Nhậu tới bến và những cái kết khủng khiếp

LTS: Nhiều ý kiến cho rằng việc xử phạt nặng người vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019 là cần thiết. Bởi phạt nặng, nghiêm minh mới đủ sức răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm giao thông. Nhưng bên cạnh giải pháp trên cần thêm nhiều giải pháp khác như tăng thuế với rượu, bia nhằm đánh mạnh vào “nồi cơm, manh áo” khiến mọi người phải cân nhắc.

Đã thành thông lệ, những ngày cuối năm, sức tiêu thụ bia, rượu lại tăng mạnh, lượng khách đến các quán nhậu cũng đông hơn bình thường. Nhưng sử dụng rượu, bia xả láng, quá đà có thể dẫn đến nhiều hệ lụy đau lòng.

Say mèm vẫn chạy xe máy, ô tô

Ăn nhậu dường như đã trở thành thói quen của nhiều người dân ở TP.HCM và đó cũng là cơ hội kinh doanh cho nhiều quán nhậu. Đơn cử, từ khi đại lộ Phạm Văn Đồng hoàn thành đến nay nó đã trở thành “đại lộ ăn nhậu”. Số lượng quán nhậu tại đây mọc lên như nấm sau mưa, san sát nhau nhưng khách càng ngày càng đông.

Mới 16 giờ ngày đầu tuần nhưng các quán nhậu trên tuyến đường này đã bắt đầu đông khách. Bàn ghế được sắp dày từ trong quán lấn ra dọc vỉa hè, tiếng zô zô zô… trong các quán bắt đầu vang lên. Đến khoảng 19-20 giờ hằng ngày, nhiều quán đã chật kín, bãi xe máy, ô tô để lấn hết cả lối dành cho người đi bộ.

Minh Đức, một người làm trong lĩnh vực môi giới nhà, đất, chia sẻ trước đây gần như tối nào anh cũng cùng vài người bạn ra quán dọc đường Phạm Văn Đồng lai rai vài ba chai, có hôm đông vui thì “làm tới bến”. Thông thường khoảng 22 giờ hoặc có khi tới 0 giờ mới chạy xe về dù đã ngà ngà say.

“Thấy kinh doanh quán nhậu có vẻ khấm khá nên mới đây mình mở quán bia nho nhỏ trên đường này, kinh doanh cũng ổn, khách chủ yếu là các bạn trẻ. Có điều khi nhảy vào kinh doanh lĩnh vực này mới thấy có nhiều… rắc rối, đau đầu. Ví dụ, có nhiều người nhậu xỉn quá ói ngay tại bàn, hôi hám không chịu nổi, khách bỏ của chạy lấy người. Tình trạng khách say dẫn đến xô xát, gây gổ, đánh lộn… không phải là hiếm” - Đức kể.

Nhân viên một quán nhậu có tiếng ở quận Gò Vấp cho biết đêm nào quán cũng đông khách, tính trung bình khoảng trên dưới 400 khách mỗi ngày.

“Khách uống ngà ngà mà vẫn chạy xe về là chuyện thường. Thậm chí có khách say bí tỉ, dắt xe không nổi vẫn cứ chạy xe, ai khuyên can cũng không được vì có ai say mà tự thừa nhận mình say đâu. Không chỉ xe máy mà cả khách lái ô tô cũng uống rất nhiều bia, rượu. Có ông mới chạy ra khỏi quán một đoạn đã tông cột điện, va quẹt thấy ớn” - nhân viên này kể.

Tài xế lái xe container tông chết bốn người ở Long An do dương tính với heroin và còn có nồng độ cồn cao. Ảnh: CTV

Quán nhậu mọc lên như nấm khắp nơi. Ảnh: HOÀNG GIANG

CSGT đo nồng độ cồn tài xế ở quận 2, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đằng sau những cuộc vui tới bến

Thực tế cho thấy đằng sau những cuộc vui bia, rượu tới bến có khi là những vụ tai nạn đau lòng. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trung bình mỗi năm trên địa bàn cả nước có tới 15.000 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó khoảng 4.800 trường hợp có liên quan đến việc sử dụng bia, rượu.

Kết quả một khảo sát do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với một số đơn vị liên quan thực hiện cũng cho thấy: Tỉ lệ thực khách tự điều khiển xe sau khi uống rượu, bia chiếm 68%, trong đó khoảng 40% trong tình trạng bị say. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm do lái xe sử dụng rượu, bia, chất kích thích, gây bức xúc dư luận.

Điển hình như hồi tháng 11-2019, một vụ tai nạn thảm khốc xảy ra ở huyện Đông Hòa, Phú Yên khi chiếc xe bán tải tông vào hai mô tô và một xe đạp điện. Vụ tai nạn kinh hoàng làm bốn người chết, trong đó có một cháu mới sáu tuổi và một cháu 14 tuổi; ba nạn nhân bị thương nặng, trong đó có cháu mới chín tháng tuổi.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định tài xế điều khiển xe bán tải (Võ Duy Đô, 32 tuổi, ngụ xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa) gây tai nạn thảm khốc không có giấy phép lái xe. Đặc biệt, tại thời điểm gây ra tai nạn, hơi thở của người này có mùi rượu, bia với chỉ số nồng độ cồn vượt quá mức quy định, không tuân thủ quy định về tốc độ.

Trước đó, ngày 2-1-2019, tại xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Xe container do Phạm Thành Hiếu (SN 1987, ngụ huyện Bến Lức) điều khiển, khi đến ngã tư Bình Nhựt đã đột nhiên tăng tốc, lao thẳng vào những người dừng chờ đèn đỏ khiến bốn người chết, 18 người bị thương. Kết quả kiểm tra cho thấy tài xế đã sử dụng bia, rượu và dương tính với ma túy.

Đổ bệnh vì uống nhiều bia, rượu

Theo BS Võ Hồng Minh Công, Trưởng khoa Nội tiêu hóa BV Nhân dân Gia Định, rượu, bia là chất kích thích, khi uống vào 20% được hấp thụ ở dạ dày và 80% hấp thụ ở ruột non. Sự hấp thụ này sẽ tác động lên não, làm các phản ứng của não trở nên chậm chạp, không kiểm soát được hành vi, đi loạng choạng, gây buồn ngủ, không làm chủ được bản thân, dễ dẫn đến sai sót.

“Người nghiện rượu, bia lâu ngày có khả năng bị teo não, uống rượu nhiều dẫn đến ngộ độc rượu, những người nghiện rượu sẽ lệ thuộc rượu, nếu không có rượu tay chân run, miệng nói lắp, chậm chạp. Ngoài ra, rượu, bia còn ảnh hưởng hệ thống thần kinh ngoại biên, viêm thần kinh ngoại biên làm tê tay, tê chân như kiến bò, teo cơ” - BS Công nêu thực tế.

Ngoài tác động lên não, rượu, bia còn có rất nhiều tác hại ảnh hưởng đến tim mạch, dạ dày, gan, tụy... Tại Khoa nội tiêu hóa BV Nhân dân Gia Định, BS Công cho biết có nhiều người nhập viện điều trị xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày, vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, viêm gan do rượu, gan nhiễm mỡ, xơ gan cổ trướng do rượu, bia.

50.000 tỉ đồng để giải quyết hậu quả

Theo Bộ Y tế, sáu loại ung thư phổ biến tại Việt Nam liên quan đến sử dụng rượu, bia như ung thư gan, đại trực tràng, khoang miệng, dạ dày, vú, cổ tử cung. Tổng chi phí y tế cho điều trị các bệnh ung thư này tốn gần 26.000 tỉ đồng, chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017. Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm 1% GDP, tương đương 50.000 tỉ đồng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới