Nhiều công ty nước ngoài muốn đưa hàng hóa vào thị trường TP.HCM

(PLO)- ITPC tổ chức triển lãm quốc tế chuyên ngành ngành lương thực thực phẩm có quy mô lớn để hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương với người mua quốc tế.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 19-5, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu Tư TP.HCM (ITPC) chủ trì, phối hợp với Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ triển lãm C.I.S Việt Nam công bố Triển lãm Quốc tế ngành Lương thực thực phẩm TP.HCM (HCMC FOODEX 2023) lần 2 diễn ra từ ngày 28 đến 30-6 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn, Quận 7 .

Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc phụ trách ITPC cho biết, chế biến lương thực, thực phẩm (LTTP) là ngành trọng điểm của thành phố, chiếm 14%- 15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.

Do ảnh hưởng chung của kinh tế thế giới và trong nước, ngành chế biến LTTP đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là xuất khẩu sụt giảm mạnh so cùng kỳ.

Cụ thể, bốn tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu của TP giảm 19,8% so cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành LTTP và đồ uống giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2022.

“Có thể thấy DN ngành LTTP cần nhất trong lúc này là những chính sách hỗ trợ ổn định sản xuất để giúp DN sớm phục hồi. Các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu, hướng đến phát triển bền vững" - ông Lữ nói.

Doanh nghiệp giới thiệu quy trình làm bánh mì tại HCMC FOODEX 2022. ẢNH: TÚ UYÊN

Doanh nghiệp giới thiệu quy trình làm bánh mì tại HCMC FOODEX 2022. ẢNH: TÚ UYÊN

Bên cạnh đó, trong công tác xúc tiến ITPC nhận thấy đối tác nước ngoài đánh giá cao TP.HCM với hơn 10 triệu dân, rất quan tâm đưa hàng hóa của họ vào.

“Từ trăn trở đó, đồng thời được sự chỉ đạo của UBND TP.HCM, chúng tôi tổ chức triển lãm quốc tế chuyên ngành LTTP có quy mô lớn để hỗ trợ DN kết nối giao thương với người mua quốc tế. Tiếp cận đổi mới máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu” - ông Lữ nói.

Theo ông Lữ, triển lãm dự kiến có khoảng gần 300 gian hàng của hơn 200 đơn vị trong nước và quốc tế.

Điểm nhấn FOODEX 2023 là hoạt động kết nối giao thương B2B giữa DN sản xuất LTTP với nhà mua hàng quốc tế; các đơn vị phân phối, siêu thị hiện đại và kênh thương mại điện tử.

ITPC phối hợp hiệp hội DN các nước đang trên địa bàn TP.HCM, cùng cơ quan Tham tán thương mại… cố gắng mời nhiều người mua từ các thị trường lớn đến sự kiện này.

Đặc biệt, xuyên suốt triển lãm diễn ra các hoạt động quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam được các nghệ nhân, chuyên gia ẩm thực nổi tiếng thực hiện. Qua đó, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm xuất khẩu đạt chất lượng tiêu chuẩn quốc tế.

Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó chủ tịch Hội LTTP TP.HCM, sau dịch bệnh một số thị trường đóng băng, đặc biệt khi xảy ra xung đột Nga-Ukranine một số thị trường trọng điểm, châu Âu cắt giảm chi tiêu nên xuất khẩu LTTP sang các thị trường này hạn chế.

Bên cạnh đó, những tháng đầu năm 2023 mức tăng trưởng của ngành LTTP giảm, kết nối thị trường quốc tế không thuận lợi.

“Hơn lúc nào hết, tổ chức triển lãm FOODEX rất cần thiết vực dậy, tạo kết nối B2B giữa DN trong nước và quốc tế. Chúng tôi kỳ vọng đây cũng là nơi các DN trong chuỗi giá trị của ngành LTTP Việt Nam và ngoài nước cùng thiết lập các mối quan hệ chuyên nghiệp, cùng nhau phát triển” - ông Hiến nhấn mạnh.

Nghịch lý lãi vay giảm nhưng doanh nghiệp "ngó lơ"

Theo ông Hiến, sau dịch bệnh việc đứt gãy chuỗi cung ứng làm cho giá nguyên liệu tăng cao. Có những thời điểm giá nguyên liệu tăng 15% tùy ngành nghề, dẫn đến giá thành tăng.

Tiếp đó, các yếu tố khác như xăng dầu giảm nên giá thành sản phẩm chỉ tăng 12%-13%.

Trong bối cảnh giá thành sản phẩm tăng, nhu cầu vốn DN tăng cao nhất là cuối năm 2022 đầu năm 2023 nhưng giai đoạn này lãi suất cao, DN tiếp cận khó khăn…

Vừa qua Ngân hàng thương mại có giảm lãi vay là một bước hỗ trợ cho DN nhưng hiện nay quy mô sản xuất hoạt động của các DN có xu hướng giảm nên nhu cầu vay vốn giảm. Đây là nghịch lý trong thực tế hiện nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm