Nhiều chiêu trị nạn vứt rác bừa bãi

Sau khiPháp Luật TP.HCM phản ánh về tình trạng xả rác bừa bãi và nỗi khổ của người dân khi phải sống chung với bãi rác thì đã có nhiều ý kiến gửi về bày tỏ quan điểm. Chúng tôi ghi nhận ý kiến các chuyên gia, bạn đọc về cách làm để dẹp được nạn xả rác ở nước ta.

Dựa vào tai mắt của dân để xử lý

Phường thường xử lý những hành vi vi phạm, phản cảm thông qua hệ thống camera đã lắp đặt. Tuy nhiên, đây chỉ là cơ sở để cán bộ phường theo dõi, sau đó tiến hành tuần tra và xử lý theo quy định.

Nhiều gia đình đổ rác ẩu, bừa bãi đã được mời lên công an phường để xem lại những hình ảnh này. Họ đã khắc phục ngay sau đó và gần như không tái phạm. Tất nhiên, công an phường và camera cũng không thể quán xuyến, ghi nhận hết được. Phường đã tích cực tuyên truyền, vận động tới mọi người dân tham gia giữ gìn vệ sinh khu phố, nhắc nhở những người vi phạm.

Bên cạnh đó, UBND phường còn tiếp nhận phản ánh thông tin từ người dân về các trường hợp vi phạm thông qua đường dây nóng, website, từ đó tiến hành khảo sát để xử lý những trường hợp vi phạm.

Ông VÕ QUỐC HƯNG, Phó Chủ tịch UBND phường Bến Nghé,
quận 1, TP.HCM

Sẽ lắp camera theo dõi

Bãi rác trên đường Vũ Ngọc Phan là một trong những điểm tập kết rác của TP.HCM. Hằng ngày sẽ có xe tới điểm tập kết để thu gom rác theo đúng quy định. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số xe đến đổ trộm rác, các xe này đổ bừa bãi ra đường làm mất vệ sinh. Trước thực trạng trên, UBND phường 13 dự kiến sẽ lắp camera theo dõi để xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời, phối hợp với lực lượng địa phương để theo dõi và xử phạt các trường hợp vi phạm.

Một đại diện UBND phường 13, quận Bình Thạnh , TP.HCM

UBND phường 13, quận Bình Thạnh dự định sẽ lắp camera theo dõi để xử lý các trường hợp đổ rác trộm bừa bãi tại điểm tập kết rác trên đường Vũ Ngọc Phan. Ảnh: ĐỨC THẮNG

Thưởng nóng cho dân

Phường Hiệp Bình Chánh đã triển khai số điện thoại đường dây nóng nhằm giải đáp những thắc mắc và xử lý những trường hợp vi phạm khi người dân phản ánh. Theo đó, UBND phường đã khuyến khích người dân đứng ra nêu tên, chỉ rõ những người vi phạm. Bên cạnh đó, để xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, UBND phường đã yêu cầu người phát hiện giữ chân người vi phạm.

Cụ thể, khi người dân bắt quả tang trường hợp đổ xà bần trộm thì sẽ gọi tới đường dây nóng. Chỉ năm phút sau cán bộ phường đã có mặt và xử lý. Người vi phạm không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn phải hốt lại toàn bộ số xà bần đổ bậy. Đồng thời, người phát hiện và hỗ trợ phường sẽ được nhận giấy khen và thưởng nóng.

Ông TRẦN MINH TÚ, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh,
quận Thủ Đức, TP.HCM

Có thể phạt nguội người xả rác

Luật đã tăng mức xử phạt cho hành vi xả rác lên nhiều lần nhưng người ta không ngán vì ít khi bị bắt tận tay để xử phạt. Nếu chính quyền không đủ người để xử phạt thì sao không tạo cơ chế để người dân tố giác các hành vi xả rác nơi công cộng. Giờ ra đường ai cũng có sẵn điện thoại có thể chụp ảnh, quay phim, thấy hành vi nào sai phạm cứ chụp lại rồi gửi cho cơ quan chức năng.

Căn cứ vào các hình ảnh ghi được, cơ quan chức năng xem trường hợp nào có đủ chứng cứ thì tiến hành truy xét, phạt nguội như phạt vi phạm giao thông. Hễ vi phạm là bị xử phạt thì ai mà không sợ.

LÊ QUỐC BẢO (Phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM)

Biết luật nhưng không ai chấp hành

Sau vệt bài phản ánh tình trạng vứt rác bừa bãi "Rác từ đâu mà có; Rác gom, về rồi lại tiếp tục hành dân" chúng tôi nhận được nhiều bình luận của bạn đọc:

- Xả rác là phạt thật nặng vào, phạt mức khung cao nhất. Xong cho đi dọn rác mấy ngày là ngán tới óc. Bên mình chỉ được cái nói, tuyên truyền mà không xử đến nơi đến chốn thì cũng như không. NGƯỜI NHÀ QUÊ

- Tôi nhiều năm đi vận động về việc bỏ rác đúng nơi quy định (chỉ là ở khu vực mình sống) thì nhận thấy về mặt lý thuyết ai cũng biết hết, biết rõ luôn (là phải bỏ rác làm sao, rác nylon có hại thế nào...). Nhưng vấn đề là biết nhưng không làm. Giống như ý thức tham gia giao thông cũng vậy, giờ ai cũng biết luật (cơ bản) nhưng không ai chấp hành. Đó mới là điều đáng nói. HIEN BUI

- Bản thân tôi cũng có ý thức và muốn giữ gìn vệ sinh công cộng nhưng nói thật nhiều khi rơi vào tình huống “lực bất tòng tâm”. Đi du lịch, uống xong chai nước hay hộp sữa tìm thùng rác để bỏ không thấy, thôi thì tìm chỗ nào bỏ đại. Ngành vệ sinh môi trường cũng cần xem lại và trang bị đầy đủ thùng rác ở các nơi công cộng. THANH TÙNG

 

Vứt rác bừa bãi bị phạt như thế nào tại các nước?

Với nhiều quốc gia trên thế giới, vứt rác bừa bãi bị phạt rất nặng. Tại Anh, mức phạt trung bình cho tội vứt rác nơi công cộng là 100-2.500 bảng Anh (từ hơn 3 triệu đến 77 triệu đồng).

Tại Mỹ, người phạm tội vứt rác bừa bãi ở bang California sẽ bị phạt 1.000 USD (hơn 23 triệu đồng). Còn tại bang Washington việc vứt đầu thuốc lá không đúng nơi quy định có thể bị phạt tới 1.025 USD (gần 24 triệu đồng).

Trong khi đó tại Singapore, mức phạt tối đa đối với người phạm tội vứt rác sai nơi quy định lần đầu là 1.000 đô Singapore (hơn 17 triệu đồng). Người tái phạm lần hai bị phạt 2.000 đô Singapore (hơn 34 triệu đồng), tái phạm lần ba trở đi bị phạt 5.000 đô (gần 86 triệu đồng). Ngoài phạt tiền, người vi phạm có thể được yêu cầu đi lao động công ích trong 12 giờ như dọn rác tại một khu vực và các phương tiện truyền thông sẽ được mời đến ghi hình. Điều này tạo cảm giác xấu hổ cho người vi phạm và răn đe mọi người không được vứt rác bừa bãi.

THANH TRÚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới