Đầu tư công sai, ai chịu trách nhiệm?

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP, nhìn nhận việc sửa đổi Luật Đầu tư công là rất cần thiết vì có nhiều điểm chưa thống nhất với Luật Đất đai, quy hoạch, tổ chức chính quyền địa phương…

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP, cho rằng phải làm rõ trách nhiệm nếu có đầu tư công sai, không đạt hiệu quả. Ảnh: L.THOA

Theo bà Thảo, hạn chế của luật này là chưa giảm được thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực đầu tư công.
Điều 33 của dự thảo luật chỉ nói đơn giản rằng hồ sơ, thời gian, nội dung thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư… là thực hiện theo quy định của Chính phủ. Trong khi việc đầu tư hiện nay đang nhiêu khê và không biết sắp tới Chính phủ có quy định giảm thủ tục hay không. “Việc rút ngắn thời gian chỉ mới nói tới việc phân cấp ủy quyền, chứ chưa nói gì đến thủ tục” - bà Thảo nhận định.
Đặc biệt, bà cho rằng đối với trách nhiệm xử lý vi phạm được nói chung chung, rốt cuộc không ai chịu trách nhiệm đối với những quyết định đầu tư sai, trong khi thực tiễn thì không đảm bảo chất lượng, không hiệu quả.
Cụ thể, Điều 103 của dự thảo luật đề cập đến việc xử lý vi phạm quá đơn giản, rằng tùy theo tính chất mức độ thì xử phạt…
“Quyết định đầu tư sai để dự án không hiệu quả, chất lượng công trình kém thì tổ chức, cá nhân nào chịu trách nhiệm. Đơn cử như Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, vốn không hề nhỏ so với tiền của nhân dân, chúng ta kỳ vọng rất nhiều trong việc nhà hát sẽ phục vụ nhân dân nhưng cuối cùng xây dựng không phù hợp mà không ai chịu trách nhiệm. Bộ phận thiết kế, thi công hay giám sát? Tôi nghĩ phải có chế tài theo luật nào, cần làm rõ” - bà Thảo nói.

LS Trương Thị Hòa cũng đề nghị nên đơn giản thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư công. Ảnh: L.THOA

Luật sư (LS) Trương Thị Hòa, Đoàn LS TP.HCM, cũng nhìn nhận đầu tư tư nhân hay đầu tư công cũng phải được rút ngắn thời gian làm thủ tục. Dù luật quy định phải đơn giản TTHC nhưng thực tế khi làm dự án thì thời gian kéo dài và chậm hơn rất nhiều. Quy định như vậy nhưng lúc làm thì “đẻ” ra quy định này, quy định kia.
“Tôi cho rằng phải xử lý chế tài việc kéo dài thời gian khiến cho trình tự thẩm định dự án chậm trễ, dĩ nhiên không phải đẩy nhanh để đầu tư không “trúng”” - LS Hòa nói.
LS Hòa cũng đề nghị nếu khi làm dự án thấy sai thì việc điều chỉnh chương trình dự án cũng phải được làm nhanh. “Đầu vào làm đã chậm rồi, lúc thấy không phù hợp, điều chỉnh còn chậm thêm nữa sẽ làm cho nhiều dự án bị dở dang gây lãng phí” - LS Hòa nói thêm.
Bà cũng đề nghị chú ý đến khâu theo dõi, đánh giá, kiểm tra đầu tư công. Đây là công việc quan trọng nên phải tách các khâu ra. Và cơ quan Mặt trận Tổ quốc cũng phải có trách nhiệm giám sát đầu tư công.

Phân quyền cho dự án đầu tư công khẩn cấp

Đó cũng là băn khoăn của rất nhiều đại biểu khi góp ý cho dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Ông Thái Anh Linh, đại diện Sở NN&PTNT TP, góp ý TP hiện nay có rất nhiều dự án đầu tư công khẩn cấp.

Ví dụ những dự án sạt lở bờ sông hằng năm xảy ra nhiều, được liệt vào dự án khẩn cấp. Tuy nhiên, theo Luật Xây dựng thì muốn làm dự án này phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép, còn theo Luật Đê điều thì phải được Quốc hội hoặc Chủ tịch nước đồng ý.

“Khi phải xin thẩm quyền như vậy rồi quay lại lập dự án, trình duyệt thì dự án không còn khẩn cấp nữa. Mà phải làm ngay để khắc phục sự cố. Phải chăng nên có ủy quyền cho chủ tịch UBND TP làm ngay” - ông Linh đề nghị.

Đồng tình, ông Nguyễn Văn Toàn, đại diện Sở GTVT TP, cũng cho rằng ngành giao thông cũng có nhiều dự án khẩn cấp như liên quan bờ sông kênh rạch, dự án chương trình giảm ùn tắc giao thông, liên quan đến đời sống xã hội, tính mạng người dân. Do vậy luật cần quy định rõ hơn về quy mô, tính chất nào thuộc thẩm quyền trung ương giải quyết, quy mô nào để địa phương giải quyết để tăng tính chủ động, làm sao giải quyết nhanh, kịp thời.

Công khai dự án đầu tư công

Ông Trần Quốc Tú, đại diện Sở Tư pháp TP, kiến nghị: Hiện nay đã có Luật Tiếp cận thông tin thì việc công khai, minh bạch các dự án đầu tư công là cần thiết, công dân có quyền được thông tin. Đồng thời, đầu tư công là phục vụ nhân dân. Vậy cần bổ sung quy định, nâng cao vai trò của người dân, xem xét các ý kiến của người dân trong các dự án có tác động trực tiếp đến cộng đồng dân cư, nhất là ở dự án cấp xã/phường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm