Người nhập cư khó tiếp cận chính sách của người nghèo

Ý kiến này đã thu hút nhiều tham luận từ các đại biểu tham dự Hội thảo “Vấn đề nghèo khu vực đô thị, lấy ý kiến dự thảo đề cương báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012”, do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức, ngày 7-3.

Các đại biểu có chung nhận định thực trạng nghèo đang diễn ra cả thành thị và nông thôn. Đa phần người nghèo, hộ nghèo nói chung do không có nghề nghiệp ổn định, không có tư liệu sản xuất, thường xuyên bị đau ốm, dính vào tệ nạn. Nhiều tỉnh, thành kinh tế phát triển như TP.HCM (dưới 16 triệu đồng/người/năm), Hà Nội đã nhiều lần nâng chuẩn nghèo cao hơn chuẩn chung cả nước nhưng mỗi lần nâng chuẩn thì nguy cơ tái nghèo lại tăng, vì rơi vào diện nghèo theo chuẩn cao hơn. Từ đó các đại biểu cho rằng đánh giá chuẩn nghèo theo một chiều (thu nhập) như lâu nay thực hiện chưa khái quát hết các chuẩn nghèo khác như chỗ ở, việc làm, khám chữa bệnh, an sinh xã hội, hoạt động xã hội. Theo đó cần đánh giá chuẩn nghèo đa chiều để nhận diện rõ hơn mức nghèo của từng hộ, từ đó có chính sách hỗ trợ phù hợp hơn.

Ông Ngô Trường Thi, Chánh Văn phòng Quốc gia giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH), nhìn nhận: “Người nghèo đô thị vẫn còn là “điểm mờ” trong chính sách giảm nghèo chung của cả nước. Một bộ phận lớn lao động di cư tự do chưa được thụ hưởng những chính sách giảm nghèo từ Nhà nước như chăm sóc sức khỏe, học tập, nhà ở, việc làm... Đây cũng là áp lực đối với các đô thị có đông lao động nhập cư. Nguyên nhân chủ yếu là do vướng hộ khẩu (không có hộ khẩu tại các đô thị)”.

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đánh giá: Thời gian qua đã có nhiều chính sách dành cho người nghèo, tuy nhiên các chính sách này vẫn chưa phát huy hiệu quả, giúp người nghèo thoát nghèo bền vững. Công tác đào tạo, dạy nghề cho các hộ nghèo chưa phù hợp, cá biệt một số xã vùng núi dạy nghề… nuôi trồng thủy sản (!). Vốn vay dành cho người nghèo quá thấp (cao nhất 30 triệu đồng) chưa kích thích người nghèo phát triển, sản xuất. Việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất còn nhiều vướng mắc, chậm giải quyết.

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm