Ảnh minh họa
Thí sinh phải đăng ký sơ tuyển
Ông Tiến cho biết thí sinh phải mua một bộ hồ sơ đăng ký sơ tuyển ĐH-CĐ do Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng in và phát hành trong toàn quốc.
Với thanh niên ngoài quân đội có thể thực hiện đăng ký sơ tuyển trước hoặc sau khi đăng ký dự thi Kỳ thi THPT quốc gia. Thí sinh là quân nhân đang tại ngũ thực hiện sơ tuyển, đủ tiêu chuẩn mới đăng ký dự thi Kỳ thi THPT quốc gia. Trình độ văn hóa, thực hiện theo Quy chế thi của Bộ GD&ĐT.
Chỉ xét tuyển thí sinh ở cụm thi liên tỉnh
Cũng theo ông Tiến, các trường không sử dụng nhiều hơn bốn tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành. Những trường sử dụng nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành phải dành ít nhất 75% chỉ tiêu của ngành hoặc nhóm ngành đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi truyền thống, 25% chỉ tiêu còn lại dành cho các tổ hợp môn thi mới.
Các trường Quân đội chỉ nhận hồ sơ xét tuyển ĐH-CĐ quân sự đối với những thí sinh đã qua sơ tuyển, có đủ tiêu chuẩn quy định của Bộ Quốc phòng, dự Kỳ thi THPT quốc gia tại cụm thi do trường ĐH chủ trì, các môn thi phù hợp với các môn thi để xét tuyển vào các trường Quân đội mà thí sinh đăng ký.
Với nguyện vọng 1: Ngay sau khi có kết quả xét tốt nghiệp THPT và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT công bố, các trường công bố điều kiện xét tuyển vào các ngành của trường.
Hồ sơ gồm: Phiếu đăng ký xét tuyển, Bản chính giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng 1, một phong bì dán tem ghi địa chỉ liên lạc của thí sinh.
Nếu thí sinh không gửi đủ hồ hơ xét tuyển nguyện vọng 1 về trường đã nộp hồ sơ sơ tuyển theo đúng thời gian quy định của Bộ GD&ĐT thì sẽ mất quyền lợi xét tuyển nguyện vọng 1 vào trường đã sơ tuyển.
Trường hợp thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 vào trường không nộp hồ sơ sơ tuyển thì không được xét tuyển nguyện vọng 1 vao trường đó.
Đối với trường hợp thí sinh đã nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 được quyền rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường ngoài Quân đội hoặc hệ dân sự các trường trong Quân đội.
Đối với xét tuyển nguyện vọng bổ sung: Chỉ tuyển những thí sinh đã qua sơ tuyển vào các trường Quân đội, đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Quốc phòng (chuẩn sức khỏe của các trường là khác nhau), không trúng tuyển nguyện vọng 1, đăng ký tuyển nguyện vọng bổ sung theo Quy chế của Bộ GD&ĐT.
Kết thúc mỗi đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không trúng tuyển được quyền rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để đăng ký xét tuyển đợt tiếp theo.
Các trường sẽ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển, cập nhật dữ liệu đăng ký xét tuyển vào trường, cứ 3 ngày một lần công bố trên trang thông tin điện tử của trường danh sách các thí sinh đăng ký xét tuyển theo kết quả thi từ cao xuống tháp.
Chuyển sang hệ dân sự nếu không đủ sức khỏe
Thực tế trong những năm qua, một số trường hợp thí sinh dự thi vào các trường quân sự, khi sơ tuyển sức khỏe đạt và đến khi trúng tuyển, sau vòng khám sức khỏe thì kết quả lại không đạt.
Theo ông Tiến, nguyên nhân là do khâu sơ tuyển chưa chuyên sâu, đến khi thí sinh trúng tuyển, lúc đó mới khám chuyên sâu, chụp tim, phổi, các chức năng thận, trắc nghiệm chuyên sâu hơn.
“Nếu khi thí sinh rơi vào trường hợp này thì nhà trường sẽ cấp ngay một giấy xét tuyển bổ sung để cho thí sinh nộp tại các trường ngoài quân sự. Trong trường hợp này Bộ Quốc phòng sẽ tạo điều kiện để thí sinh đó được học hệ dân sự trong các trường quân sự” - ông Tiến nói.