Chưa đầy hai tháng trước và sau Tết, cả loạt căn nhà kiên cố được điềm nhiên xây dựng không phép trên đất nông nghiệp. Cạnh đó, nhiều nền đất đã hoàn thành móng, đang chuẩn bị xây... giữa những cánh đồng cỏ trống trải.
Thực trạng này vừa được báo Pháp Luật TP.HCM phát hiện tại hai xã Vĩnh Lộc A và B, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Điểm chung của các căn nhà này là lúc đầu “mặc áo giáp” bằng tôn bên ngoài, sau gần tháng trời khẩn trương thi công thì được hoàn thiện bên trong và thành hình. Chúng nằm trên các thửa đất nông nghiệp được phân lô 4 x 15 m hoặc 4 x 16 m, mua bán giấy tay, khoảng 700 triệu đồng. Người mua giao thêm cho chủ thầu chừng 350 triệu đồng là… xong. Các chủ thầu đã ung dung xây mà không bị ai kiểm tra, xử phạt, bắt buộc tháo dỡ.
Cần lưu ý là ở Bình Chánh, nhất là ở hai xã trên, chuyện xây dựng không phép không phải giờ mới được báo động. Năm 2018, huyện này phát hiện gần 900 trường hợp vi phạm xây dựng (ý là đã có giảm so với năm 2017 như nhận định của huyện)! Trong số đó, xã Vĩnh Lộc A có 260 trường hợp, Vĩnh Lộc B có 251 trường hợp.
Điều đáng nói là khi bị lộ, chính quyền cứ nại ra những lý do tựa như ở các vụ vi phạm rầm rộ tương tự trước đó tại huyện. Đó là cán bộ địa bàn kiểm soát không xuể (trong khi theo Thanh tra xây dựng TP.HCM thì gần đây có một số trường hợp các cán bộ đó biết nhưng đã không xử lý). Rồi thì là có nghe nói việc lo lót mà không có bằng chứng; có lập hồ sơ cưỡng chế vài trường hợp mà chưa làm… Điệp khúc tiếp theo là sẽ đề nghị công an xác minh; lập đoàn thanh tra; xử lý kỷ luật tập thể, cá nhân có liên quan đến sai phạm.
Diễn tiến của vụ việc làm người viết liên tưởng đến những cuộc rượt đuổi của trò cút bắt mà từ bé đến lớn ai cũng chơi. Với trò chơi thì sự chạy trốn và tìm thấy nhau ngắn, thú vị. Với các trường hợp xây lụi thì sự chạy trốn và tìm thấy nhau lại rất dài, đầy cay đắng.
Cuộc rượt đuổi được bắt đầu khi những chủ nhà tìm cách lẩn tránh việc công khai xử lý vi phạm của các nhân sự có thẩm quyền. Cách thức lẩn tránh không quá khó để suy đoán, xác định theo thú nhận của các cò đất và chủ nhà, chủ thầu với báo Pháp Luật TP.HCM: “Chung chi là xây được hết!”. Kế tiếp, những nhân sự được giao nhiệm vụ bắt vi phạm thì né tránh trách nhiệm bằng cách nói mình đã không biết, không thấy, không làm gì để mang lại lợi ích cho người vi phạm.
Đối lại, những nhân sự khác trong bộ máy cất công đi tìm những đầu nậu, chủ nhà sai phạm để trừng trị. Cùng với đó là sự truy lùng những đồng nghiệp do tắc trách hay do tiêu cực đã để xảy ra vi phạm. Quá trình tìm kiếm có thể lúc được, lúc không và thường được kết thúc không có hậu.
Việc khắc phục hậu quả nếu tỉ lệ thấp hoặc không được thực hiện thì đồng nghĩa là pháp luật không nghiêm, gây mất công bằng, bị coi thường. Hậu quả còn là quy hoạch bị phá vỡ, gây khó cho công tác quản lý, phát triển đô thị về sau...
Ngược lại, tỉ lệ này nếu cao thì đồng nghĩa là có rất nhiều căn nhà đã hoặc sẽ bị cưỡng chế đập bỏ khiến khổ chủ bị nhiều thiệt hại, xã hội cảm thấy xót xa cho những tổn thất. Đi kèm theo còn là sự rơi rụng của nhiều nhân sự hết đợt này đến đợt khác bởi những án kỷ luật, trong đó có những án nặng như sa thải, cách chức.
Có cách nào khác để các bên thôi đi trò cút bắt nghiệt ngã như thế hay không?
Thay vì buông lỏng quản lý và bị động, vất vả chạy theo sau để giải quyết hậu quả mà đa phần là bất thành, lãnh đạo huyện sẽ khẩn trương rà soát toàn bộ quy hoạch theo như đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn?
Quy hoạch nào bất hợp lý thì điều chỉnh ngay để người dân có thêm cơ hội được sở hữu nhà hợp pháp; quy hoạch nào hợp lý thì chủ động tổ chức lực lượng giữ đất, giữ nguyên quy hoạch bằng được để khi có điều kiện thì triển khai nhanh. Được không?
Hay như trước các thông tin “chung chi”, không phát hiện ngay hoặc không xử lý dứt điểm, thay vì dễ dàng khoát tay do không điều tra ra, chính quyền sẽ xử lý thích đáng hơn các nhân sự có liên can vì lỗi thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Được không?
Trở lại trò cút bắt, chắc chắn những người dân lương thiện và các viên chức liêm khiết của chính quyền không ai thích chơi trò này với nhau, nhất là trong chuyện an cư, lạc nghiệp.