Nguy hiểm chực chờ ở vùng ‘bệnh lạ’

Hơn 20 ngày qua, mặc dù huyện Ba Tơ đã chỉ đạo khắc phục tạm nhưng nguy hiểm vẫn chực chờ người dân.

Đường về xã Ba Điền nhiều đoạn vẫn bê bết bùn. Riêng đoạn từ trung tâm xã lên xóm Gò Nẻ có 48 hộ dân nằm dưới chân dốc Cọp, nhiều công trình bị hư hỏng. Anh Phạm Văn Sương, dân tộc H’rê ở làng Gò Nghênh, cho biết hôm mưa lũ nước suối đổ về làm đứt một bên đầu cầu Vả Ranh. Địa phương chở đá đến đổ nối lại nhưng mố cầu vẫn nứt. Xe tải nhỏ chở gỗ keo, củ mì không còn qua lại được, gây khó việc làm ăn buôn bán. Khi trời mưa xuống, người dân đi qua đây rất sợ cầu sụp. Cách cầu Vả Ranh chừng 30 m là cầu tràn bắc qua suối Vả Giá cũng bị nứt toác. Tuyến đường ống dẫn nước sinh hoạt cho 176 hộ dân ở Làng Rêu (tâm điểm của vùng “bệnh lạ”) bị nước lũ phá hỏng nhiều đoạn nên từ sau lũ đến nay, dân phải nấu ăn, tắm giặt bằng nước suối.

Sườn dốc Làng Roan có thể sạt lở bất kỳ lúc nào.  Ảnh: VÕ QUÝ

Nguy hiểm nhất nằm ở dốc Làng Roan. Con dốc này được san ủi năm 2014, nay hai bên dốc đất đá đổ ập xuống. Mặc dù địa phương đã khắc phục tạm nhưng hai bờ ta luy có thể sạt lở tiếp bất kỳ lúc nào. Anh Phạm Văn Ngoa, phụ trách công tác dân số của xã Ba Điền, nói: “Có việc thì phải đi chứ qua đây nguy hiểm quá, mưa xuống là chẳng ai dám liều”.

Ông Phạm Văn Bút, Chủ tịch UBND xã Ba Điền, cho hay xã đã báo huyện và cũng đã trích ngân sách dự phòng để tu sửa tạm. Nhưng công trình hư hỏng quá nhiều mà xã thì khó khăn nên không thể tu sửa đàng hoàng được. Ông Trần Trung Triết, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, cho biết: “Huyện đã trích ngân sách dự phòng để tu sửa các công trình nhưng chỉ làm tạm vì ngân sách dự phòng của huyện năm 2017 chỉ trên 3,5 tỉ đồng trong khi trước mưa lũ đã trích trên 2 tỉ đồng để tu sửa khẩn cấp. Do vậy, huyện đang chờ tỉnh hỗ trợ”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm