Người giúp sức Trương Mỹ Lan 'biến tiền bẩn thành tiền sạch'

(PLO)- Bị can chỉ là người làm công hưởng lương, làm theo chỉ đạo; nay đã ăn năn hối cải, tích cực hợp tác điều tra nên CQĐT đề nghị xem xét khi lượng hình.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố Trương Mỹ Lan (chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 33 bị can về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Trong đó, Trương Mỹ Lan đã bị cáo buộc là chủ mưu, cầm đầu chỉ đạo các bị can, đối tượng liên quan tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) thực hiện hành vi rửa tiền.

Trương Mỹ Lan
Trương Mỹ Lan tại phiên tòa sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1. Ảnh: HOÀNG GIANG

Rửa tiền tham ô và lừa đảo

CQĐT xác định từ ngày 1-1-2018 đến ngày 7-10-2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền của SCB và chiếm đoạt 415.000 tỉ đồng phục vụ cho mục đích cá nhân.

Hành vi này của Trương Mỹ Lan và các đồng phạm đã bị xử lý ở giai đoạn 1 của vụ án. Trong giai đoạn 2, CQĐT làm rõ hành vi rửa tiền, nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp của số tiền chiếm đoạt được đồng thời tránh việc bị phát hiện, truy vết dòng tiền.

Cùng với đó, trong khoảng thời gian từ năm 2018-2019, Trương Mỹ Lan và các đồng phạm đã thực hiện hành vi lừa đảo thông qua việc phát hành 25 gói trái phiếu của 4 công ty: An Đông, Quang Thuận, Setra, Sunny World; qua đó chiếm đoạt hơn 30.000 tỉ đồng của hơn 35.000 bị hại.

Nhằm che giấu nguồn gốc và sử dụng bất hợp pháp số tiền 415.000 tỉ đồng tham ô của SCB và 30.000 tỉ đồng chiếm đoạt của các bị hại mua trái phiếu, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi rửa tiền.

Theo đó, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các bị can Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung (thuộc SCB) phối hợp Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh (thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) để thực hiện 2 thủ đoạn: rút tiền mặt trực tiếp hoặc chuyển khoản vào các tài khoản của công ty “ma”, cá nhân được chỉ định.

Đối với việc chuyển khoản, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo các đối tượng liên quan tại SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chuyển tiền vào tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhân (F1 nhận tiền theo các phương án vay vốn khống).

Sau đó, tiền tiếp tục được chuyển đi để thực hiện chi trả cho các khoản vay tại SCB hoặc ngân hàng khác, trả gốc lãi trái phiếu, chi thực hiện dự án, rút tiền mặt chuyển cho các cá nhân...

Lái xe riêng vận chuyển hơn 100.000 tỉ đồng

Đối với việc rút tiền mặt, khi có nhu cầu sử dụng tiền, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Bùi Văn Dũng (lái xe) đến SCB chi nhánh Sài Gòn. Còn nhóm nhân sự tại SCB và Vạn Thịnh Phát sẽ phối hợp với nhau sử dụng các công ty ma lập các chứng từ, thực hiện thủ tục rút tiền.

Sau đó, Trần Thị Thúy Ái, kiểm soát viên ngân quỹ chi nhánh, xuất tiền mặt khỏi quỹ giao cho Bùi Văn Dũng ở hầm B1 của trụ sở SCB chi nhánh Sài Gòn. Dũng vận chuyển tiền về Tòa nhà Sherwood tại số 127 Pasteur, quận 3 (TP.HCM) và giao tiền theo chỉ đạo của bà Lan hoặc vận chuyển về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Ông Bùi Văn Dũng khai là lái xe riêng cho bà Trương Mỹ Lan từ năm 2012. Từ khoảng cuối năm 2018 đến khoảng tháng 8-2022, bà Lan chỉ đạo ông đến chi nhánh Sài Gòn để tham gia rút tiền và giao lại cho người khác.

Mỗi lần nhận tiền, giao tiền, ông Dũng đều ghi chép cụ thể lại trong cuốn sổ tay cá nhân. Tổng số tiền bị can đã vận chuyển là 108.878 tỉ đồng và 14.000 USD.

Ông Dũng nhận thức được SCB là ngân hàng do bà Trương Mỹ Lan sở hữu, toàn bộ số tiền nhận về đều là tiền của ngân hàng huy động. Ông Dũng khai mỗi lần chuyển tiền về cho bà Lan, ông được chi bồi dưỡng từ 1-5 triệu đồng.

CQĐT xác định lái xe Bùi Văn Dũng có vai trò đồng phạm giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan rửa tiền, tổng số tiền 6.152 tỉ đồng trong đó có 1.100 tỉ đồng có nguồn gốc từ trái phiếu, số còn lại có nguồn gốc từ tiền tham ô của SCB.

Xét thấy, bị can chỉ là người làm công hưởng lương, làm theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan, đã ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với CQĐT. Ông Dũng cũng có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, đã khắc phục một phần hậu quả nên CQĐT đề nghị xem xét khi lượng hình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm