Ngoài những thứ thường thấy như phong bì dày cộm tiền, rượu ngoại, trà thuốc đắt tiền, quà tết cho quan tham còn có cả phiếu mua hàng trị giá khủng, đồ cổ, tranh của các danh họa nổi tiếng thế giới hay những món hàng hiệu xa xỉ. Báo chí Trung Quốc đã thống kê được những “mặt hàng” quà tết được quan chức tham nhũng nước này ưa chuộng nhất.
Phong bì tiền là “đầu câu chuyện”
Lật lại các vụ án có thể thấy số quan tham nhận tiền biếu vào dịp tết chiếm tỉ lệ rất lớn. Thậm chí trong một số vụ án tham nhũng, số tiền nhận hối lộ chủ yếu chảy vào túi quan tham vào dịp tết.
Hoàng Hoa Chương, phó tổng giám đốc Tập đoàn Cự Hóa Chiết Giang, bị phạt tù 11 năm rưỡi về tội nhận hối lộ 630.000 nhân dân tệ. Trong 10 khoản tội mà bản cáo trạng nêu, hầu hết đều xảy ra vào dịp tết từ 2001 đến 2009, Chương ngồi nhà nhận tiền của các công ty trực thuộc mang đến biếu.
Văn Cường, nguyên phó cục trưởng Công an, cục trưởng Tư pháp Trùng Khánh. |
Châu Hồng Vĩ, nguyên cục trưởng Tài nguyên đất đai TP Nam Xương, Giang Tây, nhận án tù chung thân, trong chín năm có tới 62 lần nhận hối lộ của 23 người tổng cộng 5,67 triệu nhân dân tệ. Hầu hết hành động hối lộ đều diễn ra ở dạng quà biếu xén nhân dịp tết âm lịch và tết Trung thu.
Châu Hiểu Á, vợ Văn Cường, nguyên phó cục trưởng Công an, cục trưởng Tư pháp Trùng Khánh (đã bị tử hình năm 2010), nói trước tòa: “Dịp tết và sinh nhật Văn Cường, năm nào nhà chúng tôi cũng thu mấy trăm ngàn nhân dân tệ nhưng tiền ai biếu tôi cũng không biết”. Câu nói đã khiến cả bồi thẩm đoàn sửng sốt.
GS Lý Mãn Xuân, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu liêm chính và pháp luật ĐH Trung Nam, nói: “Quan tham sở dĩ ra sức nhận tiền, quà biếu vào dịp tết là do ba điểm: Thứ nhất, về tâm lý, họ cho rằng tết âm lịch là ngày lễ truyền thống, mọi người chúc tết, biếu quà nhau, nhận tiền cũng danh chính ngôn thuận. Thứ hai, về phía người đưa hối lộ, tết là dịp thuận tiện nhất. Cả người đưa và người nhận đều chủ động lợi dụng dịp này để giao dịch quyền-tiền. Thứ ba, xét về tâm lý xã hội, tuyệt đại đa số mọi người đều cho rằng ngày tết đến chúc lãnh đạo, biếu quà là chuyện thường tình”.
Ngại xách quà thì biếu phiếu mua quà
Tháng 12-2010, Tòa án khu Triều Dương, Bắc Kinh từng công bố số liệu cho thấy trong năm năm họ đã xử 13 vụ án hối lộ bằng phiếu mua hàng giá trị. Phiếu mua hàng từ lâu đã trở thành thứ quà hối lộ mới thay cho tiền mặt.
Trương Truyền Quyền, trưởng Ban Tuyên giáo Thị ủy Trừ Châu, An Huy, bị tòa án xử phạt tám năm tù vì tội nhận hối lộ và số lượng lớn tài sản bất minh. Tất cả tội của Quyền đều thực hiện vào các dịp lễ, tết. Trong số 2,9 triệu nhân dân tệ tiền, quà thì có tới 177.000 nhân dân tệ ở dạng phiếu mua hàng.
Đỗ Hồng Miêu, nguyên phó chủ tịch Chính Hiệp thị xã Thừa Châu, Chiết Giang, có đặc điểm khác người. Đó là “tết chỉ nhận phiếu mua hàng, không nhận tiền mặt”. Miêu có 16 lần nhận hối lộ thì 15 lần là phiếu mua hàng, cũng đều vào tết âm lịch hoặc Trung thu.
Liêu Thiếu Hoa, nguyên bí thư Thành ủy Tuân Nghĩa, Quý Châu, khi bị điều tra về tội tham nhũng đã “hối hận” về việc bắt đầu sa ngã từ khi nhận các phiếu mua hàng của một số ông chủ ở Quý Dương: “Tôi đã nhận lương rất cao của ngành đường sắt, không thiếu tiền, không hiểu sao lại động lòng trước những cái phiếu mua hàng chết tiệt ấy”.
Liêu Thiếu Hoa, nguyên bí thư Thành ủy Tuân Nghĩa, Quý Châu. |
(Còn nữa)
Theo Ngô Tuyết (VietNamNet)