Tình hình nhập lậu thuốc lá điếu ngoại đặc biệt nghiêm trọng ở tuyến biên giới các tỉnh giáp biên Việt Nam – Campuchia như Tây Ninh, An Giang, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang. Địa bàn tàng trữ, tiêu thụ chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ, miền Đông Nam Bộ, trong đó TP. Hồ Chí Minh được xem là địa bàn trọng điểm.
Trong năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014 các lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ, xử lý trên 6 triệu bao thuốc lá lậu các loại và 19.836 kg nguyên liệu, riêng lực lượng QLTT năm 2013 thu giữ 1.064.384 bao và 5.357 kg nguyên liệu thuốc lá.
Cũng theo ông Ngọc, tình hình buôn lậu, buôn bán vận chuyển thuốc lá điếu vẫn diễn biến phức tạp với những phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi và đa dạng hơn. Đối tượng đầu nậu, người vận chuyển hình thành những đường dây liên huyện, liên tỉnh, xuyên quốc gia, móc nối giữa trong nước với nước ngoài.
Tại khu vực biên giới và trên đường vận chuyển vào nội địa, đối tượng đầu nậu tổ chức đường dây rất tinh vi, điều hành chặt chẽ, sử dụng các thủ đoạn thuê người vận chuyển, đa số là dân thường, với phương thức chủ yếu là vận chuyển trên đồng ruộng, sông rạch.
Thuốc lá nhập lậu được chia nhỏ, tập kết, cất giấu rải rác trong nhà dân; dùng các phương tiện ô tô, xe máy, ghe máy vận chuyển sâu vào nội địa. Khi vận chuyển các đối tượng buôn lậu tổ chức các nhóm theo dõi lực lượng chức năng, sử dụng các thiết bị liên lạc hiện đại để cảnh giới và đi theo hộ tống đối tượng vận chuyển, sẵn sàng cản trở hoặc chống đối lực lượng kiểm tra để giành giật lại hàng, khi bị bắt thì vận động lực lượng cướp lại thuốc lá.
Các đối tượng hoạt động không có quy luật, không kể ngày đêm, tùy thuộc các lực lượng chống buôn lậu hoạt động kiểm tra lúc nào. Thời gian đưa hàng qua biên giới và vận chuyển vào nội địa thường xuyên thay đổi, chủ yếu hoạt động ngoài giờ hành chính, vào buổi tối, ban đêm, ngày nghỉ.