Nhà thơ Lê Minh Quốc: ‘Học tiếng Việt vì tình yêu máu thịt dành cho tiếng Việt’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhân dịp này, anh đã dành cho PLO buổi trò chuyện để chia sẻ về bộ sách của mình.

Nổ lực học hỏi để hiểu thêm vài từ Tiếng Việt

. Phóng viên: Bộ sách “Văn hoá Việt nhìn từ Tiếng Việt”  (NXB Tổng hợp TP.HCM) đang được đón nhận khá nồng nhiệt trên các diễn đàn. Anh có thể chia sẻ động lực để thực hiện bộ sách này?

 + Nhà thơ Lê Minh Quốc: Thực hiện bộ sách này, tôi chỉ nghĩ một điều có thể nhiều người người không đồng tình:"Đã là người Việt nhưng chắc gì đã hiểu Tiếng Việt?". Với ai khác, không rõ thể nào nhưng tôi có lúc ngắc ngứ khi đọc các câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ như: Bẻ no mà đếm, Vênh váo như bố vợ cậu ấm, Mép thợ ngôi, Gái goá lo việc triều đình, Tiền đúc sen… Không những thế, còn nhiều, rất nhiều từ khác nữa, ta hiểu thế nào cho đúng các từ này?

Do hiểu không đúng, một lẽ đơn giản là câu đó dẫn tới nhiều dị bản, ví dụ: Làm cách sạch ruột hay Làm khách sạch ruột, Vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm hay mọc đuôi tôm?...  Mà cái gì không hiểu, không biết thì phải học. Động lực thực hiện bộ sách này ròng rã trong vòng mười năm của tôi là một quá trình tự học, nỗ lực của bản thân với ước mong được hiểu thêm vài từ Tiếng Việt.

Bộ sách "Văn hoá Việt nhìn từ Tiếng Việt" của nhà thơ Lê Minh Quốc. Ảnh: NVCC.

. Có thể nói, ấn tượng đầu tiên của bộ sách là ngay ở những tựa đề của từng tập với những từ láy được sử dụng. Bên cạnh việc đề cập đến những việc phải bàn thì việc dùng từ láy như thế này anh có hàm ý gì nữa không?

+ Trước hết phải nói ngay, với nhan đề Chơi chữ chanh chua chan chát chữ (bàn về ăn, ăn chơi), Lưỡi lươn lẹo lẹ làng lắt léo (bàn về ăn nói, cười chơi), Dích dắc dặt dìu dư dí dỏm (bàn về ăn học, ăn ở), trong đó, có thật sự là “từ láy” hay không thì ra còn phải bàn lại.

Xin kể một câu chuyện nhỏ, khi gặp một từ khó giải thích, tôi luôn nhớ lại rằng, trong cuộc Hội thảo Cao Xuân Hạo với ngôn ngữ học Việt Nam Nam do Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam & Hội Ngôn ngữ TP.HCM tổ chức ngày 23-12-2017, học giả An Chi đã đặt vấn đề khiến cụ “phải hoài nghi về sự tồn tại của hiện tượng từ láy” và cụ đã chứng minh: “Các thành tố trước hoặc sau của tổ hợp “láy” là hình vị gốc Hán, có nghĩa rõ ràng, cụ thể”. Đây cũng là quan điểm mà trước đó, nhà ngôn ngữ học tài ba Cao Xuân Hạo đã khẳng định.

Từ đó, theo cụ An Chi trong từ điển về từ láy hiện nay thì “có nhiều mục từ phải được bóc gỡ đi cái nhãn hiệu “từ láy” nếu ta xét về phương tiện tạo từ”. Ở đây, với các đặt nhan đề như trên, tôi muốn chứng minh, trong Tiếng Việt dù chỉ sử dụng một chữ cái/mẫu tự nào người ta cũng có thể nói/viết thành câu rõ ràng ngữ nghĩa; hơn cả thế, còn có thể viết thành thơ mà khi đọc lên vẫn du dương vần điệu. Do đó, ở tay gấp của mỗi tập sách, tôi có cho bài thơ với những câu như: “chơi chữ chanh chua chan chát chữ/ ví von văn vẻ vẫn vèo vèo/ lưỡi lươn lẹo lẹ làng lắt léo/ rộn ràng, rổn rảng, rập rềnh, reo...”.

. Theo anh chia sẻ, "Văn hoá Việt nhìn từ Tiếng Việt" là bộ sách được anh thu thập, tìm tòi, ghi nhận cũng như trải nghiệm. Vậy sự trải nghiệm ở đây là gì? Còn việc thu thập, tìm tòi thì như thế nào?

+ Trải nghiệm ở đây là lúc tôi học được cách nói/nghệ thuật ăn nói của ông bà mình trong mọi tình huống, mọi ngữ cảnh, mọi đối tượng đã sử dụng từ cực kỳ chính xác và đắc địa. Bài học này, tôi đã chứng minh trong bộ sách, bạn đọc sẽ rõ.

Còn công việc thu thập tìm tòi, với tôi vẫn là tìm về các vốn từ đó trong nhiều từ điển, tác phẩm văn học xưa nay, kể cả công trình nghiên cứu lịch sử- văn hoá, rồi các sinh hoạt, lễ nghi, hội hè… Tất nhiên còn phải thu tập lời ăn tiếng nói ngay trong thời mình đang sống, đó là nhưng “bậc thầy” đáng kính của tôi. 

. Với bộ sách này của mình, anh tâm đắc nhất điều gì?

+ Tôi tâm đắc vẫn là chứng minh một điều có thể nhiều người cho rằng thừa, không đáng kể, không có gì "ghê gớm", rằng, đã là người Việt nếu thật sự yêu tiếng Việt thì bất kỳ ai cũng có thể bàn về/viết về/tranh luận về/tìm hiểu về tiếng Việt. Mà mọi sự đóng góp đó đều hữu ích và đáng trân trọng.

"Tiếng mẹ đẻ là tài sản quý báu của dân tộc Việt"

. Ngôn ngữ là bộ môn thường bị cho là khô khan. Trong bộ sách này, anh có nghĩ việc kết hợp nhiều yếu tố như những điển tích, truy vết nguồn gốc câu chuyện hay ca dao tục ngữ sẽ khiến độc giả trẻ hứng thú?

+ Bạn nói đúng. Chính vì như thế, ở bộ sách này, ngoài đóng góp ngoài mặt học thuật mà trong đó có những vấn đề tôi tin ngay cả các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học hiện nay phải thừa nhận thì còn là cách thể hiện nữa.

Tôi chọn cách viết kết hợp nhiều lĩnh vực như bạn đã biết và văn phong thể hiện vẫn là trò chuyện, tâm tình, trao đổi thân mật và học hỏi lẫn nhau để tạo ra sự gần gũi.

Giữa người viết và người đọc là người bạn đang cùng học tiếng Việt, do đó tôi không lớn tiếng phê phán, châm biếm, chỉ trích khi tranh luận với bất cứ ai về từ/ vốn từ nào đó, dù cả hai có cách hiểu khác nhau.

. Anh mong muốn và gửi gắm điều gì qua bộ sách này?

+ Điều này tôi đã nói rõ trong Lời nói đầu: "Thiết nghĩ, vào tháng 11- 1999, khi UNESCO quyết định công bố: Ngày 21-2, hằng năm là ngày Quốc tế Tiếng mẹ đẻ, đây chính là khẳng định về sự bình đẳng ngôn ngữ của mọi dân tộc.

Nhân kỷ niệm lần thứ nhất ngày ra đời sự kiện này, tại trụ sở UNESCO đã ghi câu: “Trong dải ngân hà các ngôn ngữ, mỗi từ là một vì sao” - đã được dịch ra 64 thứ tiếng. Tiếp nhận một thông tin lý thú, hẳn chúng ta lại nghe vang vọng câu thơ ghi trên bức tranh của người Maori (New Zealand): Tiếng nói, vật sở hữu quý giá nhất của tôi/ Tiếng nói, vật trìu mến của tôi/ Tiếng nói, vật trang hoàng sáng giá của tôi". Vâng, không một giá trị vật chất nào có thể sánh bằng.

Và chúng ta yêu lấy Tiếng Việt/ tiếng ra, tiếng mẹ đẻ là một lẽ tự nhiên đã hình thành ngay từ trong máu thịt, từ lúc cất tiếng khóc 'oe oe' lọt lòng mẹ. Tiếng mẹ đẻ là tài sản quý báu của dân tộc Việt khi ta giữ lấy và yêu lấy cũng là một cách thể hiện tấm lòng yêu non sông gấm vóc:

"Hồn nước nằm trong hồn Tiếng Việt

Tiếng ta tự tại tới trường tồn…".

Nhà thơ Lê Minh Quốc và bộ sách "Văn hoá Việt nhìn từ Tiếng Việt". Ảnh: NVCC.

. Theo tựa đề anh viết thì đây là bộ sách chưa kết thúc. Hẳn thời gian tới anh sẽ cho ra mắt những bộ sách phong phú hơn?

+ Vẫn như những gì tôi đã viết, tức là vẫn tiếp tục trò chuyện cùng bạn đọc về chữ nghĩa qua chủ đề bàn về ăn, ăn chơi, ăn nói, cười chơi, học, ăn ở xưa nay của người Việt.

Công việc này làm biết bao giờ cho xong và tôi tự ý thức rằng những bộ sách một người dù tài ba lỗi lạc đến đâu cũng không thể hoàn thành, phải là công sức đóng góp của nhiều, rất nhiều người. Bộ sách này là một thí dụ.

Nói cách khác, đây cũng là một lối "Đánh trống qua cửa nhà sấm" không sao cả. Việc làm này được thực hiện do động lực duy nhất: Học Tiếng Việt vì tình yêu máu thịt dành cho Tiếng Việt.

. Cảm ơn anh về buổi trò chuyện này!

Nhà thơ Lê Minh Quốc: ‘Học tiếng Việt vì tình yêu máu thịt dành cho tiếng Việt’ ảnh 3

Nhà văn, nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc sinh năm 1959 tại Đà Nẵng. Từ năm 1988, ông làm việc tại báo Phụ nữ TP.HCM, là cây viết về văn học nghệ thuật và giữ chức Trưởng ban Văn hóa - Văn nghệ nhiều năm liền.

Trong lĩnh vực sáng tác, Lê Minh Quốc là tác giả của hơn 50 đầu sách gồm 14 tập thơ, 14 bút ký, 8 truyện dài, 5 tiểu thuyết và 14 biên khảo.

Ông được trao giải nhất thơ nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Lực lượng Thanh niên xung phong (1985), giải B cuộc thi viết về Tòa án nhân dân tối cao (2016), giải C Giải thưởng Sách quốc gia với tập thơ Chào thế giới, bây giờ con đã đến (2020)… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm