Kỳ vọng gia nhập nhóm hàng đầu thị trường sữa đang dần tiêu tan với Công ty Sữa quốc tế (IDP) khi liên tiếp đối diện ới những khoản lỗ lớn. Báo cáo mới nhất của IDP cho thấy: Năm 2018, doanh nghiệp này lỗ ròng 43,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, đó vẫn là con số tích cực hơn năm 2017 khi đơn vị này lỗ đến 298 tỉ đồng. Đến nay, tổng lỗ lũy kế của công ty này lên gần 700 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu.
Méo mặt vì thua lỗ
Đây là năm thứ ba liên tiếp IDP không biết đến lợi nhuận. Quỹ đầu tư VinaCapital có lẽ là đơn vị thất vọng nhất với kết quả này khi đã đổ nguồn vốn khá lớn vào đây và đang nắm giữ 60% vốn điều lệ tại IDP.
Theo VinaCapital, vào thời điểm giữa năm ngoái, giá trị khoản đầu tư vào IDP của đơn vị này chỉ còn 25 triệu USD, giảm mạnh so với con số gần 35 triệu USD trước đó ba năm. Trước tình hình này, VinaCapital cho biết quỹ có thể bán cổ phần kiểm soát IDP với định giá dựa trên doanh số.
Ông Trần Bảo Minh, Tổng giám đốc IDP, thừa nhận: “Với các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh, họ chỉ cần bỏ 10% doanh thu để chạy các chương trình tiếp thị là đã bằng doanh thu cả năm của các doanh nghiệp nhỏ. Điều đó cho thấy rằng cuộc đua đường dài với đối thủ lớn rất khó khăn”.
Một tên tuổi khác dù chưa đến mức thua lỗ nặng nề như IDP nhưng cũng đang chật vật tìm cách tồn tại trên thị trường, đó là Hà Nội Milk. Công ty này đã nỗ lực để sáu tháng đầu năm 2019 thu vào khoản lợi nhuận vài trăm triệu đồng và năm 2018 có một khoản lợi 1,1 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ đến 18 tỉ đồng.
Ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT Hà Nội Milk, thừa nhận các đối thủ cạnh tranh gây sức ép rất mạnh trên thị trường qua việc liên tục tung các chương trình khuyến mãi, tiếp thị khủng. Trong khi đó, Hà Nội Milk có một ngân sách hạn hẹp nên không đủ nguồn lực cho các chương trình tiếp thị để đẩy doanh số. Hệ thống bán hàng của công ty hoạt động còn kém hiệu quả.
Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương bình luận với sự có mặt của quỹ đầu tư lớn là VinaCapital tại IDP mà công ty này vẫn kéo dài những năm thua lỗ và Hà Nội Milk với mức lãi cực kỳ nhỏ bé cho thấy thị trường sữa cạnh tranh gay gắt. Sức ép từ các thương hiệu lớn đầy đủ nguồn lực về vốn, công nghệ và cách quản trị quốc tế như Vinamilk, TH Milk, NutiFood, FrieslandCampina… khiến các thương hiệu nhỏ trên thị trường không có cơ hội vươn lên. “Thực tế, thị trường hiện nay cạnh tranh bằng chiến lược tiếp thị. Ai mạnh tiền mới có thể đưa sản phẩm in dấu trong tâm trí người tiêu dùng” - ông Phương nói.
Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, cũng từng cho biết để giành thị phần thì một trong những phương cách là sử dụng chiến lược tiếp thị. Vinamilk hoàn toàn có thể áp đảo người chơi khác trên thị trường do ngân sách cho tiếp thị một năm của ông lớn này bằng doanh thu của nhiều công ty sữa nhỏ trên thị trường cộng lại.
Nếu không có chiến lược kinh doanh hiệu quả, rất có thể các doanh nghiệp sữa nội địa sẽ mất dần thị phần. Ảnh: PM
Lo sữa ngoại soán ngôi
Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam (VN), tổng doanh thu ngành sữa VN trong năm 2018 ước đạt 109.000 tỉ đồng, tăng 9% so với năm 2017. Trong giai đoạn 2010-2018, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng doanh thu ngành sữa VN đạt 12,7%/năm.
Tiêu thụ sữa tại VN sẽ tiếp tục tăng trong vài năm tới do thu nhập của người dân tăng và sự phát triển của các chuỗi bán hàng hiện đại. Nhu cầu đối với các sản phẩm sữa có giá trị cao được dự báo sẽ tăng mạnh do dân số trẻ và số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu ở các đô thị tăng.
Rõ ràng ngành sữa VN vẫn đầy hấp lực, do đó mới đây Coca-Cola tuyên bố nhảy vào lĩnh vực sữa. Việc đại gia của Mỹ tham gia vào thị trường này sẽ gia tăng sức ép cạnh tranh lên các công ty VN, bởi Coca-Cola có đủ nguồn lực để cạnh tranh, thậm chí với cả người đang dẫn đầu thị trường sữa hiện nay là Vinamilk.
Vinamilk rõ ràng thấy được điều đó. Bà Mai Kiều Liên cho rằng: “Cạnh tranh lúc nào cũng khốc liệt, có cạnh tranh thì mới có phát triển. Không những Coca-Cola mà có thể có nhiều đối thủ khác sẽ tham gia và chúng tôi sẵn sàng chào đón họ. Vấn đề là mình làm thế nào để cạnh tranh tốt. Không phải bây giờ mà từ rất lâu rồi, Vinamilk đã cạnh tranh với rất nhiều công ty và chúng tôi làm rất tốt”.
Chủ tịch HĐQT Hà Nội Milk Hà Quang Tuấn cũng cho rằng sau khi VN ký kết Hiệp định thương mại tự do VN-EU (EVFTA), các công ty sữa nước ngoài vào VN sẽ có lợi thế ở mảng sữa bột công thức. Còn mảng sữa chua và sữa thanh trùng thì bị hạn chế vì sản phẩm phải bảo quản mát, thời gian vận chuyển dài, chi phí cao. Đây là cơ hội cho các công ty sữa VN.
Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) cảnh báo trong các năm tới, do thuế giảm, kim ngạch nhập khẩu sữa của VN sẽ tăng mạnh. Người tiêu dùng có cơ hội sử dụng sữa ngoại giá rẻ hơn, song các doanh nghiệp sữa trong nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp ngoại ngay trên sân nhà. Thậm chí nếu không có chiến lược kinh doanh hiệu quả, rất có thể các doanh nghiệp sữa nội địa sẽ mất dần thị phần.
Sức ép cạnh tranh lớn với doanh nghiệp sữa Việt Công ty Chứng khoán Bảo Việt mới đây công bố báo cáo nhận định EU sẽ xóa bỏ toàn bộ thuế quan lên các sản phẩm sữa của Việt Nam sau khi hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sữa của Việt Nam gần như không được hưởng lợi gì từ việc này do EU vẫn chưa cấp phép nhập khẩu sữa có xuất xứ từ Việt Nam. Thêm vào đó, việc Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ tạo sức ép cạnh tranh lên các doanh nghiệp sữa của Việt Nam do phải cạnh tranh với các sản phẩm sữa nhập khẩu từ EU vốn có ưu thế về chất lượng, dinh dưỡng và độ an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Bảo Việt cũng cho biết các sản phẩm sữa mà Việt Nam nhập khẩu khá nhiều từ EU gồm: Sữa whey và các biến thể, bơ, pho mát, sữa bột và kem dạng bột. Các sản phẩm này đang chiếm tỉ trọng nhỏ trong tiêu thụ các sản phẩm sữa ở thị trường Việt Nam nên cuộc chiến đó sẽ còn nhiều ẩn số. Theo Công ty Nghiên cứu ngành và tư vấn VN (VIRAC), từ năm 2010 đến 2018, VN đã nhập khẩu khoảng 7,2 tỉ USD các sản phẩm sữa, trung bình mỗi năm VN bỏ ra 890 triệu USD để nhập khẩu sữa. |