Trong tuần, những thông tin về mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019 được nhiều bạn đọc quan tâm. Nghị định 100/2019 (thay thế Nghị định 46/2016) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Nghị định 100/2019 có nhiều điểm mới. Trong đó, điều khoản được nhiều người dân quan tâm là mức phạt cho các trường hợp vi phạm nồng độ cồn tăng mạnh so với quy định cũ trước đó.
Hạn chế rượu, bia đỡ tốn tiền, có sức khỏe
Theo bạn MinhSon: “Tôi là người uống không tệ và cũng thích uống nhưng tôi ủng hộ việc phạt nặng uống rượu, bia mà vẫn lái xe. Một đất nước văn minh trước hết phải là một đất nước có kỷ cương. Nếu không muốn bị phạt thì đừng uống. Không thể vừa muốn an toàn lại vừa được nhậu rồi lên xe chạy thoải mái”.
“Luật không cấm sản xuất, uống rượu, bia nhưng cấm mọi người sử dụng rượu, bia rồi lái xe. Cấm như thế sẽ có nhiều người không vui, nhưng chỉ là cảm xúc thời gian đầu. Sử dụng rượu, bia khi lái xe nguy hiểm như thế nào thì mọi người đều biết rồi. Suy đi nghĩ lại thì phạt nặng như thế cũng để răn đe và có lợi cho bản thân mình thôi” là ý kiến của bạn Louis Trương.
Bạn MinhTam ý kiến: “Với mức phạt nghiêm như hiện nay, đi ăn nhậu không chỉ tốn tiền mà còn phát sinh thêm cái khoản phí thuê xe về nhà. Mấy ông nhậu trả tiền bạc triệu cho các chầu nhậu thì không tiếc nhưng trả một, hai trăm ngàn tiền xe ôm, taxi thì lại tiếc. Có bia rượu vô thì lúc nào cũng nghĩ mình là anh hùng, chạy xe về là chuyện nhỏ. Tốt nhất nên hạn chế sử dụng bia, rượu để không tốn tiền bạc, giữ sức khỏe cho mình. Đừng để khi xảy ra tai nạn, gây hậu quả thì hối hận cũng đã muộn”.
Về việc nhà hàng, quán nhậu đưa khách về sau khi nhậu, bạn đọc Thanh Tuấn ý kiến: “Nhà hàng, quán nhậu làm như thế cũng có cái hay, cái dở của nó. Hay là biết tôn trọng, giữ khách của mình, dở là không lường hết được những tình huống phát sinh nguy hiểm cho khách và cả người đưa về. Quán có đảm bảo người đưa khách về có thật tình không, hay khách là người xấu, lợi dụng việc này để cướp tài sản…”.
Cảnh sát giao thông TP.HCM kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển xe. Ảnh: TỰ SANG
Đi đám tiệc sao cho không bị “lủng túi” vì đóng phạt
Bạn đọc Hòa Anh nêu ý kiến: “Luật đã ban hành thì phải chấp hành và không nương tay cho những sai phạm. Nếu muốn uống thì kêu taxi, xe ôm chở về cho an toàn, như thế rất văn minh.
Xem biểu đồ thống kê tỉ lệ tiêu thụ rượu, bia ở Việt Nam mà thấy sợ. Ra đường thấy nơi nào cũng có quán nhậu, đến nỗi có cả những con đường, khu phố chuyên phục vụ ăn nhậu. Mong rằng từ năm 2020 trở về sau, với quy định mới về xử phạt vi phạm nồng độ cồn, những con đường, phố ăn nhậu sẽ nhanh chóng bị xóa bỏ”.
Theo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TP.HCM, từ 0 giờ ngày 1-1 đến 6 giờ ngày 3-1, đã kiểm soát 872 trường hợp, lập biên bản 559 trường hợp, tạm giữ 44 xe máy, một ô tô, phạt tại chỗ 86 trường hợp với tổng số tiền phạt 13.130.000 đồng. Trong đó, 70 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 160 trường hợp vi phạm tốc độ, 37 trường hợp chạy ngược chiều và không chấp hành hiệu lệnh đèn, ba trường hợp không đội mũ bảo hiểm, 11 trường hợp không giấy phép lái xe. TỰ SANG |
“Trước đây tôi cứ tưởng ăn nhậu là văn hóa phương Đông nhưng ngẫm lại là sai. Bởi trong các cuộc nhậu chẳng mang lại niềm vui, mà có khi còn xảy ra nhiều tai nạn thương tâm. Xem qua biểu đồ thống kê của một tờ báo, tôi mới biết rằng có quá nhiều người lạm dụng bia, rượu.
Theo tôi, việc nhậu nhẹt, say xỉn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, gây tai nạn cho mình mà ảnh hưởng đến mọi người. Cho nên tôi rất ủng hộ nghị định mới này và mong luật được thực thi nghiêm túc” - bạn đọc An Nguyễn ý kiến.
Bạn đọc Hoàng Anh bình luận: “Luật thì đã có, vấn đề là làm sao để cho người dân nghiêm túc thực hiện. Theo tôi, trước khi bắt tay vào xử phạt thì các cơ quan chức năng phải quán triệt tư tưởng và nói không với nạn mãi lộ. Nếu như người dân vi phạm mà còn tình trạng thỏa hiệp cưa đôi mức xử phạt thì cũng bằng không, không thể răn đe được”.
Cũng theo bạn Nguyễn Tiến Minh: “Với các mức phạt tiền triệu như quy định mới thì ai cũng phải e dè, suy nghĩ khi đi đám tiệc. Giải pháp hay nhất vẫn là uống rượu, bia thì không lái xe, lái xe thì không uống, đã uống thì bắt xe ôm mà về. Giải pháp an toàn cho bản thân và không bị “lủng túi” tiền vì đóng phạt. Mỗi người chúng ta nên chấp hành và dần thay đổi thói quen sử dụng rượu, bia. Đồng thời, nhà chức trách phải rất nghiêm minh, tuyệt đối không để tình trạng thương lượng, mặc cả khi vi phạm pháp luật”.
Tai nạn do rượu, bia để lại hậu quả lâu dài BS NGUYỄN KHẮC VUI Theo tôi, việc đưa ra những quy định mới về tác hại và mức xử phạt liên quan đến bia, rượu về quan điểm của ngành y tế và cá nhân tôi là hết sức phù hợp. Đây là những quy định có lợi cho người dân, bởi trên thực tế rất nhiều vụ tai nạn giao thông ở nước ta liên quan đến bia, rượu. Không uống rượu, bia khi lái xe là một giải pháp hiệu quả nhất để hạn chế tai nạn giao thông. Mức phạt cao cũng nhằm răn đe và thay đổi ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Những người sử dụng rượu, bia đôi khi bị ức chế, đưa đến tình trạng không thể kiểm soát được năng lực hành vi của mình, dẫn đến tình trạng lái xe không bình thường. Một khi đã gây ra hậu quả thì không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn liên lụy những người xung quanh. Hậu quả để lại lâu dài, có người mất đi, người bị thương tật một phần hay vĩnh viễn. BS NGUYỄN KHẮC VUI, Phó Giám đốc BV đa khoa Sài Gòn |