Nhân vụ việc clip 'vòi tiền' tại BV K: Sự khác nhau giữa 1 tuần và 2 ngày

PLO xin giới thiệu đến bạn đọc góc nhìn của bác sĩ Võ Xuân Sơnxung quanh vụ việc đáng tiếc này: 

Một người bệnh làm Giải phẫu bệnh, khi lấy giấy biên nhận, hẹn 1 tuần có kết quả. Người bệnh không đồng ý, muốn nhanh hơn, cô nhân viên nói, nếu muốn nhanh ra ngoài đóng thêm 200.000 đồng, 2 ngày có kết quả. Gia đình bệnh nhân bật máy quay phim, vừa la lối, bắt bẻ, vừa quay phim, sau đó đưa lên mạng.

Nếu không xem được đoạn giải trình của các thầy thuốc thì sẽ không biết là sự việc có thật hay không. Như vậy, đây sẽ là một tiền lệ, bất cứ ai cũng có thể đứng ra chửi, quay phim hay ghi âm lời chửi của mình, gọi đó là bằng chứng về việc vòi vĩnh của nhân viên y tế, rồi đưa lên mạng.

Nói cho công bằng thì cô nhân viên nói không rõ ràng, làm cho người bệnh hiểu lầm rằng ra ngoài đóng 200.000 đồng (đóng cho cô ấy, đóng chui), trong khi cô ấy muốn nói là ra ngoài làm, giá mắc hơn 200,000 đồng. Người bệnh thì chẳng cần tim hiểu gì, mặc định nhân viên y tế là phải vòi vĩnh.

Giải phẫu bệnh là một chuyên ngành vô cùng quan trọng trong ngành y. Kết quả giải phẫu bệnh có tính chất quyết định, được coi là bằng chứng y học chính xác cuối cùng, xác nhận bệnh lí và phủ nhận tất cả các kết quả ngược lại với nó trước đó. Trong bệnh ung thư, giải phẫu bệnh là kết quả có giá trị quyết định nhất trong việc xác nhận ung thư, từ đó có kế hoạch điều trị.

Như vậy, độ chính xác của kết quả giải phẫu bệnh có tầm quan trọng mang tính sống còn. Thế nhưng, độ chính xác đó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó, yếu tố thời gian là một trong các yếu tố quan trọng. Theo một bác sĩ giải phẫu bệnh hàng đầu của Việt nam, 48 giờ có thể đủ cho một qui trình cố định, xử lí mô, đọc và trả kết quả. Tuy nhiên, cũng theo ông, ở những trung tâm lớn trên thế giới, người ta thường trả kết quả sau 1 tuần, thậm chí là 2 tuần.

Sinh thiết lạnh là một kĩ thuật mà người ta đưa mô cần làm giải phẫu bệnh vào môi trường lạnh rồi xử lí, cho kết quả sau 15 phút. Tuy nhiên, nhiều năm trong nghề, chưa bao giờ chúng tôi sử dụng kết quả sinh thiết lạnh như kết quả giải phẫu bệnh cuối cùng, vì độ chính xác của nó không cao. Chúng tôi chỉ dùng nó trong trường hợp cần quyết định xử lí nhanh khi đang mổ, nhưng luôn phải tâm niệm chấp nhận sự sai sót trong kết quả.

Để trả kết quả sớm hơn, có trung tâm dùng các biện pháp làm nóng mô, lắc… có thể có kết quả sau 24 giờ. Tuy nhiên, cách làm này chứa đựng nguy cơ rất cao, do làm hư ADN, không phân tích gen được, cũng như không thể sử dụng hóa mô miễn dịch để chẩn đoán, từ đó làm giảm độ chính xác của kết quả.

Theo vị bác sĩ chuyên ngành Giải phẫu bệnh nói trên, một trong các yếu tố quyết định độ chính xác của kết quả giải phẫu bệnh là khả năng, trình độ của người đọc kết quả. Chính vì vậy mà một số phẫu thuật viên yêu cầu kết quả phải do đích danh bác sĩ nào đó đọc. Đối với một số ca mà phẫu thuật viên nhận định là khó, thường chúng tôi gởi đi 2 nơi. Nếu sau đó kết quả không khớp, chúng tôi yêu cầu “hội chẩn lam”, không được nữa phải làm lại. Vì vậy mà các phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh chính qui thường lưu bệnh phẩm vài tháng dù đã có lam.

Tại sao các trung tâm lớn cần đến 1 tuần hoặc 2 tuần để trả kết quả, trong khi 48 giờ là đã đủ để cho kết quả chính xác? Đó là thời gian để các bác sĩ giải phẫu bệnh xem lại, đối chiếu, nếu cần thiết phải hội chẩn với nhiều bác sĩ khác nhau. Ở những trung tâm lớn, có hàng trăm bệnh phẩm một ngày, trong khi có những bệnh khó, các bác sĩ phải mất rất nhiều thời gian để đọc. Nếu muốn nhiều bác sĩ xem để đối chiếu, nhất định thời gian phải kéo dài.

Ở những phòng đọc tư nhân, thường lượng bệnh phẩm không nhiều, nên thời gian có thể nhanh hơn. Tuy nhiên, cũng theo chuyên gia giải phẫu bệnh lí nói trên, nếu càng tạo áp lực thời gian cho bác sĩ đọc kết quả, độ chính xác của kết quả càng giảm.

Trở lại câu chuyện gia đình người bệnh quay phim và tung lên mạng ban đầu. Đây là một trong rất nhiều thứ đang hàng ngày làm gia tăng áp lực lên các thầy thuốc. Chúng ta cần biết rằng, những áp lực như vậy không đáng có. Nó có thể tạo ra những sai lệch kết quả, dẫn đến thiệt hại to lớn cho người bệnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới