Những khối rác này cũng là những đối tượng khám phá và nghiên cứu của các nhà bảo vệ môi trường nhằm đánh giá tác hại của chúng lên toàn bộ cuộc sống của hành tinh.
Khối rác rộng gấp ba lần nước Pháp
Từ ngày 5 đến 25-5 vừa qua, một chuyến hải hành được thực hiện và hoàn tất trên vùng biển Bắc Đại Tây Dương. “Đảo rác” khổng lồ này được phát hiện vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới có một tàu thám hiểm đến tận thực địa để thu thập mẫu vật. Nhật ký hành trình ngày 8-5 của nhóm thám hiểm viết: “Chúng tôi đã sử dụng lưới Manta có mắt lưới 300 micromét và một lưới nữa 20 micromét để có thể vớt được những mảnh vụn nhựa rất nhỏ mà mắt thường không trông thấy được. Hôm qua chúng tôi cũng đã vớt được một chiếc lưới đánh cá đã hỏng, hôm nay thì bắt gặp thêm những vật thể lớn đầu tiên như chai lọ và những vật dụng bằng nhựa xen lẫn trong những đám tảo biển. Chúng tôi cũng tìm thấy một chiếc phao cũ mà hiện đang là “nhà trọ” cho tôm cua và rong tảo”.
Những hỗn hợp rác thải sền sệt và đủ loại đó được đoàn thám hiểm gọi là “món súp rác thải”! Trưởng đoàn thám hiểm Patrick Deixonne cho biết thêm: “Một trong những thời điểm ấn tượng nhất là khi chúng tôi dúi cánh tay xuống mặt nước và quậy vào “món súp rác” đó. Khi kéo cánh tay lên, chúng tôi đã phải dùng nhíp để bóc ra những vụn nhựa li ti bám khắp nơi trên bề mặt da”.
Không những thế, hiện người ta cũng đã phát hiện ra thêm một “đảo” nữa trên Đại Tây Dương, hai “đảo” khác trên Thái Bình Dương và một trên Ấn Độ Dương. Theo đánh giá của đội ngũ các nhà khoa học Mỹ, trên thực địa, những khối rác đó có diện tích khoảng 2 triệu km², tức rộng gấp ba lần nước Pháp! Những mẫu vật được thu thập và mang về sẽ phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để phân tích và nghiên cứu. Các nhà khoa học sau đó sẽ căn cứ trên những dữ liệu và thông số có được để lập bản đồ các “đảo rác” và công bố cho công chúng trong tương lai.
Thủy thủ đoàn trên chuyến hải hành khảo sát khoa học mang tên “Lục địa thứ bảy” trong chuyến “săn rác” trên vùng biển Bắc Đại Tây Dương vào tháng 5-2014: “Từ 21 giờ, sau bữa ăn nhẹ, chúng tôi bước vào ca trực đêm, từng người một thay phiên nhau. Suốt đêm, lúc nào cũng phải có một người thức túc trực trên boong để quan sát tất cả những gì diễn ra trên mặt biển đêm, để theo dõi thời tiết và điều chỉnh hệ thống buồm. Ca trực từ 1 giờ đến 3 giờ sáng là cực nhất!”. Ảnh: Septiemecontinent.com
Hình minh họa “quy mô” của một “đảo rác” đang trôi nổi trên vùng biển Bắc Thái Bình Dương. Nguồn: ARTE
Chim hải âu bị chết do ăn nhầm rác thải trôi nổi trên biển, trong dạ dày của chúng có đủ loại đồ vật bằng nhựa mà con người vứt xuống biển.
Làm gì để ngăn chặn rác trên biển?
Mỗi năm con người sản xuất ra khoảng 250 triệu tấn các sản phẩm nhựa và sau khi sử dụng, mỗi năm cũng đã có khoảng 6,4 triệu tấn nhựa bị vứt bỏ xuống biển. Nhiều loại nhựa đôi khi phải mất 1.000 năm mới phân hủy hoàn toàn. Trong khi theo số liệu thống kê trong năm 2012, chỉ có 0,27% sản phẩm làm bằng loại nhựa tự phân hủy sinh học được sản xuất ra trong toàn bộ khối lượng sản xuất nhựa trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó và một khi con người không có được những biện pháp căn cơ để giải quyết lượng rác thải nhựa thì các “đảo rác” trên biển chắc chắn mỗi ngày một phình ra theo một cách mà con người không thể nào kiểm soát được.
Hiện nay việc dọn dẹp vệ sinh trên các vùng biển khơi rộng lớn hầu như không thể thực hiện được do diện tích quá rộng lớn và chi phí quá cao. Theo chuyên gia Marcus Eriksen, Giám đốc nghiên cứu và giáo dục thuộc Algalita Marine Research Foundation, hiện nay chúng ta chưa thể làm gì được ngoại trừ xây dựng ý thức trong cộng đồng là đừng làm cho tình hình này trầm trọng thêm.
Những “đảo rác” như thế đã xuất hiện trên tất cả đại dương trên thế giới và thậm chí người ta cũng đã trông thấy chúng ngay bên trong lục địa, trong vùng Ngũ Đại Hồ của Mỹ!
TƯỜNG NGUYỄN (Theo L’Express” và Planete.info)
Rác trên Địa Trung Hải Năm 2010, đoàn thám hiểm MED (Địa Trung Hải đang lâm nguy) đã ước lượng rằng trên đại dương này có trung bình 115.000 mảnh vụn nhựa/km2. Tuy tổng khối lượng của “đảo rác” này khoảng 600 tấn song nguy cơ lớn là chúng đang tăng diện tích rất nhanh, bởi Địa Trung Hải là một đại dương gần như “khép kín” do nằm lọt thỏm giữa các khối lục địa. (Theo Le Monde) |