Trước đó, ngày 31-5, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH URC Hà Nội (URC) do có hàng loạt sản phẩm sai phạm vi phạm quy định về xử phạt an toàn vệ sinh thực phẩm với số tiền hơn 5,8 tỉ đồng.
URC đã sản xuất các sản phẩm nước giải khát Rồng đỏ và C2 có hàm lượng chì cao hơn mức công bố. Thông tin trên đã làm dư luận hoang mang, do vào những ngày nắng nóng nhu cầu sử dụng nước giải khát tăng cao.
Ở mức bình thường, quy trình xét nghiệm đánh giá mức độ nhiễm độc chì phải trải qua các xét nghiệm độc chất chì trong máu và các xét nghiệm lâm sàng mới có thể nhận biết được. Vì vậy, trong nhiều trường hợp người nhiễm độc chì nhưng không biết, vô tình dẫn đến những hậu quả không lường trước được.
Theo BS Huỳnh Quang Đại - khoa Nội tổng quát BV ĐH Y Dược TP.HCM - bộ môn Hồi sức Chống độc ĐH Y Dược TP.HCM, đối với người được đưa đi xét nghiệm, nếu kết quả cho ra từ 0 đến dưới 10 microgram (mg)/dl tức người đó đang ở mức bình thường, kết quả nhiễm độc chì nhẹ khi chỉ số báo từ 40 đến dưới 69 microgram/dl, từ 70 đến dưới 100 microgram/dl là trung bình, nếu lớn hơn 100 microgram/dl chứng tỏ người này đã nhiễm độc chì ở mức khá nặng.
Bàn tay của người bị nhiễm độc chì.
BS Đại giải thích ngộ độc chì có hai loại.
Thứ nhất là ngộ độc cấp tính làm tăng áp lực nội sọ, gây tổn thương não cấp, nơron thần kinh. Triệu chứng biểu hiện là nôn, lơ mơ, hôn mê, co giật.
Thứ hai là ngộ độc mạn tính, là ngộ độc tích lũy từ ngày này qua ngày khác trong cơ thể. Trẻ càng nhỏ tác hại càng nặng, gây ra tình trạng rối loạn chức năng của nơron thần kinh. Triệu chứng biểu hiện là kích thích tăng động, giảm thần kinh nhận thức, giảm trí thông minh.
Ở Mỹ, ngộ độc chì được coi là ngộ độc báo động và cần phải được kiểm soát đặc biệt. Việc nhiễm chì nhẹ không để lại triệu chứng nhưng nó cũng có thể làm suy giảm trí nhớ, chỉ số IQ giảm, làm ảnh hưởng đến cả một thế hệ.
Bác sĩ khuyến cáo đối với những bệnh nhân ngộ độc cấp cách tốt nhất là nhập viện, dùng thuốc giải độc chì chuyên sâu như Dimercaprol. Trường hợp ngộ độc mạn tính nên loại bỏ khả năng tiếp xúc với chì (ví dụ như ở ngoài môi trường, chì có nhiều trong đất, cát, trong vật liệu xây dựng,…). Bên cạnh đó nguồn nước phải được kiểm tra có bị nhiễm chì hay không.
Riêng đối với trẻ em tốt nhất là không cho tiếp xúc với pin, kèm theo bổ sung thêm sắt và canxi cho dinh dưỡng mỗi ngày.