Tại buổi tọa đàm về chủ đề nóng - thiếu thuốc và trang thiết bị y tế do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng nay (12-8) PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) đã chia sẻ thực trạng khó khăn của cơ sở y tế thuộc diện lớn nhất miền Bắc này.
“Đây là vấn đề rất nóng” – Giám đốc BV Bạch Mai nhấn mạnh.
Theo ông Cơ, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, sang quý II năm nay, số lượng bệnh nhân đến BV Bạch Mai tăng đột biến. Nhiều chuyên khoa, số lượng bệnh nhân tăng tới 5 lần so với trong dịch. Nguyên nhân một phần do trong 2 năm dịch, rất nhiều người người bệnh cả Hà Nội và ngoại tỉnh không đi khám chuyên sâu được.
Cơ sở y tế lớn như BV Bạch Mai sau 2 năm tập trung chống dịch thì nguồn lực về tài chính, trang thiết bị, vật tư, thuốc đều rơi vào tình trạng thiếu thốn. Nay gia tăng nhu cầu khám, chữa bất thường khiến mọi việc trầm trọng hơn.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai tại buổi toạ đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đáng chú ý, BV Bạch Mai đang gặp rất nhiều vướng mắc từ việc quản lý, khai thác thiết bị y tế thuộc diện xã hội hóa. Tiếng là BV công lớn ở phía Bắc, trực thuộc Bộ Y tế, nhưng nhiều trang thiết bị hiện đại có được không phải do ngân sách đầu tư, mà phải dựa vào cơ chế xã hội hóa, đã được triển khai từ 15 năm qua. Nay xuất hiện các yêu cầu, quan điểm mới, hợp đồng liên doanh, liên kết phải dừng, nên máy móc đành đắp chiếu, không thể tiếp tục đưa ra phục vụ bệnh nhân, nhất là với các trường hợp khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT - vốn chiếm hơn 90% trường hợp đến BV Bạch Mai.
Việc hợp tác công tư này vừa qua bị hậu kiểm, bộc lộ nhiều vướng mắc. Có thiết bị hiện đại, đắt tiền liên quan đến án hình sự, rồi vướng về mặt pháp lý, không tiếp tục sử dụng được.
“Những máy này giờ đưa vào hoạt động cũng không phục vụ được người bệnh theo chế độ BHYT. Cơ quan bảo hiểm hiện không thể thanh toán cho người bệnh nếu chúng tôi sử dụng các loại máy này”- PGS Cơ nói.
Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, ban lãnh đạo BV đã báo cáo cụ thể với Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, cơ quan chức năng Hà Nội mong tháo gỡ vướng mắc. “Chúng tôi đã có cuộc làm việc chuyên ngành với BHXH Việt Nam để tìm giải pháp. Nếu Bạch Mai làm được thì các BV công khác có tình trạng tương tự cũng có thể tiếp tục đưa các thiết bị y tế xã hội hóa tương tự vào phục vụ người bệnh”.
Nhu cầu khám chữa bệnh sau dịch tăng đột biến không chỉ xảy ra ở BV Bạch Mai mà là tình hình chung của các cơ sở y tế công lập. Việc này gây sức ép rất lớn tới cung ứng vật tư tiêu hao, sinh phẩm y tế.
Các BV đều tăng cường mua sắm để đáp ứng yêu cầu, nhưng do khó khăn ở chuỗi cung ứng mà một số mặt hàng dù trúng thầu rồi nhưng các nhà cung cấp, các công ty, đơn vị phân phối không cung cấp được. Nhu cầu tăng đột biến nên giá nhiều mặt hàng tăng so với trước đây, nên nhiều công ty thông báo sẽ lỗ nếu chào theo giá cũ.
Một trong các hướng tháo gỡ là Bộ Y tế, Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi các văn bản pháp luật điều chỉnh việc phân loại, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế như Thông tư 14, Thông tư 14, Thông tư 58. Giám đốc Bạch Mai Đào Xuân Cơ ủng hộ việc hoàn thiện thể chế này và cho biết luôn đồng hành với cơ quan quản lý nhà nước để các văn bản pháp quy thực sự là công cụ hữu ích cho các cơ sở, bệnh viện, cơ sở y tế mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế được thuận tiện, minh bạch, công khai.