Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thử thách bạn đọc với 'Tiệm sách của nàng'

(PLO)- Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh muốn thử sức thói quen viết của mình, cũng là thử thách thói quen đọc của độc giả thông qua cách viết "3 trong 1" trong tác phẩm "Tiệm sách của nàng".

Sáng ngày 5-12, NXB Trẻ cùng Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã có buổi giao lưu ra mắt tác phẩm Tiệm sách của nàng.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tại buổi ra mắt tác phẩm Tiệm sách của nàng.

Đây là tác phẩm "3 trong 1" đầu tiên của Nguyễn Nhật Ánh: Ba câu chuyện cùng được kể song song là Tiệm sách của nàng, Trước tuổi mười lămBên kia đồi Quạ, với kết cấu “truyện trong truyện”.

Tại buổi giao lưu, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết nguồn cảm hứng để ông viết Tiệm sách của nàng bởi lúc nhỏ đọc các tác phẩm của các nhà văn Tô Hoài hay các tác phẩm Những người khốn khổ, Không gia đình, nên rất mê và mong muốn lớn lên trở thành nhà văn.

"Nếu không trở thành nhà văn thì cũng phải là chủ một tiệm sách. Và điều may mắn, tôi đã trở thành nhà văn và mở một tiệm sách.

Tiệm sách ấy có tên Kính Vạn Hoa nằm trên con đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 nhưng tiếc là nó đã đóng cửa. Kính Vạn Hoa tồn tại hơn 10 năm, để lại nhiều kỉ niệm, kí ức, và tạo cảm hứng cho tôi viết nên Tiệm sách của nàng" – nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ về tác phẩm

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng cho biết viết cuốn sách này, ông phải dụng công và vất vả hơn nhiều tác phẩm khác.

Mỗi câu chuyện có bút pháp, văn phong riêng, đồng thời phải nhuần nhuyễn tạo thành một mạch tổng thể hợp lý.

Nếu như ở những tác phẩm trước như Lá nằm trong lá, Cảm ơn người lớn vận dụng kết cấu “Truyện trong truyện” và dừng ở mức độ “2 trong 1” thì lần trở lại này với Tiệm sách của nàng, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh muốn thử sức thói quen viết của mình, cũng là thử thách thói quen đọc của độc giả.

Tác phẩm Tiệm sách của nàng

Nói về cách kể chuyện “3 trong 1” mà bản thân muốn thực hiện từ lâu nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho rằng dù ông biết cấu trúc kiểu này dễ ngắt mạch cảm xúc của người thưởng thức, giống như bạn đang xem một vở kịch “gián cách” so với thể loại kịch “giao cảm” quen thuộc, nhưng nếu đã vượt qua được trở ngại đó rồi, độc giả sẽ nhận được trải nghiệm thú vị.

"Tuy vậy trong cuốn sách này, tôi vẫn cố gắng dung hòa cả hai lối viết và bạn đọc vẫn có thể nhận ra "dấu tay" của tác giả trên từng trang sách" – nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho hay.

Tiệm sách của nàng lấy bối cảnh xuyên suốt ở một hiệu sách. Nơi đó, nhân vật chính đã tình cờ được ôn lại tuổi niên thiếu của mình, qua góc nhìn của hai người bạn cũ năm xưa.

Câu chuyện được chuyển cảnh về với thị trấn Hà Lam thuộc huyện Thăng Bình (cách làng Đo Đo không xa) - một bối cảnh khá quen thuộc từng xuất hiện trong một số sáng tác trước đây của nhà văn.

Điều này giúp nhân vật chính dần cởi bỏ được những khúc mắc trong quá khứ, thấu hiểu và cảm thông hơn cho chính bản thân mình và những người thân yêu xung quanh.

Nguyễn Nhật Ánh cho biết ở Tiệm sách của nàng, độc giả vẫn bắt gặp một đặc trưng xuyên suốt những tác phẩm của ông, đó là tinh thần đề cao sự tử tế và tính nhân văn.

Trong cuốn sách này, những nhân vật, vốn là những người bình thường như bao người, không tránh được mắc phải lầm lỗi. Nhưng sau cùng, họ luôn biết nhìn lại, hối cải. Hình ảnh những người mẹ tảo tần hy sinh cũng được tác giả khéo léo lồng ghép trong câu chuyện.

Chính nhờ tình yêu thương và lòng bao dung của những người xung quanh mà mỗi người có thể mở lòng và hòa nhập lại với cuộc sống xung quanh sau những tổn thương, biến cố.

Ngoài ra, trong sách cũng xuất hiện bài thơ khá dễ thương của một tác giả nổi tiếng với nhiều bài thơ hay như Nguyễn Nhật Ánh.

Trả lời về câu hỏi tại sao trong tác phẩm Tiệm sách của nàng, thơ trong văn ít hơn so với các tác phẩm trước, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho hay một cuốn truyện vắng bóng thơ cũng chỉ là điều bình thường.

"Thêm thơ trong văn, tập thơ mơ mộng và lung linh hơn, vậy nên phải hợp lý mới đưa vào. Đối với tác phẩm lần này, không cần thiết thêm thơ quá nhiều, đưa thơ ít nhưng duyên dáng là được" – nhà văn bày tỏ.

Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, ông không để thời gian đuổi kịp mình, không có chuyện nghỉ hưu với một nhà văn. Bản thân ông luôn cọ xát chữ nghĩa, tắm mình trong chữ nghĩa, đây là thói quen và niềm vui lao động của nhà văn.

Vấn đề đặt tên cho các nhân vật, vừa là ngẫu hứng vừa là tính toán, chính câu chuyện và cuộc đời sẽ khiến những cái tên ấy trở nên hợp lý, tỏa hương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới