Giải thưởng Dải băng đỏ là giải thưởng thường niên do Mạng lưới người sống với HIV tại Việt Nam (VNP+) tổ chức với sự bảo trợ của Cục Phòng, chống HIV/AIDS và Trung tâm Phòng, chống AIDS TP.HCM thực hiện từ năm 2015 đến nay.
Làm MC cho chương trình Dải băng đỏ 2018, nghệ sĩ Hồng Ánh cho biết chị sẵn sàng đồng hành với Dải băng đỏ vô điều kiện bởi chị muốn chung tay giảm thiểu sự kỳ thị từ cộng đồng đối với người nhiễm HIV. “Cộng đồng còn nhiều hiểu lầm, không đúng về người nhiễm HIV. Điều đó làm mất đi nhiều cơ hội của họ” - chị nói.
Một trong những đơn vị nhận giải thưởng là Phòng khám lao BV Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM. BS Nguyễn Đăng Hoàng rất bất ngờ khi khoa Lao của anh được bệnh nhân nhiễm HIV đề cử, bình chọn là cơ sở y tế tiêu biểu. Anh cho rằng làm bác sĩ điều trị cho những người nhiễm, chỉ cần “nắm tay bệnh nhân an ủi họ” thôi là họ đã hết lòng yêu thương bác sĩ. Những cái nắm tay đó quá đơn giản, dễ dàng. Cộng đồng cũng có thể làm điều đó để xóa đi mọi kỳ thị, khoảng cách.
Poster của UNAIDS Việt Nam tuyên truyền về ý nghĩa Dải băng đỏ.
Chị Ngô Thị Mộng Linh, người đoạt giải thưởng Dải băng đỏ 2017, cũng đến chung vui. Chị Linh là người đã tiếp cận, giúp đỡ rất nhiều những chị em bán dâm phòng tránh lây nhiễm HIV và những người đã bị nhiễm. Qua những dự án xã hội mà chị thực hiện, nhiều chị em nhiễm đã được uống thuốc ARV điều trị, phòng tránh nguy cơ cho người khác, tạo cơ hội cho họ có công việc ổn định để nuôi dạy con cái tốt hơn.
Vũ Hoàng Mai Châu, trưởng nhóm Người chuyển giới Ruby, cũng đã nhận được giải thưởng Dải băng đỏ năm nay. Cô bật khóc chia sẻ cô từng định bỏ hết các hoạt động cộng đồng vì quá áp lực, có những ngày cô nhận được thông tin có tới bốn người bạn chuyển giới bị nhiễm. Cô nói: “Thương các bạn quá nên mình lại hoạt động. Mình đã từng tuyệt vọng nên mình biết ai cũng cần một bàn tay đưa ra nắm lấy. Vì thế chúng ta mới có mặt ở đây”.
Được biết giải thưởng Dải băng đỏ nhằm biểu dương những người sống với HIV tuân thủ điều trị tốt, có cuộc sống khỏe mạnh và sống có ích, thúc đẩy chương trình điều trị kháng virus HIV, nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về các vấn đề liên quan đến HIV. Đặc biệt, Dải băng đỏ còn hướng đến mục tiêu tuyên truyền giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người chịu ảnh hưởng bởi HIV như người sống với HIV, người sử dụng ma túy, người đồng tính, song tính và chuyển giới. Đồng thời, chương trình còn nâng cao hình ảnh, vị thế, vai trò của nhóm này trong xã hội.
(Chuyên đề phối hợp với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM thực hiện)
Tình hình nhiễm HIV ở Việt Nam Việt Nam nỗ lực đạt mục tiêu 90-90-90 mà Liên Hiệp Quốc đã phát động trên toàn cầu: Đó là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Tình hình dịch HIV vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Mỗi năm nước ta vẫn có hơn 8.000 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện, khoảng 3.000-4.000 người tử vong. HIV/AIDS vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật và tử vong ở Việt Nam. |