Phải chặn nạn tranh giả từ gốc

Cùng với đó là dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của hội đồng giám định tác phẩm mỹ thuật. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quốc Huy, Phó Giám đốc Trung tâm, xung quanh vấn đề này.

Bắt đầu từ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

. Giám định tranh là công việc khá phức tạp và nhạy cảm. Hội đồng giám định sẽ làm việc theo cơ chế nào để đảm bảo tính khách quan, thưa ông?

+ Hội đồng giám định sẽ gồm các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia có uy tín về mỹ thuật và các lĩnh vực có liên quan. Các thành viên hội đồng sẽ nhận được tài liệu giám định trước để nghiên cứu nội dung. Trung tâm sẽ phải chuẩn bị thật chi tiết tài liệu, gồm hồ sơ tác phẩm, các kết quả phân tích hóa-lý về thời gian sáng tác, chất liệu của tác phẩm. Kết quả giám định sẽ có được thông qua bỏ phiếu kín với tỉ lệ nhất trí chiếm 3/4 thành viên hội đồng. Các thành viên hội đồng phải chịu trách nhiệm về những ý kiến giám định đưa ra và có quyền bảo lưu ý kiến của mình.

Phải chặn nạn tranh giả từ gốc ảnh 1

Tranh vẽ Chèocủa họa sĩ Bùi Xuân Phái bị chép lại rất nhiều.

. Theo dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động, Trung tâm có nhiệm vụ tổ chức giám định cho các hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật, làm dịch vụ giám định cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Với đội ngũ nhân lực và điều kiện cơ sở vật chất hiện có, ông cho rằng Trung tâm có thể làm tốt các nhiệm vụ trên?

+ Trung tâm chỉ cần 7-10 người đứng ra tổ chức thôi, còn lại sẽ mời các chuyên gia bên ngoài vào hội đồng thẩm định tùy thuộc vào nội dung. Chúng tôi sẽ mời các chuyên gia thuộc Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam... Với một số trường hợp, chúng tôi sẽ phối hợp với Viện Khoa học hình sự Bộ Công an để giám định.

Cái khó là hiện các nước đã có máy chụp phân tích màu, định vị phóng xạ, phân tích bằng tia hồng ngoại... để xác định thời điểm, khuynh hướng sáng tác và cả dấu vân tay của tác giả để lại trên tranh. Sắp tới, có thể nhập máy móc về từ một số nước có trình độ giám định mỹ thuật phát triển như Đức, Ý, Pháp...

. Tất cả những công việc trên liệu có thể hoàn thành trong vòng hai tháng để kịp giám định tác phẩm đầu tiên như kế hoạch?

+ Mục tiêu ban đầu sẽ là giám định các tác phẩm hiện đang lưu trữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Lâu nay tồn tại một dư luận không đúng là bảo tàng đã trưng bày một số bản tranh chép (!). Chúng tôi sẽ lập hội đồng giám định để làm rõ.

Mất giá vì vàng thau lẫn lộn

.Ông có lo ngại uy tín của Trung tâm có thể chưa đủ để các họa sĩ hoặc các nhà sưu tập “chọn mặt gửi vàng”?

+ Ban đầu Trung tâm được thành lập với nhiệm vụ chính là hỗ trợ các hoạt động của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Còn về lâu dài chúng tôi muốn tổ chức sàn đấu giá các tác phẩm mỹ thuật. Việc mua bán hiện nay ít được công khai nên mới có chuyện nhái lại theo phong cách của các họa sĩ đang nổi, kiếm tiền trên mồ hôi công sức người khác. Tranh Việt Nam bị mất giá vì vàng thau lẫn lộn.

. Vậy Trung tâm sẽ tham gia như thế nào để hạn chế sự hỗn loạn đó?

+ Muốn hạn chế được sự bát nháo hiện nay thì các họa sĩ phải cùng tham gia. Việc chống tranh giả phải làm ngay từ gốc. Nếu họa sĩ ghi lại trong năm họ sáng tác được bao nhiêu bức, chất liệu như thế nào thì những người làm tranh giả cũng khó lập lờ đánh lận. Đã có trường hợp họa sĩ bán tranh rồi lại tự chép tranh mình ra đến 14 bản bán tiếp, như thế thì Trung tâm cũng bó tay!

Các nhà sưu tầm, chủ phòng tranh cũng phải có chính kiến và uy tín. Chạy theo lợi nhuận trước mắt, đem tranh họa sĩ ký gửi đi chép thì hậu quả tất yếu sẽ xảy ra là một thị trường bát nháo và tranh Việt bị mất giá trên thị trường quốc tế. Nếu một nhà sưu tầm ngoại quốc mua một bức tranh ở Hà Nội, vào TP.HCM lại thấy một bức na ná như thế thì khác nào một cái tát vào mặt họ. Bản thân chúng ta đang tự làm hạ thấp giá trị chúng ta.

. Xin cảm ơn ông.

BẢO PHƯỢNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm