Ngày 25-10, thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trình bày tờ trình về dự Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 đã thi hành được 12 năm và đến nay có nhiều bất cập bộc lộ.
Cụ thể như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng chưa được quy định hoặc có quy định nhưng theo hướng riêng rẽ, chưa có sự kết nối thống nhất. Các yêu cầu, việc phân loại tính chất, mức độ khuyết tật của hàng hóa và việc kiểm soát chưa được quy định phù hợp đã tạo khó khăn cho quá trình thực thi của cả cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Các quy định liên quan đến hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung chưa thực sự chặt chẽ, đầy đủ, rõ ràng... Đặc biệt là trong bối cảnh thời đại 4.0, khi sự phát triển không ngừng của Internet càng làm gia tăng vai trò của hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Cùng với đó, một số quy định còn thiếu tính linh hoạt, không cho phép tính toán đến hoàn cảnh, lĩnh vực kinh doanh đặc thù của từng loại thị trường.
Toàn cảnh kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV ngày 25-10. Ảnh: QH |
Cũng theo Bộ trưởng Diên, hiện các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa được quy định phù hợp và đầy đủ khiến nhiều khiếu nại không được giải quyết. Cạnh đó, một số quy định hiện chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh - tiêu dùng có tính “truyền thống” mà chưa tính đến mô hình kinh doanh trong điều kiện chuyển đổi số.
Từ đó theo Bộ trưởng Diên, dự thảo luật đã hoàn thiện quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch trên không gian mạng.
Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Lê Quang Huy lưu ý: Dự luật (sửa đổi) cần phải quy định rõ trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng thì phải được sự đồng ý của người tiêu dùng.
Cũng theo báo cáo thẩm tra, thực tế cả trong và ngoài nước đều thấy mặc dù có cam kết bằng văn bản nhưng vẫn khó bảo đảm bên thứ ba tuân thủ việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng. Do đó, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định “chia sẻ thông tin cho bên thứ ba là nội dung phải thông báo cho người tiêu dùng và được người tiêu dùng đồng ý”.
Cũng có ý kiến thẩm tra đề nghị phải bổ sung cơ chế, hình thức thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan cho người tiêu dùng, bên cạnh việc thông báo cho cơ quan chức năng sau khi phát hiện sự cố hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng. Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung xử lý trách nhiệm hoặc trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi “thông tin của người tiêu dùng bị lộ”, mua, bán thông tin của người tiêu dùng.
Cần bảo vệ người tiêu dùng khuyết tật, già yếu
ĐB Lê Quang Huy cho rằng dự thảo luật cần tiếp tục rà soát, đối chiếu với các dự thảo luật đang được sửa đổi, bổ sung như Luật Giá, Luật Giao dịch điện tử nhằm tránh chồng chéo, mâu thuẫn.
Liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng người nghèo vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương.
Mặt khác, cần xem xét lại đối tượng “người cao tuổi” cho phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời nghiên cứu, quy định cụ thể hơn chính sách bảo vệ phù hợp với từng nhóm đối tượng và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh có liên quan.