Nhiều cách để xóa bỏ thói quen tiêu tiền mặt

Mới đây, Chính phủ ban hành quyết định số 1813 phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của đề án là tạo ra sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân. 

Đề án cũng yêu cầu các bên liên quan cần đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hóa các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm kinh tế, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Hàng loạt mục tiêu cụ thể mà đề án đặt ra là đến cuối năm 2025 giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác...

Ảnh minh họa

Trong dịch vụ công, đề án đặt ra mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt phải đạt tỉ lệ rất cao, từ 90 - 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, từ 90 - 100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt và 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, nhiều giải pháp sẽ được triển khai cụ thể. Đơn cử như hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách, nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác.

Phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0.

Đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực chính phủ, dịch vụ hành chính công. Trong đó, cần đẩy mạnh tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động thanh toán.

Liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, các ngân hàng liên tục gửi mail, tin nhắn… nhằm cảnh báo các trường hợp rủi ro trong hoạt động thanh toán.

Tuy nhiên, trong  tọa đàm trực tuyến “Đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thừa nhận thực trạng gian lận trong hoạt động thanh toán vẫn diễn ra ngày càng táo bạo tinh vi.

Điển hình như thủ đoạn mạo danh ngân hàng, mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại hoặc gửi tin nhắn/thư điện tử lừa đảo khách hàng cung cấp thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử. Từ đó, đối tượng lừa đảo chiếm quyền kiểm soát tài khoản, chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng.

Đây là sự việc rất nghiêm trọng, xảy ra với khách hàng tại nhiều ngân hàng, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, hình ảnh thương hiệu của ngân hàng.

"Nếu sự việc không được xử lý triệt để sẽ ảnh hưởng lớn tới khách hàng và các ngân hàng, gây hoang mang tới khách hàng khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng số" - ông Hùng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm