Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Phó tướng Lê Minh Khái vừa ký báo cáo của Chính phủ về tổng kết Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng.
Phát hiện hơn 1.800 đối tượng có hành vi, biểu hiện tham nhũng
Tại báo cáo, Chính phủ khẳng định những năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong phát hiện, xử lý tham nhũng được nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Hàng năm, Thanh tra Chính phủ xây dựng, trình Thủ tướng ban hành và tổ chức triển khai định hướng chương trình thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm.
Cụ thể, chương trình thanh tra, kiểm tra chú trọng vào lĩnh vực "nóng", dễ phát sinh nhiều tiêu cực, tham nhũng, có nhiều đơn thư, như quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm tài sản công, công tác cán bộ, tài chính…
Việc này được thực hiện trên tinh thần quyết liệt, sai đến đâu kiến nghị xử lý tới đó, áp dụng kịp thời các biện pháp theo thẩm quyền nhằm ngăn chặn vi phạm, khắc phục thiệt hại, thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.
Việt Á là vụ án điển hình về tham nhũng, tiêu cực có hệ thống, tổ chức. |
Trong 10 năm qua, toàn ngành Thanh tra và các cấp, ngành đã triển khai hơn 73.800 cuộc thanh tra hành chính và hơn 2 triệu cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua đó kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính gần 17.000 tập thể, gần 23.200 cá nhân; kiến nghị thu hồi gần 352.000 tỉ đồng và hơn 104.200 ha đất; chuyển cơ quan điều tra 804 vụ, 1.057 đối tượng.
Đáng chú ý, qua hoạt động thanh tra cũng phát hiện 670 vụ với hơn 1.800 đối tượng có hành vi, biểu hiện tham nhũng với số tiền, tài sản liên quan là 1.022 tỉ đồng, 73,6 ha đất; chuyển cơ quan điều tra 434 vụ, 665 đối tượng có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.
Đặc biệt, công tác điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng có nhiều tiến bộ, các vụ án, vụ việc về tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đột phá.
Báo cáo của Chính phủ dẫn loạt đại án như vụ Nguyễn Đức Kiên, ngân hàng ACB; vụ Huỳnh Thị Huyền Như, ngân hàng Vietinbank; vụ án xảy ra tại PVC, PVP Land liên quan đến Trịnh Xuân Thanh; vụ Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý đất đai liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm)…
Các cơ quan tiến hành tố tụng đã chủ động nhận diện kịp thời các vấn đề nóng, nhạy cảm, phức tạp, các hành vi vi phạm để triển khai các biện pháp, chọn khâu đột phá để phát hiện, đấu tranh trong những lĩnh vực nhạy cảm, dư luận bức xúc như y tế, giáo dục, chứng khoán, đấu thầu, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.
Những vụ án điển hình, "nhân vật" điển hình được báo cáo Chính phủ điểm tên là Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Việt Á về tội đưa hối lộ; Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC phạm tội thao túng thị trường chứng khoán; Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) phạm tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng...
Nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý nghiêm
Chính phủ nhận định ở từng giai đoạn của quá trình thực hiện Chiến lược và Công ước, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng có những chuyển biến nổi bật và rõ nét.
Theo đó, bước đầu đã nhận diện và từng bước khắc phục các vấn đề về "nhóm lợi ích", "sở hữu chéo" trong lĩnh vực ngân hàng của giai đoạn 2010 - 2015. Đến giai đoạn ba của Chiến lược và thực thi Công ước thì phát hiện, điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn.
“Việc khởi tố, điều tra các vụ đại án lớn là đòn giáng mạnh vào tâm lý tội phạm tham nhũng, ngăn chặn động cơ tham nhũng” - Chính phủ đánh giá.
Cũng theo báo cáo Chính phủ, trong hai năm cuối thực hiện Chiến lược và Công ước, công tác phát hiện, điều tra án tham nhũng tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh cả ở cấp độ Trung ương và địa phương. Qua đó, tạo được sự chuyển biến đồng bộ, khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", góp phần đưa công tác phòng, chống tham nhũng trở thành xu thế "không thể đảo ngược" như Tổng Bí thư đã đánh giá.
Số liệu từ các cơ quan chức năng cho thấy từ năm 2009 đến nay, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố gần 2.600 vụ/hơn 5.600 bị can, đình chỉ gần 200 vụ/115 bị can.
Viện Kiểm sát các cấp đã thụ lý kiểm sát điều tra gần 3.100 vụ/gần 7.400 bị can (trong đó án mới truy tố hơn 2.800 vụ/hơn 6.100 bị can).
TAND các cấp đã xét xử hơn 2.900 vụ án với hơn 5.600 bị cáo bị kết án tham nhũng. Trong đó gần 2.200 bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng, gần 1.150 bị cáo phạm tội nghiêm trọng, 951 bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng và 375 bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
“Nhiều đối tượng tham nhũng, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao, người đứng đầu cơ quan của Đảng và Nhà nước đã bị xử lý nghiêm minh, được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao” - Chính phủ cho biết.
Thời gian tới, Chính phủ dự báo tham nhũng ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp; phát sinh nhiều vụ việc có tổ chức, mang tính lợi ích nhóm; tài sản tham nhũng có giá trị lớn, có yếu tố nước ngoài; tham nhũng không chỉ xảy ra trong khu vực Nhà nước mà còn xuất hiện trong khu vực ngoài Nhà nước. Do đó, Chính phủ cho rằng cần phải có những giải pháp căn cơ, đột phá.
Báo cáo Chính phủ cũng cho thấy kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng tăng dần, năm sau cao hơn năm trước trong 10 năm qua.
Các cơ quan THADS đã thụ lý tổng số vụ việc phải thi hành là gần 13.000 việc, tương ứng với số tiền trên gần 167.300 tỉ đồng. Số việc đã thi hành xong hơn 11.200 việc, tương ứng với số tiền gần 49.000 tỉ đồng (tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt hơn 29%).
Riêng năm 2020 đã thi hành được số tiền hơn 14.000 tỉ đồng, bằng 61% tổng số tiền đã thi hành xong trong kỳ báo cáo.