Người vẽ tranh giả danh siêu đẳng

Guy Ribes biết vẽ giả tất cả, từ Picasso, Renoir đến Van Gogh, Utrillo, Bonnard, Vlaminck, Dali... Trong ngần ấy năm, trong bóng tối, ông ấy đã sáng tác ngần ấy các tác phẩm hội họa một cách bất hợp pháp. Nhưng tay nghề thì không thể chê vào đâu được. Cuối cùng ông cũng bị bắt: Ba năm tù, trong đó hai năm được hưởng án treo.

Một tuổi thơ lang bạt

Guy Ribes sống trong một khu ngoại ô hẻo lánh phía đông thủ đô Paris, nước Pháp. Sinh năm 1948, nay sắp bước sang tuổi thất tuần. Một vóc dáng phốp pháp, vui vẻ, thân thiện. Một người nấu ăn ngon, khoái uống rượu vang Bourgogne và tự lo cho bữa ăn của mình. Một người mà bạn không thể nào quên với chiếc nón phớt trên đầu và chiếc tẩu luôn cầm trên tay. Nơi ở của ông khá gọn ghẽ tuy nhỏ hẹp: Một phòng vừa là bếp vừa là nơi tiếp khách, một phòng để vẽ và một phòng để ngủ. Trên tường, trong ngăn kéo, là cả một gia sản, các bức tranh của Chagall, Picasso, Basquiat,… do chính Guy Ribes vẽ! Guy Ribes chỉ chợp mắt có vài tiếng mỗi đêm, cô quạnh một mình. “Tôi đã sống và làm việc tại đây khoảng chục năm nay, cái xưởng vẽ này là một chốn nương thân, một chiếc hang ấm cúng, một chốn bình yên, nơi mà tôi hoàn toàn được ẩn cư, không một ai trông thấy”.

Guy Ribes đã tìm hiểu một cách thấu đáo về cuộc đời và phong cách sáng tác của nhiều danh họa nổi tiếng. Ông rất hiểu họ, bởi: “Tôi rất yêu mến họ. Không thể nào vẽ ra được một bức tranh giả hoàn hảo như vậy nếu không có được một sự hiểu biết hoàn chỉnh và sâu lắng nhất về những nghệ nhân mà mình muốn bắt chước”. Thế nhưng bằng cách nào mà Guy Ribes làm được như vậy trong khi bản thân ông chưa học xong tú tài và xuất thân từ một gia đình mà cha là một người có tính tình hung hăng bạo lực và phạm tội sát nhân?

Guy Ribes đã lớn lên giữa bọn trẻ du thủ du thực của vùng Lyon. Và cũng đã sống với các vị linh mục: “Chính cha Berger là người đầu tiên đã đưa tôi cầm một cây bút chì, lúc đó tôi khoảng bảy tuổi”. Rồi thằng bé Guy đã tự mình vẽ nên những hình tròn, hình vuông để “khuây khỏa” bàn tay, để rồi vài chục năm sau đó, chính bàn tay đó đã có thể phóng cọ để cho ra bất cứ trường phái nào, từ lập thể, siêu thực cho đến ấn tượng hay dã thú… Chưa kể đến việc giả mạo một cách xuất sắc những chữ ký ngoằn ngoèo phức tạp của các danh họa nổi tiếng thế giới. Đến tuổi thiếu niên, mẹ của Guy đã “đẩy” cậu con trai của mình vào làm trong một xưởng vẽ lụa. Guy đã học được tại đây tính tỉ mỉ, chính xác và kỷ luật trong công việc. Guy đã dần dần biết pha màu, biết cảm nhận được các tác phẩm hội họa lớn: “Tôi đã vẽ được những chiếc khăn choàng Hermès”. Và nếu như nghề tơ lụa của Lyon nổi tiếng thế giới thì Guy Ribes cũng đã góp được một phần nhỏ của mình vào đó.

Guy Ribes trong “xưởng vẽ” của mình.

Kiên nhẫn học “nghề” làm hàng giả

Những kẻ vô lại đúng nghĩa đã khai thác triệt để tài năng và lòng kiêu hãnh của Guy Ribes để kiếm tiền và kiếm được rất nhiều tiền. “Tất cả người mà tôi đã gặp đều đã lợi dụng tôi, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn tài chính của tôi. Tôi không thể tự do sáng tạo cho riêng mình. Một tay đến nhà tôi và nói: “Làm cho tôi một Fernand Léger và một Picasso”. Có một buổi sáng nọ, một người đến nhà tôi đặt một bức Renoir “để chiều lấy”. Chiều đến, hắn vội vã đến lấy bức tranh đó khi nó vẫn còn chưa ráo mực”. Đôi khi Guy phải “làm hàng” theo kiểu mì ăn liền như thế.

“Để vẽ được một bức tranh giả thành công, phải không được sai sót bất kỳ một lỗi kỹ thuật nào, dù nhỏ nhất. Mà về hội họa thì tôi nắm vững lắm”. Guy Ribes không hề hài lòng chuyện sao chép nguyên bản một bức họa để cho ra một tác phẩm giả mạo “không hồn”. Ông thêm vào đó cảm xúc và tâm hồn của mình, vì thế Guy Ribes vẽ tranh giả như ông vẽ thật. Chắt chiu đến nỗi Guy Ribes đã chịu khó lặn lội tìm mua cho được những cọ vẽ, loại mực của thời đó và kỹ lưỡng tiêu hủy tất cả chúng sau khi sử dụng nhằm xóa đi mọi dấu vết.

Sau khoảng một năm chỉ vẽ “theo catalogue”, Guy Ribes bắt đầu chuyển qua hình thức “phục dựng tranh” hơn là “sao chép tranh”. Ông ấy vẽ “theo cách” mà các danh họa đã vẽ: “Tôi vẽ, rồi xé, rồi vẽ lại, rồi xé, rồi vẽ lại, không biết bao nhiêu lần, tôi chính là danh họa đó. Tôi biết được khi nào thì hoàn tất được một bức tranh nhờ vào cảm nhận từ cảm xúc thật của mình”. Vì thế, rất khó phát hiện được một bức tranh giả danh của Guy Ribes.

Vào năm 2005, Guy Ribes đã bị lộ nhưng ông khôn khéo hợp tác với cảnh sát để được giảm án. Phiên tòa xử Guy Ribes và đồng bọn vào năm 2011 giống như một buổi khai trương phòng tranh thật hoành tráng! Bởi “trong giờ giải lao, các luật sư đi loanh quanh ngắm nghía các bức tranh tang vật và rù rì to nhỏ với nhau: “Tôi thích bức tranh này”, “Tôi thích bức này hơn”, “Còn tôi thì bức này”, “Chỉ còn thiếu rượu champagne nữa mà thôi!”.

Giữ luật chơi của giới giang hồ

Guy Ribes đã từng rất giàu, ăn sung mặc sướng. Và ông cũng đã biết giữ nguyên tắc tuyệt đối của giang hồ: “Tôi thừa sức cung cấp cho cảnh sát tên tuổi của những giám định viên bất lương, những thương gia và những người bán đấu giá… Nhưng tôi không thể làm thế được. Tôi vẫn có thể chỉ cần ra tay một phát là họ chết ngay. Nhưng không, tôi không làm thế. Một số người trong số đó đã cho tôi có được đồng tiền, thậm chí rất nhiều tiền”. Khi được hỏi vì sao một bức Matisse người ta đặt ông vẽ với giá 10.000 euro mà đem ra bán lại lên đến 30 hay 40 triệu euro, hay một Chagall người ta trả ông 50.000 euro thì được thương lượng với giá 1 hay 1,2 triệu euro, ông Guy Ribes chỉ cười trừ: “Đó là luật chơi”.

Năm 2012, nhà làm phim Gilles Bourdos tìm kiếm một họa sĩ cho bộ phim nói về danh họa Renoir, trong phim này diễn viên Michel Bouquet vào vai chính. Đạo diễn đã tổ chức thi tuyển hàng chục nhân vật nhưng không thành, cuối cùng ông nghĩ đến Guy Ribes. “Tôi đã thực hiện được 280 bức vẽ của Renoir cho bộ phim đó. Tôi đã vẽ đi vẽ lại bức Les baigneuses (Những cô gái tắm) hơn 30 lần. Nhà sản xuất sau đó đã quyết định bán tất cả chúng để triển lãm tại New York.

Guy Ribes giờ đây đã đổi đời: Ông vẽ cho chính mình. Và ký tên của chính mình. Ví dụ như một bức họa vẽ theo lối chấm màu được treo tại một phòng tranh trên đại lộ Matignon. Hay một bức của thời kỳ Phục hưng mà ông đã vẽ theo đặt hàng của một người giàu có từ nước Anh. Và ông thật sự mãn nguyện.

Nhớ lại khi phiên tòa kết thúc, có một luật sư đã đặt ông vẽ hơn chục bức tranh, mà sao lúc đó ông vẽ không có hồn gì cả. Trong căn phòng khách nhỏ bé của mình hiện nay đang treo một bức ảnh đen trắng chụp nghiêng của vị luật sư đó: “Sau này chúng tôi đã trở thành bạn của nhau, ông luật sư đã mời tôi về ngôi nhà ở miền quê của ông ấy và bức ảnh này được chụp tại đó”. Và để đáp lễ, Guy Ribes đã vẽ tặng cho vị luật sư kia một vài bức tranh và hẳn nhiên là được ký tên Guy Ribes.

Nếu Picasso còn sống, ông ấy sẽ tuyển dụng Guy Ribes

10 năm nay tôi đã làm việc cho một nhóm người đã sử dụng tài năng vẽ giả danh của tôi để lừa đảo và trục lợi. Những bức vẽ của tôi đã được đưa đến tay những người sưu tập bị lừa, thậm chí đến các phòng bán đấu giá Drouot hay Sotheby’s. Nhưng đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng: Trong suốt gần 30 năm nay, tôi đã nhại theo phong cách của người khác. Bàn tay và đôi mắt của tôi đã là bàn tay và đôi mắt của Picasso, Renoir, Matisse hay Dali tuy họ đã không còn nữa trên cõi đời này. Tôi đã học cách vẽ sao cho giống cách vẽ của họ, đến nỗi tôi đã quên bẵng đi phong cách hội họa của chính mình và bị lạc vào ma đồ trận của sự giả tạo đó. Tôi đã không còn biết tôi là ai nữa.

Cuối cùng thì tôi cũng sẽ có thể trở về với chính mình, quên đi ánh hào quang của những người nổi tiếng mà tôi đã sống dựa vào đó trong bấy lâu nay để có thể quay lại bước đi trên đôi chân của chính mình. Tôi đã thật sự trở thành một họa sĩ đúng nghĩa ngay cái ngày mà tôi bị bắt [...] Những gì hiện ra trước mắt tôi lúc đó là một cuộc đổi đời thật sự. Tất cả đã chấm dứt. Và tất cả sẽ bắt đầu lại từ đầu [...] Vài năm sau đó, một viên cảnh sát đã thật lòng phát biểu trong một cuộc phỏng vấn về vụ án của tôi, rằng tôi là “họa sĩ giả danh của thiên niên kỷ”. Nhưng tôi lại thích hơn câu nói của giám định viên nghệ thuật Gilles Perrault trong phiên tòa, rằng: “Nếu Picasso còn sống, ông ấy sẽ tuyển dụng Guy Ribes ngay”. Tôi sẽ không bao giờ quên câu nói đó.

(Theo Paris Match)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới