Nguy cơ ổ dịch sốt xuất huyết từ các công trình xây dựng

(PLO)-  TP.HCM có nhiều dự án treo, công trình xây dựng, là nơi tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các ổ dịch sốt xuất huyết.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 27-7, tại buổi khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết (SXH), BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết đến ngày 27-7, TP ghi nhận 16 trường hợp tử vong do SXH, tăng 13 ca so với năm 2021.

Phát hiện trên 100 ổ dịch/tuần

Huyện Củ Chi có số ca tử vong do SXH nhiều nhất với bốn ca. Các quận, huyện như Bình Tân, Gò Vấp, 6, 7, 8, 11, 12, Hóc Môn, Bình Chánh, TP Thủ Đức có 1-2 ca tử vong. Cạnh đó, tổng số ca mắc cũng tăng nhanh và sớm hơn so với cùng kỳ năm 2021 và trung bình năm năm (2016-2020).

Đến ngày 27-7, TP có hơn 32.000 ca mắc SXH, hơn 1.800 ổ dịch tích lũy. Số ca bắt đầu tăng liên tục từ tuần 13 đến nay, trong đó 502 ca nặng, chiếm 1,57% tổng số ca mắc, cao hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước. Từ tuần 21 đến nay, TP phát hiện trên 100 ổ dịch/tuần. Các quận, huyện có nhiều ổ dịch là quận 12, quận Tân Phú, huyện Củ Chi, Hóc Môn.

Đại biểu Nguyễn Minh Nhựt, đoàn giám sát Ban Văn hóa – Xã hội HĐND nêu y kiến tại buổi giám sát. Ảnh: THANH TUYỀN

Đại biểu Nguyễn Minh Nhựt, đoàn giám sát Ban Văn hóa – Xã hội HĐND nêu y kiến tại buổi giám sát. Ảnh: THANH TUYỀN

Năm 2022, sáu quận, huyện có số ca mắc và số ca mắc/100.000 dân cao nhất TP là các quận 12, Bình Tân, Tân Phú; các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn. Đặc biệt, huyện Cần Giờ có số ca tuyệt đối ít nhất TP nhưng tính trên 100.000 dân rất cao, đứng thứ 7/22 quận, huyện.

Thực hiện xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 117/ 2020 của Chính phủ đối với các cá nhân, tổ chức không thực hiện các hướng dẫn phòng chống dịch bệnh của y tế, từ đầu năm đến ngày 25-7, toàn TP có 155 quyết định được ban hành. Trong đó, ba quận, huyện có số xử phạt cao là Bình Tân (46), Bình Chánh (28), quận 3 (13). Năm quận, huyện chưa ra quyết định xử phạt là các quận 1, 5, 10, huyện Cần Giờ và Nhà Bè. Các quận, huyện còn lại có xử phạt nhưng số lượng vẫn còn hạn chế.

Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị SXH trên địa bàn TP theo ba kịch bản nhằm giảm tỉ lệ chuyển nặng và tử vong. Theo đó, TP đang ở tình huống hai (2.000-4.000 ca mắc/ngày và 300-600 ca nhập viện). Sở Y tế đã đề nghị các bệnh viện được phân công sẵn sàng giường bệnh, nhân sự, thuốc, dịch truyền… để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân.

Khó vào kiểm tra công trình xây dựng

Trao đổi với đoàn giám sát, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho hay các công trình xây dựng là nơi tiềm ẩn nguy cơ phát bệnh SXH do có nhiều hầm hào, mương nước chứa lăng quăng. Tuy nhiên, việc kiểm tra những nơi này gặp nhiều khó khăn.

“Vừa qua, chúng tôi xuống kiểm tra có cả lãnh đạo phường, lãnh đạo Sở Y tế, công an, PV báo chí đi cùng nhưng vẫn bị từ chối không cho vào. Điều này cho thấy một số địa phương bất lực và chưa mạnh tay với những địa điểm có thể phát sinh dịch bệnh” - BS Hưng nói.

Tại buổi giám sát, đại biểu Nguyễn Minh Nhựt nêu ý kiến: “Các dự án treo ở Hóc Môn, quận 12, Bình Chánh… đều có nguy cơ trở thành ổ dịch lớn, đề nghị Sở Y tế có biện pháp triệt để, nếu cần có thể mạnh dạn tham mưu TP chỉ đạo ngành xây dựng, tài nguyên môi trường cùng tham gia. Cạnh đó, cần tuyên truyền nhiều hơn nữa để người dân chủ động phòng dịch, không trông chờ vào cơ quan chức năng”.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP, nhận định sự gia tăng bất thường số ca mắc SXH, ca tăng nặng, tử vong rất đáng lo ngại, cần có giải pháp toàn diện và hiệu quả hơn. “Chống dịch không làm thời vụ mà phải thường xuyên, liên tục. Việc xử phạt vi phạm các quy định phòng chống dịch SXH cần phải mạnh hơn nữa. Đặc biệt, các quận 1, 5, 10 và các huyện Cần Giờ, Nhà Bè chưa xử phạt trường hợp nào cần phải xem xét lại do những nơi này có số ca mắc và điểm nguy cơ không nhỏ” - ông Bình nhấn mạnh.

Tin báo về điểm có muỗi, lăng quăng còn ít

Vừa qua, Sở Y tế đã tiếp nhận phản ánh của người dân về nguy cơ SXH tại cộng đồng thông qua ứng dụng “y tế trực tuyến”. Tính đến 6 giờ ngày 26-7, đã nhận được 48 phản ảnh của người dân, đã xử lý 44 tin, còn bốn tin đang xử lý. Việc người dân biết đến ứng dụng “y tế trực tuyến” còn hạn chế nên số tin báo chưa được nhiều, chúng tôi sẽ tiếp tục truyền thông về ứng dụng và hy vọng sẽ nhận được sự hưởng ứng tích cực hơn trong thời gian tới.

BS NGUYỄN HỮU HƯNG, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm