Ngày 12-1, UBND tỉnh Đắk Lắk và Tổng hội Địa chất Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Nước với cuộc sống và con người Tây Nguyên”.
Tại hội thảo, TS Ngô Tuấn Tú, Phó chủ tịch Hội Địa chất Thủy văn Việt Nam cho biết, toàn vùng Tây nguyên hiện có 26 nguồn nước khoáng, nước nóng. Nước khoáng, nước nóng ở Tây Nguyên hầu hết có chất lượng đảm bảo cho các mục đích sử dụng ngâm tắm, nghỉ dưỡng. Đồng thời một số nguồn có thể đóng chai, chữa bệnh và khai thác địa nhiệt.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Lâm Chủ tịch Hội Địa chất Thủy văn Việt Nam thông tin, hiện nay, có khoảng 122 cơ sở đầu tư kinh doanh khai thác từ 65 nguồn nước khoáng nước nóng trên lãnh thổ Việt Nam (trong đó có 94 cơ sở được cấp phép).
Nước khoáng nước nóng khai thác theo các mục đích như phục vụ nhu cầu ngâm tắm, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng; khai thác phục vụ đóng chai uống giải khát, với khoảng 1.086 triệu lít/năm và sở đầu tư phục vụ ngâm tắm chữa bệnh, với 3.700 bệnh nhân/năm.
Đánh giá một số tồn tại trong khai thác sử dụng nước khoáng nước nóng, PGS.TS Nguyễn Văn Lâm cho rằng, các công trình thu nước, phân phối, các nhà tắm… hiện còn sơ sài. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ chuyên môn ít, chưa được đào tạo chuyên khoa, chưa có chuyên gia đầu ngành và thiếu các phòng thí nghiệm chuyên môn để đánh giá chính xác chất lượng nước khoáng.
Bên cạnh đó việc khai thác tổng hợp các nguồn nước khoáng để an dưỡng, chữa bệnh đóng chai làm nước giải khát, khai thác năng lượng, làm nơi vui chơi giải trí, du lịch, nuôi trồng thuỷ sản có giá trị kinh tế cao chưa được chú ý. Cạnh đó, giá thành nước khoáng đóng chai quá cao so với mức sống của nhân dân nên việc sử dụng nước khoáng đóng chai chưa được người dân quan tâm.