Với vai trò chuyên viên phòng Công tác chính trị của ĐH Kinh tế TP.HCM từ lúc thành lập trường cho đến lúc về hưu, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên được gọi là “nhạc sĩ của phong trào”, “nhạc sĩ của tuổi học trò”… Nguyễn Văn Hiên còn là tác giả nhiều bài tình ca đi vào lòng thế hệ trẻ.
Tập tành viết nhạc từ thời trung học
. Pháp Luật TP.HCM:Anh có thể cho biết con đường vào âm nhạc của anh? Hình như âm nhạc của anh đi lên từ phong trào ca khúc chính trị của TP sau ngày thống nhất?
+ Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên: Từ những năm học trung học, tôi đã tham gia sinh hoạt văn nghệ trong nhà trường, đệm cho các bạn bè cùng trang lứa hát ca trong những dịp sinh hoạt cộng đồng và cũng tập tành viết vài bài ca sinh hoạt… chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ đi vào con đường âm nhạc vì âm nhạc mênh mông quá, như biển cả, còn tôi như hạt cát bên bờ đại dương.
Từ sau ngày đất nước thống nhất, tôi tiếp tục viết nhiều ca khúc cho tuổi trẻ học đường, thanh niên xung phong… và dần dần đi vào con đường sáng tác âm nhạc chuyên nghiệp lúc nào không biết! Tôi là trưởng nhóm Sáng tác âm nhạc quần chúng thuộc trung tâm văn hóa (Bộ Văn hóa, bộ trưởng là GS-NS Lưu Hữu Phước). Năm 1977, chúng tôi chuyển về hoạt động tại CLB Thanh niên. Năm 1982, đổi tên là Nhà văn hóa Thanh niên và nhóm chúng tôi phát triển thành CLB Sáng tác Trẻ Thành đoàn. Năm 1978, khi nhóm ca khúc chính trị Lứa tuổi 49 của nước CHDC Đức sang thăm và biểu diễn tại TP đã dấy lên một phong trào nhạc trẻ sôi nổi và Thành đoàn đã phát động một phong trào đáp ứng nhu cầu ca hát của thanh niên, lấy tên là phong trào ca khúc tuổi trẻ. Năm 1982 do bài báo của nhạc sĩ Tô Hải trên báo Sài Gòn Giải Phóng cho rằng cụm từ “ca khúc tuổi trẻ” không có trong tự điển (?) nên TP đổi tên thành phong trào ca khúc chính trị (đến năm 1990 thì bỏ và chuyển sang… phong trào Pop-Rock, rồi… phong trào Nhạc trẻ).
Dù là phong trào gì, anh em nhạc sĩ thế hệ chúng tôi đã lớn lên từ trước khi có các tên gọi đó. Tôi còn nhớ thập niên 1980, báo Tuổi Trẻ gọi tôi là “nhạc sĩ của phong trào”, cuối những năm 1980 và bước sang thập niên 1990 báo Phụ nữ TP.HCM gọi tôi là “nhạc sĩ của tuổi học trò”, còn Nhà thiếu nhi TP, báo Khăn Quàng Đỏ và nhiều báo khác thì gọi tôi là “nhạc sĩ của thiếu nhi”.
. Âm nhạc của anh và cả anh “trẻ mãi không già” có phải là nhờ môi trường công tác sinh viên một thời gian dài của anh?
+ Có lẽ thế! Nhưng trên hết phải xuất phát từ tấm lòng gắn bó và viết cho giới trẻ. Ngay cả bây giờ đã về hưu, hằng năm Đoàn Trường ĐH Kinh tế TP.HCM vẫn mời tôi tham gia và đi cùng phong trào tình nguyện để viết các ca khúc mới cho sinh viên hát trong Mùa hè xanh.
Sau khi kết hôn với nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, ca sĩ Kiều Bạch đã biến mất khỏi sân khấu ca nhạc, để lại nhiều thắc mắc trong công chúng. Ảnh nhân vật cung cấp
Đi đâu cũng gặp cựu sinh viên Kinh tế
. Anh từng tham gia Ban chấp hành (BCH) Hội Nhạc sĩ Việt Nam và làm công tác quản lý tại Hội Âm nhạc TP trong khi vẫn làm công tác chính trị của ĐH Kinh tế TP.HCM, anh có thấy vướng mắc gì không?
+ Không vướng mắc gì mà còn hỗ trợ trong công tác, trong hoạt động văn nghệ của tôi. Tôi đã đến nhiều tỉnh, thành và gặp rất nhiều bạn bè cũ là cựu sinh viên Kinh tế, họ đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong công tác ngoại vụ để thực hiện nhiều chương trình do các hội giao cho. Đồng thời tôi cũng đã giúp rất nhiều trong việc phát triển phong trào văn nghệ của trường từ những ngày trường mới thành lập đến nay.
. Được biết vài năm trước anh trình luận văn cao học âm nhạc về nhạc võ Tây Sơn sau một thời gian dài về quê Bình Định nghiên cứu...
+ Từ hơn 10 năm trước tôi đã về Tây Sơn, Bình Định để nghiên cứu nhạc võ Tây Sơn. Đến cuối năm 2014 tôi đã bảo vệ luận văn cao học về đề tài này và đã nhận bằng thạc sĩ âm nhạc học vào cuối tháng 7-2015 tại Nhạc viện TP.HCM.
Đây là một di sản văn hóa của quê hương Bình Định xuất phát từ thời nhà Tây Sơn. Đó là những hiệu lệnh được biểu hiện bằng âm nhạc để điều binh khiển tướng trong các trận mạc với những giai điệu và tiết tấu mang tính báo hiệu: tập hợp quân, hành quân, công thành, hãm thành… và khải hoàn, được thể hiện qua dàn “Trống trận Tây Sơn”, cùng các nhạc cụ: đàn nhị (đờn cò), kèn xô na, trống chầu, mõ, phèng la, cồng chiêng, phách, chập chõa (não bạt), sênh tiền…
Viết tình ca trước nhạc phong trào
. Ngoài ca khúc chính trị, bài hát phong trào, anh còn là nhạc sĩ có nhiều bài tình ca tuổi trẻ đi vào lòng nhiều thế hệ thanh niên. Từ nhạc sĩ “chuyên trị” nhạc phong trào “lấn sân” sang tình ca, anh có thấy thoải mái hơn không? Có phải vì xuất phát điểm từ nhạc phong trào nên hầu hết những bài tình ca của anh, như tuyển tập Tình khúc mùa xuân ấn hành cách nay hơn 10 năm vui tươi, tràn đầy sức sống như con người trẻ trung, yêu đời của anh?
+ Tôi viết tình ca trước khi tham gia các phong trào. Và tôi nghĩ ai cũng thế. Đó là cái tôi với những rung động đầu đời và… tiếp biến trong tình cảm. Số lượng những tình khúc của tôi gấp năm lần các bài hát viết cho phong trào.
. Xin hỏi một câu hơi riêng tư: Nhiều bạn anh - trong đó có tôi - cứ thắc mắc chuyện nữ ca sĩ có giọng ca ngọt ngào Kiều Bạch từ ngày lấy nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên đã “mất dấu” trên các sân khấu ca nhạc, truyền thanh, truyền hình..., có phải do ông chồng nhạc sĩ “ém tài” giấu biệt?
+ Đây là câu hỏi “thường ngày ở huyện”. Đó là sự chọn lựa của Kiều Bạch, muốn trở thành cô giáo đứng trên bục giảng với các em thơ. Còn nhiều người thắc mắc, “đổ lỗi” do tôi “ém tài” giấu biệt thì… hổng dám đâu!
. Hiện nay các công ty tổ chức game show đang ăn nên làm ra nhưng nhiều game show khá bát nháo. Đặc biệt các cuộc thi game show ca nhạc có nhiều chiêu trò mà những khán giả bình thường cũng nhìn ra. Với cương vị một nhạc sĩ kỳ cựu, từng gắn bó với BCH Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Âm nhạc TP.HCM, anh có suy nghĩ gì về thị trường âm nhạc Việt và các game show ca nhạc hiện nay?
+ Các thể loại âm nhạc vốn đa dạng và phong phú. Âm nhạc thị trường cũng là một phương cách đánh giá tính hiệu quả và lan tỏa của các tác phẩm âm nhạc. Cảm thụ nghệ thuật có khác nhau là do nhận thức và kiến thức của mỗi người. Chính vì thế mỗi thể loại âm nhạc đều có công chúng riêng của nó. Những sự thăng trầm của các dòng nhạc gắn liền với thị hiếu âm nhạc của từng giai đoạn. Các nhà quản lý đều căn cứ vào pháp luật. Đó là trách nhiệm của Nhà nước giao cho. Còn với vai trò của BCH Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tôi nghĩ BCH các thời kỳ đều có ý kiến, đề xuất những biện pháp giúp các nhà quản lý tham khảo cũng như hướng dẫn dư luận, phản ứng với những sai trái, đi ngược với nền văn hóa dân tộc. Thiết nghĩ, giới nhạc sĩ sáng tác và biểu diễn cần sáng tạo thêm nhiều tác phẩm có sức lan tỏa mà không xa rời bản sắc âm nhạc của đất nước mình.
. Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Văn Hiên Ca khúc: Chiều biên giới, Hành trình tuổi hai mươi, Xa vắng, Tháng sáu mùa thi, Ngọc trong đá, Một thời để nhớ, Bồ câu không đưa thư, Những ngôi sao nhỏ, Nắng sân trường, Lưu bút thời áo trắng, Sài Gòn - Thành phố tôi yêu, Bến vắng, Ngày xưa còn bé, Con đường học trò, Trở lại trường xưa, Hành trình nối vòng tay lớn… Nhạc thiếu nhi: Hổng dám đâu, Bé khỏe bé ngoan, Chú chuột nhắt, Búp bê cổ tích, Bay vào tương lai, Chú heo lười, Chúc Tết… Hợp xướng: Bài ca thống nhất, Thăng Long mùa xuân đại thắng, Bến Tre - Quê hương ngày mới, Vĩnh Long - Thành phố trẻ, Quê hương tuổi hai mươi, Nơi ấy Người đi… Một số ấn phẩm (các tập bài hát và albums CD): Một thời để nhớ (NXB Âm nhạc - 1990), Lưu bút thời áo trắng (Phương Nam Film - 1994), Xa vắng (DIHAVINA -1995), 12 tình khúc Nguyễn Văn Hiên (NXB Âm nhạc - 1995), Trở lại trường xưa (Phương Nam Film - 1996), Một chút gì để nhớ (50 tình khúc Nguyễn Văn Hiên) (NXB Âm nhạc - 1998), Hành trình chào kỷ nguyên mới (Trung tâm Băng nhạc Trẻ - 2001), Tình khúc mùa xuân (NXB Âm nhạc - 2006), Chiều nhớ em (SaigonVafaco - 2011), Tuyển tập ca khúc thiếu nhi Nguyễn Văn Hiên (NXB Đà Nẵng - 2015)… |