Người lao động là F0 được hỗ trợ những gì?

Thời gian qua, Pháp Luật TP.HCM nhận được một số thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) là F0 từ quỹ công đoàn.

Nhiều bạn đọc đặt vấn đề tại sao cùng làm việc tại TP.HCM nhưng NLĐ là F0 tại công ty này nhận được hỗ trợ, còn công ty khác thì không. Ngoài ra, mức hỗ trợ mà NLĐ là F0 nhận được cũng khác nhau?

Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM, đã có giải đáp xoay quanh những thắc mắc trên của NLĐ.

Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM

Điều kiện để NLĐ là F0 được nhận hỗ trợ 

. Phóng viên: Thưa ông, tính đến thời điểm hiện tại thì số NLĐ mắc COVID-19 trong đợt dịch thứ tư tại các doanh nghiệp ở TP.HCM là bao nhiêu?

+ Ông Phạm Chí Tâm: Theo thống kê từ các công đoàn cấp cơ sở và công đoàn cơ sở trực thuộc, LĐLĐ trực thuộc LĐLĐ TP, đến thời điểm này đã có hơn 43.000 ca F0 là công đoàn viên, NLĐ trong các đơn vị, doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn và những đơn vị, doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn nhưng có đóng kinh phí công đoàn.

. Theo chính sách chung của LĐLĐ, NLĐ là F0 sẽ được hỗ trợ như thế nào?

+ Theo Quyết định 2606 và Quyết định 3022/2021 sửa đổi của Tổng LĐLĐ Việt Nam, những công đoàn viên, NLĐ là F0 sẽ được hỗ trợ bằng tiền mặt tối đa là 3 triệu đồng/người. Tuy nhiên, có những nơi do số lượng NLĐ là F0 đông và kinh phí còn khó khăn thì công đoàn có thể điều chỉnh mức hỗ trợ thấp hơn. Việc điều chỉnh này do ban thường vụ công đoàn quyết định.

Ví dụ trước đây, ở Công đoàn Khu chế xuất Tân Thuận, Công đoàn các khu chế xuất, khu công nghiệp TP, lúc đầu hỗ trợ 3 triệu đồng/người nhưng sau đó giảm xuống tùy theo khả năng và nguồn kinh phí công đoàn nơi đó.

. NLĐ là F0 muốn nhận được hỗ trợ thì phải đáp ứng điều kiện gì và thủ tục ra sao?

+ Theo quy định, đối tượng được nhận hỗ trợ là công đoàn viên đang làm việc tại cơ quan, đơn vị có tổ chức công đoàn. Hoặc NLĐ đang làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn nhưng có đóng kinh phí công đoàn. Ngoài ra, NLĐ là F0 được hỗ trợ phải không vi phạm các quy định về phòng chống dịch COVID-19.

Về thủ tục, NLĐ là F0 phải có một trong những loại giấy tờ sau của cơ quan có thẩm quyền: Giấy xét nghiệm PCR có kết quả dương tính; giấy xác nhận đã hoàn thành thời gian cách ly, điều trị tại nhà hoặc giấy ra viện sau khi điều trị.

Người lao động làm việc tại một công ty thủy hải sản ở TP.HCM.
Ảnh: HOÀNG GIANG

NLĐ phải được hỗ trợ kịp thời

. Nghị quyết 68 và Nghị quyết 126 sửa đổi của Chính phủ có quy định về chính sách hỗ trợ NLĐ là F0, F1 phải ngừng việc để thực hiện cách ly y tế. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện thủ tục để NLĐ nhận hỗ trợ. Ông có ý kiến như thế nào về những trường hợp này?

+ Theo quy định, người sử dụng lao động phải thực hiện thủ tục để đề xuất đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét chi hỗ trợ đến NLĐ.

Tuy nhiên, thực tế còn có một số doanh nghiệp đến thời điểm này vẫn chưa làm. Theo tôi, với vai trò là bảo vệ quyền lợi NLĐ thì công đoàn phải có ý kiến đến các cơ quan có thẩm quyền, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục để NLĐ được hưởng chính sách hỗ trợ.

Ngoài ra, từ đầu tháng 10, TP đã nới lỏng giãn cách, các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động, sản xuất bình thường trở lại. Đây cũng là điều kiện để công đoàn gặp gỡ người sử dụng lao động để tác động, đề xuất hoàn thành thủ tục đề nghị hỗ trợ cho NLĐ.

. Ông có nhận định như thế nào về chính sách hỗ trợ cho F0 trong đợt dịch lần thứ tư này?

+ Những chính sách hỗ trợ công đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng dịch COVID-19 từ Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ TP trong thời gian qua là rất kịp thời và mang tính nhân văn.

Tuy không nhiều nhưng phần nào cũng giúp NLĐ vượt qua khó khăn trước mắt. Việc hỗ trợ này cũng phần nào động viên NLĐ cố gắng vươn lên, phục hồi sức khỏe, tiếp tục cống hiến sức lao động của mình để góp phần phục hồi kinh tế phát triển của TP.

. Xin cám ơn ông.

Chính sách mới hỗ trợ người lao động là F0

Mới đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam có Quyết định số 3749 về việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15-12.

Theo đó, công đoàn viên, NLĐ là ca bệnh F0, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19 được hỗ trợ:

Hỗ trợ tối đa là 3.000.000 đồng/người nếu có triệu chứng bệnh nặng, phải điều trị từ 21 ngày trở lên tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị COVID-19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.

Hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/người nếu phải điều trị ngoại trú từ 21 ngày trở lên hoặc điều trị nội trú dưới 21 ngày tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị COVID-19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.

Trước đây, theo Quyết định 2606 và Quyết định 3022/2021 sửa đổi của Tổng LĐLĐ Việt Nam, công đoàn viên, NLĐ ở khu vực có quan hệ lao động (bao gồm cả doanh nghiệp, đơn vị chưa có tổ chức công đoàn) là F0 không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng chống dịch được hỗ trợ mức tối đa là 3 triệu đồng/người. Bên cạnh đó, Quyết định 3022 của Tổng LĐLĐ Việt Nam còn quy định hỗ trợ công đoàn viên, NLĐ là F1 trong một số trường hợp cụ thể (mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người). Hiện nay thì việc chi hỗ trợ được thực hiện theo Quyết định số 3749 nêu trên. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm