Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí vừa có báo cáo công tác gửi tới kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV. Đáng chú ý, báo cáo dành một phần nêu về những vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực, hoạt động tư pháp năm 2022.
Bốn bị can là cán bộ công an bị khởi tố về tội dùng nhục hình
Trong hoạt động điều tra vụ án hình sự, báo cáo của Viện trưởng VKSND Tối cao cho hay cơ quan điều tra (CQĐT) còn để xảy ra những vi phạm pháp luật trong hoạt động khởi tố, điều tra vụ án hình sự. Những “điển hình” được dẫn trong báo cáo là việc không thụ lý giải quyết hoặc thụ lý giải quyết không đúng thẩm quyền một số nguồn tin về tội phạm; vi phạm thời hạn điều tra; vi phạm pháp luật trong việc thu thập, bảo quản và xử lý vật chứng; việc bố trí tạm giữ, tạm giam không đúng quy định...
Kiều Văn Tiến trốn khỏi bệnh viện tâm thần, ra ngoài điều hành đường dây tín dụng đen. |
Ngoài ra, công tác quản lý, canh gác, tuần tra, lục soát còn sơ hở, chưa chặt chẽ để người bị tạm giữ, người bị tạm giam trốn, chết do tự sát, cất giấu vật cấm tại buồng giam, giữ; việc thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam chưa đảm bảo.
“Vẫn còn xảy ra trường hợp cán bộ, chiến sĩ cơ sở giam giữ dùng nhục hình đối với người bị tạm giữ, tạm giam dẫn đến chết” - báo cáo nêu ba vụ việc với ba trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam chết do bị dùng nhục hình xảy ra tại nhà tạm giữ Công an quận 11 (TP.HCM); huyện Đức Hòa (Long An); huyện Vũ Thư (Thái Bình).
Theo Viện trưởng Lê Minh Trí, ngành kiểm sát đã ban hành 5.840 kiến nghị, kháng nghị yêu cầu CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật và đã được chấp nhận, tiếp thu 5.828 kiến nghị, kháng nghị (đạt tỉ lệ 99,8%).
Ngoài ra, có trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng, CQĐT VKSND Tối cao đã thụ lý, điều tra 32 vụ/40 bị can là cán bộ ngành công an để xử lý về các tội: Dùng nhục hình; ra quyết định trái pháp luật; làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc; không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản…
Trong số này, tội dùng nhục hình có ba vụ (bốn bị can); làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc có hai vụ (bốn bị can); ba vụ không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội (ba bị can)…
40 vụ án về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong
hoạt động tư pháp
Năm 2022, CQĐT VKSND Tối cao tiếp nhận hơn 2.700 thông tin về tội phạm; đã xử lý, giải quyết gần 2.580 thông tin, đạt tỉ lệ 95,1%.
Cơ quan này cũng đã thụ lý giải quyết 168 nguồn tin về tội phạm, đã giải quyết đạt tỉ lệ hơn 70%, trong đó đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng trong hoạt động tư pháp được dư luận xã hội quan tâm.
Cụ thể, đã thụ lý điều tra 61 vụ/72 bị can, trong đó có 40 vụ/48 bị can về tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp (chiếm 65,6%); đã xử lý, giải quyết 43 vụ/55 bị can.
Quản lý lỏng lẻo, nhiều người trốn khỏi cơ sở chữa bệnh bắt buộc
Trong hoạt động thi hành án (THA) hình sự, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết cơ quan THA hình sự còn để xảy ra nhiều vi phạm pháp luật. Đáng chú ý, ngành kiểm sát đã phát hiện một số vi phạm trong thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh tại cơ sở chữa bệnh bắt buộc, trong đó có việc lợi dụng sự quản lý, kiểm tra lỏng lẻo để trốn khỏi cơ sở chữa bệnh bắt buộc.
Báo cáo dẫn chứng trong tháng 12-2021, BV Tâm thần trung ương 1 xảy ra nhiều trường hợp người đang bị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh trốn ra ngoài tại các thời điểm khác nhau.
Ngoài ra, có trường hợp trốn khỏi cơ sở chữa bệnh bắt buộc, sau đó phạm tội mới. Điển hình là trường hợp Kiều Văn Tiến (sinh năm 1995, trú TP Hà Nội) bị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh từ năm 2018. Ngày 24-5-2021, Tiến bỏ trốn khỏi BV Tâm thần trung ương 1. Hơn bảy tháng sau đó, Kiều Văn Tiến và đồng phạm bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và tàng trữ trái phép chất ma túy.
Với công tác THA dân sự, báo cáo của Viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng vẫn xảy ra một số vi phạm pháp luật như: Vi phạm trong việc tiếp nhận, thụ lý đơn yêu cầu THA; vi phạm trong phân loại, xác minh điều kiện THA; một số đơn vị để xảy ra vi phạm pháp luật trong việc xử lý vật chứng…
Đáng chú ý, năm 2022 CQĐT VKSND Tối cao thụ lý, điều tra 11 vụ án với 11 bị can là cán bộ cơ quan THA dân sự về các tội tham ô tài sản; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Ba cán bộ ngành tòa án bị khởi tố tội nhận hối lộ
Đáng chú ý, trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, ngành kiểm sát đã phát hiện một số hạn chế, thiếu sót của cán bộ trong chính ngành của mình. Cụ thể, một số vụ án, tòa án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung yêu cầu khởi tố tội phạm mới và người phạm tội mới, một số vụ án phải rút một phần quyết định truy tố...
Đặc biệt, CQĐT VKSND Tối cao đã thụ lý, điều tra bốn vụ/tám bị can là công chức ngành kiểm sát để xử lý theo quy định pháp luật về các tội: Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội; nhận hối lộ và môi giới hối lộ.
Trong hoạt động xét xử, báo cáo cho hay quá trình kiểm sát, ngành kiểm sát đã phát hiện một số tòa án còn để xảy ra những vi phạm pháp luật về thời hạn chuẩn bị xét xử, hoãn phiên tòa; gửi, tống đạt bản án, quyết định của tòa án…
Theo đó, ngành kiểm sát đã ban hành gần 3.000 kháng nghị và gần 3.160 kiến nghị yêu cầu tòa án khắc phục vi phạm (tăng 5,2%). Tòa án đã chấp nhận 99,6% kiến nghị của VKS, vượt 19,6% so với chỉ tiêu của Quốc hội.
Cũng theo báo cáo, CQĐT VKSND Tối cao thụ lý, điều tra tám vụ/tám bị can là cán bộ ngành tòa án về các tội: Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc; ra quyết định trái pháp luật; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; giả mạo trong công tác... Trong số này, tội nhận hối lộ có ba vụ với ba bị can.