10 năm, hơn 1.140 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý do để xảy ra tham nhũng

(PLO)- Chính phủ cho biết từ 2009-2020, có 646 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng với tổng giá trị trên 3,8 tỉ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-4, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Phó tướng Lê Minh Khái vừa ký báo cáo của Chính phủ về tổng kết Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Báo cáo được thực hiện theo Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

162 người bị xử lý kỷ luật do vi phạm quy định về kê khai tài sản, thu nhập

Tại báo cáo, Chính phủ khẳng định qua hơn 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng và Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo dấu ấn rõ nét trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Từ đó, tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có mặt thuyên giảm. Đặc biệt là các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng được thực hiện đồng bộ với quyết tâm chính trị ngày càng cao, hành động mạnh mẽ, “không dừng”, “không nghỉ”, không có ngoại lệ.

Đề cập đến các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, Chính phủ khẳng định nhiều biện pháp đã phát huy hiệu quả. Trong đó, việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn từng bước đi vào nền nếp. Quy định về quy trình, thủ tục ngày càng hoàn thiện ở các khâu từ tổ chức kê khai, công khai, bản kê khai tài sản, thu nhập…

Luật Phòng chống tham nhũng 2018 và Nghị định số 130 năm 2020 của Chính phủ đã thiết lập hệ thống các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và cụ thể hoá các cơ chế xác minh.

2022 là năm đầu tiên thực hiện xác minh tài sản, thu nhập theo Luật Phòng, chống tham nhũng. Ảnh: PLO

2022 là năm đầu tiên thực hiện xác minh tài sản, thu nhập theo Luật Phòng, chống tham nhũng. Ảnh: PLO

“Việc xác minh theo kế hoạch hằng năm đối với người kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên là bước đột phá, yếu tố quan trọng, cơ sở pháp lý vững chắc cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập đối với cán bộ, công chức, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng trong thời gian tới”- báo cáo nhấn mạnh.

Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương về việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập.

Kết quả cho thấy trong 10 năm, đã có gần 8,3 triệu lượt người kê khai, việc thực hiện kê khai đúng thời hạn đạt 99,5%; công khai đạt tỷ lệ hơn 93%. Các bộ, ngành, địa phương đã xác minh kê khai tài sản, thu nhập đối với hơn 7.900 người; 162 người bị xử lý kỷ luật do vi phạm quy định về tổ chức thực hiện kê khai tài sản, thu nhập.

Hơn 1.140 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng

Ngoài ra, Chính phủ cũng đánh giá nhiều quy định liên quan đến xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách được ban hành với xu hướng “ngày càng chặt chẽ hơn”.

Nhờ vậy, vai trò, trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong phòng chống tham nhũng được nâng lên. Trong 10 năm, đã có hơn 1.140 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.

Quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức đã được các cơ quan ở Trung ương ban hành. Bộ Nội vụ cũng ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương. Hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã ban hành các Quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp riêng đối với từng ngành nghề đặc thù, như ngành hải quan, ngoại giao, y tế, thanh tra…

Năm 2018, Đề án Văn hóa công vụ được Thủ tướng phê duyệt, nhằm tiếp tục nâng cao các giá trị của đạo đức, văn hóa công vụ; tiếp tục lan tỏa, tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến nhận thức, hành động của các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ.

Cũng theo Chính phủ, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ được tăng cường. Trong kỳ báo cáo, đã có gần 102.800 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được kiểm tra, qua đó đã xử lý hơn 4.970 cán bộ, công chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Ngoài ra, Chính phủ cho biết các quy định về việc tặng quà, nhận quà tặng và xử lý hành vi vi phạm đã được ban hành và đạt được một số kết quả tích cực. Qua tổng kết từ năm 2009 đến năm 2020, có 646 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng với tổng giá trị trên 3,8 tỉ đồng.

Theo báo cáo của Chính phủ, Chỉ số nhận thức về tham nhũng của Việt Nam do tổ chức Minh bạch quốc tế đánh giá ngày càng tăng. Nếu năm 2009, Việt Nam chỉ được 2.6/10 điểm, đứng thứ 120/180 quốc gia thì đến năm 2021 đã đạt 39/100 điểm, đứng thứ 87/180 trên bảng xếp hạng toàn cầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm