Tất cả đều bị UBND thị trấn lập biên bản, ra quyết định phạt hành chính và bị buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Cá biệt có hộ không chịu chấp hành đã bị UBND xã dỡ nhà chở về trụ sở.
Ông Điệp Hữu Phước kể: “Tôi có bốn căn nhà dưới mé sông từ gần chục năm qua. Tôi dỡ ba căn định sửa lại bằng nhà tiền chế, đà bê tông cho an toàn. Nhưng dỡ ra thì được, cất lại thì không vì thị trấn cho rằng tôi vi phạm lộ giới. Ngày 3-11, thị trấn cho người đến dỡ toàn bộ khung nhà của tôi mang đi mà không hề có quyết định cưỡng chế”.
Ông Nguyễn Minh Cà, Chủ tịch UBND thị trấn U Minh, cho biết: “Theo chỉ đạo của UBND huyện, nếu để nhà dân cất không giấy phép, vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm lộ giới thì chủ tịch cấp xã phải chịu trách nhiệm. Tháng 6 vừa rồi, với 6-7 căn nhà dân mọc lên ở khu vực ven sông, lãnh đạo UBND thị trấn đã bị kiểm điểm”.
Nhà ông Phước đã bị chính quyền tháo dỡ khi không có quyết định cưỡng chế. Ảnh: TV
Như vậy khác nào ép người dân phải ở trong căn nhà xuống cấp, nguy hiểm? Ông Cà nói: “Chúng tôi đề nghị người dân khoan cất lại nhà, chờ huyện quy hoạch rồi cất luôn nhưng nhiều hộ không chấp hành”. Về việc cưỡng chế dỡ nhà ông Phước, ông Cà lập luận: “Phần tài sản tạm giữ của ông Phước chưa phải là nhà, mới chỉ là sườn nhà nên chúng tôi không cần ban hành quyết định cưỡng chế”.
Ông Ngô Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh, nói: “Theo dự kiến thì hơn một tháng nữa huyện sẽ có quy hoạch chi tiết để cho dân cất nhà. Còn việc cưỡng chế nhà ông Phước, huyện đã chỉ đạo UBND thị trấn phải làm đúng quy trình. Đến giờ này huyện vẫn chưa phát hiện sai”.
TRẦN VŨ