TS Nguyễn Thành Nam, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, hiện là Hiệu trưởng ĐH trực tuyến FUNiX đã nhận xét như trên tại Hội thảo giáo dục “Trưng Vương hội nhập và phát triển”ngày 29-9 tại Hà Nội.
Trong tham luận trình bày tại hội thảo, khi đề cập đến vai trò của mô hình giáo dục STEM, ông Nam nêu quan điểm vấn đề lớn nhất của giáo dục STEM ở Việt Nam hiện tại là các trường (kể cả ở Đại học), thậm chí ở nhà là học sinh không có vấn đề để giải quyết.
“Chúng ta có thói quen là nêu vấn đề rất lớn là phải cải cách nền giáo dục Việt Nam nhưng không nêu vấn đề nhỏ. Ví dụ tôi nêu vấn đề nhỏ trong tất cả các cấp học là kê bàn ghế thế nào. Kê bàn ghế trong lớp học quyết định phương pháp giảng dạy”, ông Nam nói.
Đưa đến hội thảo dẫn chứng về một học sinh cấp ba, áp dụng kiến thức vật lý lớp 7 sáng tạo ra máy bắt ngao, giúp gia đình tiết kiệm được 4 tỷ đồng/năm, TS Nguyễn Thành Nam cho hay, ở Việt Nam tiềm năng để các em giải quyết các vấn đề là rất lớn. Tuy nhiên, học sinh ở thành phố có vấn đề là... chẳng có vấn đề gì cả. Từ đó ông Nam đưa ra quan điểm, bài toán rõ ràng, càng ít nguồn lực thì càng sáng tạo.
Cũng tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông đã giới thiệu về chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó có những nội dung chính như vì sao phải đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; Những điểm mới của chương trình này so với hiện tại; Tính kế thừa của mô hình này so với mô hình cũ.
Hội thảo cũng lắng nghe đại diện lãnh đạo trường THCS Trưng Vương giới thiệu về lịch sử đáng tự hào của trường nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập trường. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng được lắng nghe phần tham luận của đại diện đến từ các mô hình giáo dục như tham luận của trường Woodford House (New Zealand), Trường Wodonga (Úc)…