Để tránh bị liên lụy và bị vạ lây, Việt Nam (VN) cần có quy định về chống khai thác bất hợp pháp (IUU) nhằm quản lý các tàu hàng thủy sản nhập khẩu vào VN để tiêu thụ nội địa. Song song đó quản lý chặt tàu chuyển tải, bốc dỡ container từ một con tàu thông thường và đưa nó lên một con tàu khác để tiếp tục đưa tới cảng dỡ hàng cuối cùng qua cửa khẩu nước ta để xuất sang Trung Quốc (TQ).
Đó là kiến nghị của nhiều doanh nghiệp (DN) đưa ra tại hội nghị liên quan đến nguyên liệu thủy sản do Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (Vasep) tổ chức ngày 30-11.
Lo ngại để lọt tàu vi phạm vào Việt Nam
Ông Nguyễn Xuân Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Vương, phản ánh thời gian qua có tình trạng nhiều tàu container rất lớn cập cảng Hải Phòng rồi chuyển tải qua biên giới TQ. Theo đó mỗi ngày có hàng trăm container chủ yếu là hàng của thương nhân TQ qua cửa khẩu này để được hưởng chính sách ưu đãi hoàn thuế giá trị gia tăng.
Cụ thể, đây là dạng hàng trung chuyển từ một nước nhập khẩu về TQ nhưng thương nhân TQ không nhập khẩu trực tiếp vào nước này mà nhập qua cửa khẩu của VN. Sau đó mới tiếp tục đưa về TQ để được hưởng thuế suất thấp.
“Theo Hiệp định Thương mại tự do giữa VN và TQ, hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu VN vào nước này chỉ phải đóng mức thuế thấp 1%-2%. Sau đó, chế biến xuất khẩu thì DN TQ sẽ được hoàn thuế 11%, như vậy tính ra DN của họ kiếm lợi 9%-10% tiền hoàn thuế” - ông Nam giải thích thêm.
Trước thực trạng này, ông Nam lo ngại nếu VN không có quy định quản lý những con tàu chuyển tải kiểu như trên thì rất dễ dẫn đến nguy cơ VN bị vạ lây, bị phạt thẻ đỏ, bị cấm xuất khẩu hải sản. Lý do đã không kiểm soát hoặc để những con tàu vi phạm quy định về chống khai thác bất hợp pháp cập cảng VN.
Nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến xuất khẩu ngày càng thiếu hụt. Trong ảnh: Đại diện các doanh nghiệp đang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: QUANG HUY
Bên cạnh đó, ông Nam đề nghị nếu phát hiện những con tàu nước ngoài vi phạm quy định chống khai thác bất hợp pháp cập cảng VN thì cần có chế tài, xử phạt. “VN cần thể hiện sự hợp tác toàn cầu về quy định chống khai thác bất hợp pháp này chứ không chỉ dừng lại ở việc bắt tàu vi phạm của nước ngoài sau đó trả về là xong. Thậm chí sau đó còn cho phép con tàu nước ngoài từng vi phạm được phép vào VN” - ông Nam nhấn mạnh.
Một số công ty khác cũng có ý kiến tương tự khi cho rằng hàng thủy sản nhập khẩu vào VN để tiêu thụ nội địa cũng phải tuân thủ quy định về chống khai thác bất hợp pháp. Có như vậy VN mới tránh bị liên lụy như bị phạt thẻ vàng, thẻ đỏ ảnh hưởng đến xuất khẩu như thời gian qua.
Phản hồi những ý kiến này, đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết sẽ xem xét đề nghị của các DN về việc đưa ra quy định quản lý tàu chuyển tải qua cửa khẩu VN, đồng thời quản lý các nguồn nguyên liệu thủy sản nhập khẩu nhằm tránh bị vạ lây.
Lo thiếu nguyên liệu xuất khẩu vì quy định mới
Cũng tại hội nghị này, nhiều công ty xuất khẩu thủy sản bức xúc về những quy định mới được đưa ra trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 26/2016 của Bộ NN&PTNT. Các DN cho rằng quy định tất cả lô hàng nguyên liệu thủy sản nhập khẩu đều phải nộp giấy chứng nhận đánh bắt (C/C) như dự thảo là không cần thiết, gây lãng phí thời gian, chi phí cho cả DN lẫn Nhà nước.
Nói thêm về vấn đề này, Phó Tổng Thư ký Vasep Nguyễn Hoài Nam nêu thực tế nhiều công ty chế biến và xuất khẩu thủy sản phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu như là một phương án tối ưu để giữ khách hàng, người lao động. Tuy nhiên, nếu áp dụng quy định như trong dự thảo rằng DN phải có C/C do cơ quan thẩm quyền của nước có tàu khai thác cấp là không thể thực hiện được. Bởi phải mất ít nhất một tháng sau khi nhận hàng thì DN mới có C/C trong tay. Hơn nữa, theo thông lệ quốc tế và Luật Thủy sản 2017 vừa được Quốc hội thông qua cũng không bắt buộc các DN phải đáp ứng điều kiện này.
Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết đối với nguồn nguyên liệu nhập về để chế biến, xuất khẩu đi EU phải có C/C. Cơ quan thú y sẽ căn cứ vào các số liệu trong C/C đó để cấp giấy. Riêng đối với những lô hàng tạm nhập tái xuất sẽ xử lý linh hoạt hơn do nguồn hàng xuất nhập ra vào rất nhanh.
“Đối với những lô hàng dự kiến nhập để chế biến đi EU, DN cần có thông báo với các nhà xuất khẩu khi họ yêu cầu có C/C. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường EU” - đại diện Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh.
Thiếu hụt nguyên liệu thủy sản xuất khẩu Theo Vasep, trong vòng năm năm qua, giá trị nhập khẩu nguyên liệu thủy sản đều tăng. Năm 2011 nhập khẩu hơn 540 triệu USD, đến năm 2016 tăng lên hơn 1,1 tỉ USD, tăng gấp hai lần. Trung bình 80%-85% lượng nhập khẩu hằng năm được dùng cho gia công và sản xuất, đóng góp 15%-25% giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản VN trong vòng năm năm qua. Trong khi đó nguồn nguyên liệu khai thác trong nước đã cạn kiệt, diện tích nuôi trồng thâm canh ngày càng thu hẹp… khiến số lượng và chất lượng nguyên liệu thủy sản đủ tiêu chuẩn để cung cấp cho chế biến xuất khẩu ngày càng giảm sút. Đặc biệt, mới đây khi Liên minh châu Âu (EU) giơ thẻ vàng thì nguồn nguyên liệu thủy sản khai thác trong nước lẫn nhập khẩu phục vụ chế biến xuất khẩu càng thiếu hụt. |