Nguyên Chủ nhiệm VPQH Vũ Mão kể chuyện quà Tết

Có lẽ hiện nay khoảng 30% quà tặng, quà biếu vẫn giữ được nét truyền thống của nó, tức là thể hiện tình cảm, sự biết ơn. Nhiều người không còn chức quyền nữa, là những người đạo đức, tử tế, đã về hưu hoặc đã chuyển cơ quan khác, không còn vai trò quyết định sinh mệnh chính trị của người này, người khác nhưng vẫn giữ được tình cảm sâu nặng của mọi người. Tôi từng viết câu thơ: Ơn nghĩa giúp người kể chi nhiều hay ít/ Cứu độ nguy nan họ sẽ nhớ suốt đời; và thấm điều đó vì bản thân mình những năm qua được hưởng một chút ân tình như thế. Tôi nghĩ rằng trong xã hội ta, vẫn còn nhiều người đang rèn luyện, xây dựng lý tưởng, phong cách sống đẹp.

Chuyện xưa, chuyện nay…

Tuy nhiên, hiện trạng biếu xén để mong có được lợi ích, có được sự thăng tiến, quan tâm giúp đỡ… càng ngày càng nhiều, ít nhất khoảng 50%, có thể tới 70%. Xử lý vấn đề này không dễ vì ranh giới giữa thể hiện tình cảm với động cơ không trong sáng là rất khó phân biệt.

Chúng ta cũng thấy đã tới mức báo động tình trạng quà tặng, quà biếu ngày càng tinh vi, kín đáo. Ngày xưa quà tặng, quà biếu có thể là một món cụ thể nào đó nhưng bây giờ chủ yếu bằng tiền, mà chủ yếu là ngoại tệ. Tất nhiên, còn có rất nhiều hình thức biếu xén tinh vi khác mà mình không biết được, chỉ biết phần lớn người được tặng quà là những người có chức có quyền.

Tôi đã có lần chứng kiến trường hợp nhân ngày lễ cúng 49 ngày mất của người thân một vị lãnh đạo. Sau khi mọi người hàn huyên, một người nói với vị lãnh đạo: “Em muốn gặp riêng anh một chút”. Thế là chủ dẫn khách vào phòng riêng, vị khách xách theo một cái cặp. Họ gặp riêng vậy để làm gì, họ đưa cho nhau những gì? Khó nói lắm!

Cách đây khoảng 40 năm chúng ta đã có quy định đi nước ngoài mà được tặng quà thì phải nộp lại. Anh Đặng Quốc Bảo khi đó là bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đi công tác nước ngoài được phía bạn tặng một đồng hồ Poljot và một máy tính con chỉ bằng bàn tay. Quà không đáng gì và dù quy định thời ấy cũng chỉ chung chung thôi nhưng anh Bảo nghĩ mình là thủ lĩnh thanh niên, phải gương mẫu nên đã nộp hai hiện vật ấy. Đến khi tôi là bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, cũng tương tự như vậy, dự đại hội Đoàn của Liên Xô, được tặng đồng hồ Poljot và một máy tính con. Tôi cũng nộp Vụ Tài chính của Trung ương Đoàn. Anh em nói anh trả lại làm gì, có ai dùng đâu nhưng tôi kiên quyết nộp lại.

Phải có hình thức xử lý cụ thể

Kể lại câu chuyện này để thấy cách đây 40 năm, chuyện quà tặng, quà biếu đã có vấn đề đặt ra, dù lúc đó trong sáng rất nhiều. Sau này xảy ra nhiều chuyện quá. Đến năm 2007, Thủ tướng ban hành quyết định và có quy chế về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cán bộ, công chức. Tuy nhiên, quy định còn chung chung, không có tác dụng thực thi và không có hình thức xử lý người vi phạm.

Nghiên cứu các nước, nhất là Singapore, quy định của họ rất cụ thể, chế tài rõ ràng, nghiêm khắc nên người dẫu muốn tham nhũng cũng không dám làm.

Mới đây, sau khi Thủ tướng nêu quyết tâm không cho cán bộ cao cấp nhận quà biếu vào dịp tết thì Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng có văn bản truyền đạt tinh thần ấy. Theo tôi, kiên quyết, quyết tâm là tốt nhưng chừng ấy là chưa đủ. Chúng ta đang thực hiện một vấn đề quan trọng là “nói đi đôi với làm”, chỉ đạo như vậy nhưng làm như thế nào vẫn rất khó.

Theo tôi, trước mắt cần chỉ đạo quyết liệt, mở rộng việc nhân dân theo dõi và phát hiện, khai thác tối đa các phương tiện thông tin đại chúng (tất nhiên phải chính xác) để tạo chuyển biến thực sự. Đồng thời, ngay lập tức cần triển khai việc tổng kết để đánh giá xem văn bản đã ban hành cách đây 10 năm vì sao không đi vào cuộc sống, vấn nạn vẫn tràn lan? Cần rà soát từng điểm xem còn thiếu sót, bất cập nào và khởi động xây dựng một quy chế mới thay thế. Nếu cần thiết thì nâng lên thành luật với các nội dung cụ thể, chế tài rõ ràng, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân.

Đã quyết tâm làm thì phải làm đến nơi đến chốn!

VŨ MÃO, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

_________________

(*) Tựa do tòa soạn đặt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm