Người nước ngoài đổ xô đến TP.HCM làm răng

Sở Du lịch TP.HCM khẳng định một trong những mũi nhọn du lịch của TP là sẽ phát triển du lịch gắn với nha khoa, chăm sóc sắc đẹp. Bởi ưu thế của TP.HCM là có đội ngũ bác sĩ nha khoa giỏi tay nghề, giá thành của các dịch vụ về nha khoa cạnh tranh so với các nước nên hoàn toàn có thể chọn phát triển nha khoa thẩm mỹ.

Tuy nhiên, để phát triển du lịch nha khoa như một điểm đến hấp dẫn của du khách, TP.HCM còn nhiều việc phải làm.

Khách nước ngoài thích làm răng vì giá rẻ

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, nhìn nhận bên cạnh một số sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách như du lịch đường thủy nội đô, du lịch sinh thái, nông nghiệp… thì du lịch y tế là một trong những điển hình của sản phẩm du lịch mới đầy tiềm năng của Việt Nam (VN) nói chung và TP.HCM nói riêng.

“Mỗi năm có gần 100.000 bệnh nhân nước ngoài đến VN khám chữa răng, tổng doanh thu ước đạt khoảng 3.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, tỉ lệ này vẫn còn nhỏ so với 13 triệu lượt khách quốc tế đến mỗi năm với doanh thu hơn 500.000 tỉ đồng” - đại diện Sở Du lịch TP.HCM dẫn chứng.

Trên thực tế, để khai thác tiềm năng phân khúc du lịch này, nhiều dịch vụ nha khoa đã được giới thiệu. Ví dụ, một số công ty lữ hành tung ra tour du lịch nha khoa như “Nụ cười xinh tươi” một ngày gồm chương trình tham quan TP.HCM rồi ghé kiểm tra tổng quát và vệ sinh răng; tour “Nụ cười lấp lánh” với thời gian ba ngày hai đêm kèm chương trình đi Cần Thơ.

Bà Soline Linh, Giám đốc dự án Công ty Vietnam Dental Tourism với 30 đơn vị nha khoa thành viên, nhìn nhận lợi thế của VN là giá điều trị phải chăng đến mức có thể tiết kiệm cho khách du lịch quốc tế ít nhất một nửa chi phí hoặc 2/3 toàn bộ hóa đơn so với tại đất nước của họ. Ví dụ tại VN, dịch vụ “thiết kế nụ cười” với toàn bộ 18-20 răng bọc sứ có giá chỉ 9.000 USD, trong khi Canada, Mỹ… có giá lên tới 45.000 USD.

“Với số tiền chênh lệch này, khách có thể tiết kiệm được nhiều chi phí. Nói cách khác, khách đến VN để làm dịch vụ nha khoa có thể coi là một kỳ nghỉ miễn phí khi họ chỉ phải trả ít nhất một nửa số tiền so với mức phải trả tại nước họ” - bà Linh chia sẻ.

Nhiều khách nước ngoài, Việt kiều tự tìm đến phòng nha để thực hiện việc khám chữa răng do chi phí ở Việt Nam rẻ hơn nhiều quốc gia khác trên thế giới. Ảnh: TÚ UYÊN

Visa là rào cản lớn nhất

Nhiều ý kiến thừa nhận dù có nhiều khách hàng nước ngoài đến khám chữa bệnh, làm răng… nhưng lĩnh vực du lịch y tế VN vẫn chưa được khai thác đúng tiềm năng. Đó là chưa kể nhiều du khách cho biết việc lên kế hoạch du lịch chữa bệnh tại VN mất khá nhiều thời gian vì thông tin ít, các tour y tế và chăm sóc sức khỏe còn khiêm tốn.

Bà Trương Thị Thu Giang, Phó Giám đốc Ban tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel, đánh giá dù loại hình du lịch kết hợp làm răng tại TP.HCM manh nha từ cách nay ba năm nhưng đến nay thương hiệu du lịch nha khoa của TP vẫn chưa nổi bật, sản phẩm du lịch nha khoa vẫn chưa thu hút khách. Chẳng hạn, sản phẩm du lịch “Nụ cười xinh tươi” được phát động năm 2017, đến nay vẫn chưa có những tiến triển tốt.

Theo bà Giang, nhược điểm này có thể xuất phát từ sự phân mảnh, thiếu tính gắn kết giữa hai ngành là y khoa và du lịch. Do đó, phần lớn các công ty du lịch vẫn chưa xem đây là thị trường ngách để khai thác.

Cũng theo bà Giang, trong khu vực Đông Nam Á, có hai TP là Bangkok (Thái Lan) và Kuala Lumpur (Malaysia) đang chiếm lợi thế lớn ở mảng du lịch nha khoa. Nguyên nhân là do họ được nhà nước hỗ trợ tốt để tạo nhiều điểm nhấn như chất lượng làm răng đạt chuẩn năm sao; có chiến lược quảng bá, truyền thông rõ ràng và rộng khắp nhằm vào từng dòng khách; áp dụng nhiều chính sách giảm giá làm răng cho khách du lịch.

“Để làm được như họ, VN cần phải đánh giá lại về loại hình du lịch này để mở ra phân khúc thị trường thích hợp, từ đó định hướng cách thức truyền thông hiệu quả. Đồng thời cần có sự chung sức giữa cơ quan quản lý điểm đến với công ty du lịch khi xây dựng sản phẩm trọn gói, giúp khách hàng không mất nhiều thời gian trong việc tìm kiếm thông tin về các bệnh viện, các chuyên gia y tế” - đại diện Công ty Du lịch Vietravel gợi ý.

Đại diện một số đơn vị nha khoa cũng cho hay hiện nay chi phí visa của du khách khi vào VN còn cao (như khách Úc khoảng 200 AUD), trong khi các nước miễn phí visa. Điều này phần nào làm giảm tính cạnh tranh của thị trường VN.

“Ở phương diện kinh doanh của các công ty du lịch, visa có thể là rào cản đối với khách quốc tế đến VN chữa bệnh, làm đẹp. Vì ngay ở Thái Lan, chính sách visa của họ khá thông thoáng. Cụ thể, khách Úc đến Thái Lan được miễn visa nếu lưu trú không quá 30 ngày” - vị đại diện một công ty du lịch nói.

Trong khi đó, Sở Du lịch TP.HCM cho biết sẽ cùng với các đơn vị lữ hành lập chương trình tour, tuyến du lịch kết hợp y tế, chăm sóc sức khỏe theo từng đối tượng, từng nhu cầu; kết hợp với Sở Y tế TP.HCM trong việc xây dựng và tạo ra các tour du lịch chữa bệnh…

Việt Nam có thể cạnh tranh với Thái Lan, Singapore

Theo báo cáo của hãng kiểm toán Deloitte, ngành du lịch y tế trên toàn cầu hiện có giá trị không dưới 60 tỉ USD. Hằng năm có khoảng 14 triệu lượt bệnh nhân di chuyển liên quốc gia để tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Lượng khách nước ngoài đến VN chữa bệnh kết hợp du lịch tăng dần qua các năm với doanh thu khoảng 2 tỉ USD/năm. Riêng năm 2018 có khoảng 300.000 người nước ngoài đến khám nội trú và 57.000 người được điều trị nội trú tại VN, trong đó TP.HCM chiếm khoảng 40%. Những con số trên cho thấy tiềm năng rất lớn cho việc phát triển loại hình du lịch y tế trong tương lai.

Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Phòng tiếp thị và truyền thông, Công ty Lữ hành Fiditour, nhìn nhận: Với ưu thế về chất lượng dịch vụ, giá cả, du lịch y tế nói chung và nha khoa nói riêng tại VN càng khả quan hơn. Tuy nhiên, vấn đề là cần phối hợp quảng bá, miễn giảm visa cho khách du lịch y tế, tiêu chuẩn hóa dịch vụ y tế theo tiêu chuẩn quốc tế... Khi làm được điều này, VN mới có thể cạnh tranh với các quốc gia châu Á đang rất nổi tiếng về dòng sản phẩm du lịch này như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới