Những lời cảm ơn tiền tỉ vụ 'chuyến bay giải cứu'

(PLO)- Những chiếc phong bì mang theo “thông điệp” đã khiến cho các chuyến bay đưa công dân về nước từ mang ý nghĩa tốt đẹp ban đầu trở nên méo mó, xấu xí.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau bốn ngày làm việc, phiên tòa “chuyến bay giải cứu’’ đã kết thúc phần xét hỏi. Hôm nay (17-7), phiên xử bước vào phần tranh luận.

Phong bì rải khắp nơi…

Vụ án này có tất cả 54 bị cáo thì có tới 21 bị cáo bị xét xử tội nhận hối lộ, 24 bị cáo bị xét xử về tội đưa hối lộ, bốn bị cáo bị xét xử về tội môi giới hối lộ.

Tại tòa, lời khai của các bị cáo nhóm doanh nghiệp (DN) cho thấy khi xin cấp phép chuyến bay phải đến gặp nhiều cá nhân ở các cơ quan có thẩm quyền để nhờ giúp đỡ và phải cảm ơn. Chỉ khi nào các cơ quan liên quan đều ‘’gật đầu’’ thì mọi sự mới thành. Ở mỗi cơ quan, DN phải gặp cảm ơn nhiều người chứ không chỉ một lãnh đạo, quan chức.

Các bị cáo tại phiên xử. Ảnh: CTV
Các bị cáo tại phiên xử. Ảnh: CTV

Là người bị tố cáo đưa hối lộ nhiều nhất, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn ở Công ty Bluesky đã 63 lần đưa tiền cho nhiều cá nhân với tổng số tiền hơn 38 tỉ đồng. Ở Văn phòng Chính phủ, họ phải đưa tiền cho các bị cáo Nguyễn Tiến Thân, Nguyễn Thanh Hải. Ở Bộ Ngoại giao, đưa tiền cho cựu thứ trưởng Tô Anh Dũng, cựu cục trưởng lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan, cựu cục phó Đỗ Hoàng Tùng… Ở Bộ Y tế, phải đưa tiền cho Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng. Ở Cục Quản lý xuất nhập cảnh, phải đưa tiền cho Vũ Anh Tuấn…

Lời khai của các bị cáo là chủ DN khác như bị cáo Đào Minh Dương, Vũ Minh Thắng cho thấy ban đầu, họ nhiều lần nộp hồ sơ xin cấp phép chuyến bay nhưng không được duyệt. Hoặc nếu có được cấp phép cũng bị gây khó dễ như cấp phép sát ngày bay, DN không kịp bán vé trong khi chi phí thuê máy bay đắt đỏ 8-9 tỉ đồng và đã phải đặt cọc trước. Sau đó, thông qua người quen, họ đến gặp gỡ và nhờ cậy rồi cảm ơn thì hồ sơ mới được chấp thuận, tạo điều kiện.

Những lời khai “tố khổ’’ như vậy có rất nhiều trong phiên tòa. Bị cáo Đào Minh Dương còn khai rằng: “Khi chưa chi tiền, cứ 8 giờ 30 sáng Phạm Trung Kiên lại gọi điện nhắc, bị cáo phải đưa cho nhân viên nghe máy. Có lần Kiên chụp quyết định có chữ ký rồi bảo thứ trưởng ký rồi, phải chuyển tiền mới có dấu’’.

Trả lời câu hỏi vì sao đưa tiền, bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh nói rằng: “Tôi đã hành động theo luật bất thành văn, chính vì thế tôi đưa tiền cho các đơn vị”…

Những lời cảm ơn nặng đô… la

Trước những cáo buộc “bị làm khó” của các bị cáo nhóm DN, tại tòa, nhiều bị cáo là cựu lãnh đạo lại cho rằng họ không hề đòi hỏi, ra điều kiện, không ngã giá, không gây khó khăn cho DN. Sau khi tổ chức chuyến bay thì tự DN đến cảm ơn.

Cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng khai: ‘’Quá trình làm việc, bị cáo luôn dặn anh em tham vấn các cấp làm việc tạo điều kiện xét duyệt cho nhanh’’. Việc ông Dũng tiếp xúc với DN là do họ chủ động liên hệ, sở dĩ đồng ý gặp vì “phần thì nể nang, phần thì cũng muốn nghe xem DN có khó khăn, vướng mắc gì không”. Nhưng khi các đại diện DN ra về thì đều để lại phong bì cảm ơn.

Theo lời khai của bị cáo Hoàng Thị Mơ (Công ty An Bình), khi bị cáo này đưa tiền cảm ơn thì “Anh Tô Anh Dũng nói “lần sau không được đưa cho anh nữa” nhưng sau đó bị cáo vẫn đưa và anh Dũng vẫn nhận””.

Tại tòa, ông Dũng khai theo trí nhớ, có gặp Hoàng Thị Mơ và nhận 8,5 tỉ đồng cảm ơn, nhận của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng 5 tỉ đồng, nhận từ bị cáo Nguyễn Thị Tường Vy 115.000 USD, nhận từ Trần Thị Mai Xa khoảng 30.000 USD, nhận của Công ty Nhật Minh 40.000 USD,… Tổng cộng, cựu thứ trưởng bị cáo buộc đã 37 lần nhận tiền, tổng cộng 21,5 tỉ đồng, mà theo như ông Dũng khai thì ‘’lúc đó bị cáo không nghĩ làm sai”.

Cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên cũng khẳng định không có chuyện đòi tiền, ngã giá đưa ra điều kiện nhưng bị cáo này đã 253 lần nhận từ DN số tiền hơn 42 tỉ đồng.

Còn rất nhiều những lời biện minh khác, chẳng hạn cựu trợ lý phó thủ tướng là bị cáo Nguyễn Quang Linh nói rằng bản thân chỉ hỗ trợ về thủ tục, tư vấn cho DN hồ sơ phải có văn bản gì, văn phong như thế nào để trình lên cho hợp lệ.

Và dù là lý do gì đi nữa thì cuối cùng tất cả bị cáo ở nhóm tội nhận hối lộ đều thừa nhận có cầm tiền của DN.

Ở thời điểm mà cả đất nước gồng mình chống dịch, người dân không chỉ đối mặt với cái chết mà còn có bữa đói bữa no thì một bộ phận lãnh đạo lại tranh thủ nhận tiền mà họ cho rằng đó chỉ là “cảm ơn”.

Thế nhưng số lần và số tiền cảm ơn được VKS công bố đều khiến những người theo dõi phiên tòa phải đặt câu hỏi: Nếu đúng chỉ là quà cảm ơn thì tại sao lại nhiều tỉ đồng đến vậy?

Những lời khai gây xôn xao dư luận

Trải qua bốn ngày xét xử, điều khiến dư luận quan tâm không chỉ là số tiền đưa - nhận hối lộ mà còn là những lời khai “khó lòng tưởng tượng nổi” của các bị cáo tại tòa.

Thừa nhận có cầm hàng chục tỉ đồng của DN, thời điểm đó đang là thứ trưởng Bộ Ngoại giao, thế nhưng ông Tô Anh Dũng lại “hồn nhiên” trả lời rằng “không ý thức được việc nhận 21,5 tỉ đồng là vi phạm pháp luật”.

Bị cáo Tô Anh Dũng khai thời điểm nhận tiền không nhận thức được là vi phạm pháp luật. Ảnh: CTV

Bị cáo Tô Anh Dũng khai thời điểm nhận tiền không nhận thức được là vi phạm pháp luật. Ảnh: CTV

Cựu phó giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn thì lại bảo “vì thương em gái kết nghĩa vướng lao lý”.

Trong khi đó, bị cáo Đào Minh Dương, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vijasun, khai về việc thấy Phạm Trung Kiên quát tháo DN: “Tôi biết các anh nộp 150 triệu mỗi chuyến cho anh Tuấn (bị cáo Vũ Anh Tuấn, Cục Quản lý xuất nhập cảnh - PV) thì các anh cũng nộp cho tôi 150 triệu đồng, các anh nộp cho Tuấn cả 300 triệu đồng rồi anh Tuấn đưa lại cho tôi hoặc đưa cho tôi rồi tôi đưa anh Tuấn. Nếu không nộp thì không được cấp phép’’.

Ngoài ra, Trần Minh Tuấn, giám đốc Công ty Thái Hòa, khai nhận lời hợp tác với Phạm Bích Hằng (giám đốc Công ty Vinamichi) để chạy giấy phép chuyến bay vì nghĩ “đấy là cơ hội để tôi đóng góp sức của mình giải cứu đồng bào”…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm