Nguy cơ chấn thương khi tập yoga

Tập yoga sai phương pháp rất dễ dính chấn thương (ảnh internet)

Không theo trình tự

Tập yoga phải theo năm bước cơ bản: thiền, khởi động, các thế yoga, xoa bóp, thư giãn. Thiền có khả năng làm êm dịu thần kinh, giảm căng thẳng, giúp tập trung tư tưởng. Khởi động làm tăng lượng máu đến cơ bắp, khớp xương được bôi trơn, linh hoạt, dẻo dai hơn, dễ dàng tập các tư thế yoga phức tạp. Xoa bóp là bài tập sau cùng giúp giảm cơn đau nhức, thúc đẩy việc tiết dịch trong khớp và tuần hoàn quanh khớp. Thư giãn là khoảng thời gian để trải nghiệm bài tập.

Rất nhiều người chỉ chú trọng các thế yoga mà xem nhẹ những bước khác. Thường gặp ở học viên vào lớp trễ. Khi thấy cả lớp đã bắt đầu tập các thế yoga, liền vội vàng lao vào tập vì sợ không theo kịp. Nếu không khởi động kỹ trước khi tập, dễ gặp các chấn thương đau đớn trong lúc tập như trật khớp, bong gân

Ép cơ thể quá mức

Yoga có từng cấp độ, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Nếu không học thuần thục các bài yoga cơ bản, vội lao vào tập các bài nâng cao, cố gắng kéo giãn cơ thể quá mức sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe, có thể gặp các chấn thương nặng như vẹo cột sống, giãn dây chằng… Một số người muốn đạt hiệu quả nhanh, ép cơ thể tập quá mức bằng cách tăng thời gian tập lên gấp đôi, khiến cơ thể mệt mỏi, lâu ngày rơi vào trạng thái phấn khích, hay bồn chồn, cáu gắt.

Bị ép bởi huấn luyện viên

Hiện nay không ít nơi HLV yoga không bằng cấp chuyên môn mà được chuyển từ HLV aerobic, khiêu vũ… sang dạy yoga. Nếu mạnh tay điều chỉnh, thay đổi tư thế đột ngột, ép cơ thể thực hiện các thế khó, thúc ép học viên để học được các tư thế mới… dễ dẫn đến chấn thương vùng thắt lưng, đầu gối, cổ, dây chằng, khung chậu. Có những động tác, nếu cố gắng kéo giãn chỉ 1cm cũng làm học viên tàn tật suốt đời. Ví dụ thực tế nhất ở tư thế kéo giãn cột sống, buộc người tập cúi xuống càng sâu càng tốt. Người mới tập thì cơ, dây chằng chưa dẻo dai nên nếu cố gắng cúi người xuống phía trước, lại được HLV “giúp đỡ” bằng cách đè lưng, học viên dễ bị chấn thương.

Lớp học quá đông

Lớp học đông có nhiều bất lợi. Cụ thể, khi một người bị mất thăng bằng dẫn đến những người khác cũng mất tập trung và ngã theo. Ngoài ra, HLV không có thời gian quan sát từng học viên, sẽ không nhớ học viên nào có chấn thương, học viên nào mắc bệnh lý về cột sống hoặc tăng huyết áp. Từ đó dẫn đến tình trạng “ai cũng được đối xử như nhau” nên làm bệnh tình càng thêm nặng và việc chấn thương là điều không tránh khỏi.

 Theo Thanh Hoa (PNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm