòng Văn hóa - Thể thao quận Sơn Trà tổ chức chương trình văn nghệ chào xuân Quý Mão 2023 tại Công viên bờ đông cầu Rồng, trên khu đất đường Trần Hưng Đạo - Lý Nam Đế.

Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh TP tổ chức như chương trình nghệ thuật Mừng Đảng đón xuân Quý Mão 2023 “Xuân quê hương” và tổng kết trao giải cuộc thi tài năng nghệ thuật “Xuân và tuổi trẻ” tại Công viên APEC từ ngày 4 đến 29-1. Vũ hội đường phố có hóa trang kết hợp biểu diễn nhạc hơi các tác phẩm âm nhạc Việt Nam và quốc tế trên đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ đường Lý Nam Đế đến Triệu Việt Vương) ngày 28-1.

Ngoài ra, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh TP Đà Nẵng và Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng còn tổ chức nhiều chương trình đặc sắc như: Hô hát bài chòi, biểu diễn hòa tấu, độc tấu các nhạc cụ dân tộc tại vỉa hè đường Trần Hưng Đạo, phía Nam cầu Rồng vào thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần trong tháng 1.

Chương trình Ảo thuật đường phố tại sàn cảnh quan phía nam, bờ tây cầu Rồng (đối diện Bảo tàng điêu khắc Chăm) vào ngày 28-1. Chương trình Âm nhạc đường phố, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày nhạc cụ tại sàn cảnh quan công viên phía bắc, bờ đông cầu Trần Thị Lý ngày 28-1.

Cũng xuyên suốt trong tháng 1, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức chương trình “Trẩy hội đầu xuân” với các trò chơi dân gian, hoạt động trải nghiệm tết cổ truyền.

Khánh Hòa: Hơn 20 hoạt động đón tết Quý Mão

Từ ngày 11 đến 27-1 (20 tháng Chạp đến mùng 6 tết), chương trình biểu diễn nghệ thuật do Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh luân phiên tổ chức phục vụ người dân và du khách tại Quảng trường 2-4, TP Nha Trang. Nơi đây cũng diễn ra chương trình nghệ thuật chào năm mới vào đêm giao thừa và chương trình biểu diễn lân - sư - rồng vào tối mùng 1 tết.

Điểm check-in của các bạn trẻ tại con đường bán đèn lồng, bao lì xì ở TP Nha Trang.

Điểm check-in của các bạn trẻ tại con đường bán đèn lồng, bao lì xì ở TP Nha Trang.

Ngoài ra trưng bày giới thiệu bộ sưu tập độc đáo về các loài ốc ở vùng biển Khánh Hòa, triển lãm ảnh đất nước, con người trong cộng đồng ASEAN, hoạt động trò chơi dân gian tại bảo tàng tỉnh.

Ninh Thuận: Bảo tàng tỉnh triễn lãm chuyên đề với các hiện vật, hình ảnh về quê hương Ninh Thuận, các sản phẩm đặc sắc của gốm Bàu Trúc nhằm giới thiệu nghệ thuật làm gốm của người Chăm vừa được UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Bên cạnh đó, địa phương cũng tổ chức bắn pháo hoa phục vụ người dân tại TP Phan Rang - Tháp Chàm và huyện Ninh Sơn.

Du lịch dịp tết ở miền Tây

Khu du lịch Đất Mũi, nơi đặt cột mốc tọa độ GPS 0001 (cây số 0) và là điểm cuối cùng của đường Hồ Chí Minh. Ảnh: TL

Khu du lịch Đất Mũi, nơi đặt cột mốc tọa độ GPS 0001 (cây số 0) và là điểm cuối cùng của đường Hồ Chí Minh. Ảnh: TL

Cần Thơ: Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, một trong những công trình Phật giáo lớn nhất ở miền Tây, tọa lạc tại huyện Phong Điền. Cạnh đó, du khách có thể tham quan, ăn uống tại các khu du lịch sinh thái đậm chất miệt vườn như: Làng du lịch Mỹ Khánh, Ông Đề...

Kiên Giang: Tham quan, nghỉ dưỡng tại TP đảo Phú Quốc và trải nghiệm các dịch vụ vui chơi hấp dẫn, đặc sắc tại Vin Wonders Phú Quốc. Đến Hòn Sơn, đảo Nam Du để thưởng thức, hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ cùng các món hải sản.

Đồng Tháp: Tham quan làng hoa Sa Đéc, vựa hoa lớn nhất ĐBSCL với hàng trăm loài hoa đua nhau khoe sắc, trong đó có không ít những loài hoa lạ, độc đáo. Cạnh đó, du khách có thể tham quan các kiến trúc cổ của nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, hay đến Vườn quốc gia Tràm Chim, nơi sinh sống của khoảng 130 loài thực vật, hơn 230 loài chim nước cùng hàng trăm loài động vật có xương sống.

Bạc Liêu: Tham quan nhà công tử Bạc Liêu, nơi lưu dấu những giai thoại nức tiếng một thời về cậu Ba Huy, vị công tử ăn chơi bậc nhất miền Nam thời bấy giờ.

Đến tham quan và chụp ảnh check-in tại cánh đồng điện gió ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), chùa Xiêm Cán, vườn nhãn cổ...

Cà Mau: Du lịch đến tỉnh cực Nam của Tổ quốc, du khách có thể tham quan khu du lịch Đất Mũi, nơi đặt cột mốc tọa độ GPS 0001 (cây số 0), nơi đây còn là điểm cuối cùng của đường Hồ Chí Minh. Cạnh đó, thưởng thức món cua Cà Mau nổi tiếng và các món đặc sản khác như vọp, ba khía, cá thòi lòi, cá nâu kho trái giác...

Đọc thêm