Ngày 5-9, tham gia ý kiến trong hội nghị góp ý về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) cho kỳ họp thứ 6 Quốc hội (QH) khóa XIV, ông Trần Du Lịch (nguyên Phó Đoàn đại biểu QH khóa XIII) nhìn nhận Luật Đầu tư công ra đời năm 2015 là căn cứ Nghị quyết Trung ương 3 khóa XI, với mục đích là làm sao thiết lập kỷ luật, tránh lãng phí, dàn trải, kém hiệu quả trong đầu tư công.
Thế nhưng khi thực thi thì vướng ngay vì thiếu tính đồng bộ với các hệ thống ngân sách, công vụ, tổ chức hành chính và nhiều luật pháp khác.
Nguyên Phó Đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch đề nghị không chỉ sửa Luật Đầu tư công mà phải sửa cả Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai… Ảnh: L.THOA
“Bây giờ không phải chỉ sửa luật này không, mà phải sửa cả Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai… những cái liên quan đến quá trình đầu tư. Tôi kiến nghị QH nên đưa dự thảo Luật Đầu tư công sớm thông qua, đừng để đến hết nhiệm kỳ” - ông nói.
Góp ý cho dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), nguyên đại biểu QH Trần Du Lịch cho rằng cần quy định cơ chế phân cấp, phân quyền và ủy quyền trong luật này và cả Luật Ngân sách nhà nước. Vì hiện nay Luật Đầu tư công vẫn chưa đột phá về xử lý cơ chế "xin-cho", khái niệm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương chưa được minh bạch nên sẽ không chống được lãng phí, thất thoát trong đầu tư.
Có tình trạng tỉnh nghèo nhưng vẫn xảy ra chuyện xây dựng tượng đài lãng phí chỉ vì "xin” ngân sách từ trung ương.
Chưa kể, Luật Đầu tư công (sửa đổi) cũng vẫn trên quan điểm cào bằng về trách nhiệm và thẩm quyền giữa những địa phương có điều kiện để tự chủ ngân sách đầu tư công với địa phương đầu tư công hoàn toàn dựa vào sự phân bổ của trung ương.
“Phải khuyến khích các địa phương sáng tạo, tăng nguồn thu để tăng đầu tư, tăng tự chủ và nâng cao vai trò của HĐND địa phương trong việc này. Nếu cứ mãi xin-cho thì HĐND còn có gì để quyết” - ông Trần Du Lịch góp ý.
Theo ông Trần Du Lịch, dự thảo luật lần này đã nâng cao quyền hạn và trách nhiệm của HĐND tỉnh/thành khi cho HĐND quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A sử dụng bằng vốn ngân sách địa phương. Tuy nhiên, lại yêu cầu đối với các Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao… phải trình Chính Phủ dù dùng ngân sách địa phương. “Đó là trói buộc, trong khi nhiều đầu tư lãng phí đều xin từ trung ương” - ông nhấn mạnh.
Ông đề nghị lần này, Đoàn ĐBQH TP.HCM lên tiếng mạnh mẽ về những vấn đề này.
Phát biểu kết luận, bà Văn Thị Bạch Tuyết (Phó Đoàn ĐBQH TP.HCM) cũng cho rằng Luật Đầu tư công với một số luật khác như Ngân sách Nhà nước, Quy hoạch, Đất đai, Xây dựng có mối quan hệ với nhau. Làm sao khi điều chỉnh luật này thì các luật khác cũng được điều chỉnh phù hợp.
Bà Tuyết nói thêm, các luật được sửa đổi hiện nay trong mục tiêu luôn có câu gắn với thủ tục hành chính. Nhưng trong luật này thì chưa thấy rõ cụ thể việc sửa đổi, mục tiêu làm sao các dự án đầu tư công được triển khai cụ thể nhanh chóng, không kéo dài thủ tục đầu tư, điều chỉnh đầu tư, thanh toán, quyết toán công trình cũng nhiêu khê, khó khăn.